Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Dấu hỏi quy hoạch

Dấu hỏi quy hoạch

Viết email In

Tỉnh Long An vừa thu hồi khoảng 500ha đất của 3 dự án để những khu đất này được tiếp tục trồng lúa như trước đây, trong đó có các dự án về công nghiệp và sân golf. Tính từ năm 2009 trở lại đây, tỉnh này đã xóa quy hoạch treo gần 60 dự án với tổng diện tích đất thu hồi hơn 3.000ha. Đó là những dự án không khả thi.

Việc làm này của tỉnh Long An là bình thường mà cũng có thể được xem là dũng cảm và đáng biểu dương trong bối cảnh hiện nay. Bởi ở không ít địa phương, “cái ách” quy hoạch vẫn còn treo lơ lửng, khiến người dân mất ăn mất ngủ, lâm cảnh khốn khó. Ở khía cạnh khác, hiện tượng “phá vỡ quy hoạch” hiện cũng đang gây tranh cãi và chưa thể kết luận là tốt hay không tốt.

Mới đây, tại các tỉnh ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, người nông dân ồ ạt chặt phá cà phê, cây ăn trái... để trồng hồ tiêu khi giá hồ tiêu tăng cao. Hoặc nông dân ở tỉnh Vĩnh Long chuyển từ trồng lúa sang trồng cam sành khi loại cam này được giá… Thực tế tình trạng “trồng chặt” đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Hai dạng “dỡ bỏ” quy hoạch như trên gây ra những phản ứng khác nhau. Lâu nay, ở nhiều địa phương, tình trạng quy hoạch “treo” và dự án “xây dần” đã và đang gây nhiều bức xúc trong người dân. Tại sao các cơ quan quản lý chức năng lại để xảy ra chuyện này?

Có hay không những ẩn khuất trong quy trình xây dựng quy hoạch rồi phá quy hoạch, cũng như cần xem xét lại năng lực những cá nhân, đơn vị thực hiện quy trình này. Còn với việc phá vỡ quy hoạch theo kiểu “trồng chặt” của nông dân cho thấy người dân đang tự bơi trong sự lúng túng, gần như “đứng nhìn” của chính quyền. Vì đâu “nỗi này” xảy ra? Không thể không xem lại năng lực và cả đạo đức của đội ngũ đã đẻ ra những bản quy hoạch bị phá vỡ.

Rõ ràng, quy trình xây dựng quy hoạch lâu nay của chúng ta đã có vấn đề. Những nghi vấn về năng lực, phẩm chất của những người làm ra bản quy hoạch là có cơ sở. Tiếp đó là hơi hướng của lợi ích nhóm cũng như tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch.

Đây có thể nói là điều tối kỵ trong công tác quy hoạch, bởi cái đích, mục tiêu cuối cùng của quy hoạch là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, đảm bảo sự phát triển bền vững cho cộng  đồng. Vì thế, khi làm quy hoạch nhất thiết phải loại bỏ lối suy nghĩ bóc ngắn cắn dài, cục bộ, địa phương chủ nghĩa cũng như kiểu “nhà nhà, ngành ngành làm quy hoạch”, dẫn đến tình trạng loạn quy hoạch, quy hoạch chồng lấn. Đồng thời khi xây dựng quy hoạch phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với vùng, miền, cả nước và quốc tế.

Cùng với đó, đổi mới cách thức làm quy hoạch sao cho yếu tố công khai hiện hữu xuyên suốt, từ khâu ý tưởng đến thiết kế, thẩm định, công bố, triển khai, giám sát việc thực thi quy hoạch. Trong sự công khai đó cần có ý kiến của người dân, người thụ hưởng quy hoạch, cũng như xây dựng được cơ chế minh bạch về trách nhiệm và quyền lợi giữa người dân, chính quyền, cơ quan quản lý, đơn vị thực hiện quy hoạch.

Trần Trương Mạnh Hoài


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo