Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Góc nhìn Tốc độ và quãng đường

Tốc độ và quãng đường

Viết email In

1. Hình như đường về quê càng ngày càng dài ra hay sao ấy. Những người bạn cũ thuộc thế hệ chúng tôi đều thoáng nghĩ như thế mỗi lần về quê, dù đó là quê nội, quê ngoại hay quê của người yêu một thời, mà bây giờ đã thành vợ hoặc chồng. Chứng cớ là trước đây, chúng tôi chỉ phải mất khoảng trên dưới một tiếng chạy xe máy là đã có mặt tại quê (ở cửa ngõ Thủ đô phía Bắc, phía Tây hoặc phía Đông của Hà Nội). Thế nhưng bây giờ, đường sá to rộng hơn, xe xịn hơn, thế nhưng về quê có khi phải chạy xe mất vài ba tiếng đồng hồ, mà về đến nơi còn mệt rũ cả người…

Ban đầu, tôi giấu cảm giác đó, sợ nói ra sẽ bị đánh giá về mặt tư tưởng. Chẳng hạn, các cụ ở quê biết chuyện, sẽ nghĩ mình là thằng mất gốc, mới nhiễm có tí thị thành mà đã thấy đường về quê xa xôi, tức là lòng đã cách xa rồi. Chả bõ lúc còn sinh viên, tháng đạp xe về nhà mấy lần để xin tiền ăn học, mà có thấy chê đường xa bao giờ? Nhưng sau khi nghĩ kỹ tôi nhận thấy rằng đây không phải là sự xa xôi về mặt tâm lý. Quả thật tốc độ di chuyển của rất nhiều người trong chúng tôi (trước hết hãy cứ lấy một nhóm thanh niên ở các tỉnh lân cận xuống lập nghiệp ở Hà Nội làm khảo nghiệm) đang chậm dần đều, đến mức chẳng bao lâu nữa có lẽ sẽ tiệm cận với tốc độ của… xe đạp. Đây là sự “giảm tốc” thuần túy về mặt cơ học.


2. Còn nhớ, trước đây, từ Hà Nội tôi phóng xe máy về quê bạn tôi ở một huyện nghèo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc mất khoảng 1 tiếng rưỡi, trên tổng hành trình khoảng 70 cây số. Tốc độ như thế là tương đối cao. Tuy nhiên, các cô em gái bạn tôi còn phóng nhanh hơn - đàn bà vốn dĩ liều mạng với tốc độ hơn đàn ông mà - chúng thường đi mất khoảng 1 tiếng 20 phút. Tôi nhớ mãi cô em gái bạn tôi bảo: Từ Hà Nội về nhà em có một tí. Đi đường cao tốc vèo một cái là ra đến Nội Bài, ngược lên QL2 khoảng 30 cây nữa là về tới thị xã rồi rẽ về huyện là tới nhà rồi! Tan học buổi sáng mà em còn kịp từ Hà Nội về nhà ăn cơm trưa cơ mà!

Cá biệt, anh họ bạn tôi còn phóng từ trên đó xuống Hà Nội hết có 60 phút. Chia ra tốc độ trung bình khoảng 70 km/h là quá cao. Nhưng trừ đi những chỗ tránh ổ trâu, ổ gà, dừng chờ đèn đỏ hay sang đường, thì anh ta luôn đạp ga chiếc xe máy Tàu tới 90-100 km/h, rất đúng với nghĩa của từ “tẹt ga”, tức là luôn luôn vặn ga cực đại, phi với tất cả sức mạnh của động cơ, và sự uyển chuyển của cả cơ thể anh nữa (lúc lạng lách, người anh cũng đu đưa theo), và sau đó tất nhiên cũng phanh gấp với tất cả lực ma sát của má phanh. Đường sá khoảng chục năm trước, khi QL2 chưa nâng cấp, còn rất nhỏ hẹp, nhiều khúc cua, chưa có cầu tránh đường sắt như bây giờ, nhưng được cái mặt đường cũng khá phẳng phiu. Quan trọng là sự cơ động của chiếc xe máy, cộng với sự liều lĩnh và thói quen phóng nhanh vượt ẩu, khiến chiếc xe Tàu của anh luôn đạt mức “siêu tốc”.

Thời “trai trẻ”, khi cơn sốt xe bãi ồ ạt đổ về (chủ yếu là xe máy bãi của Nhật) và tiếp theo là cơn bão xe máy Tàu, chúng tôi có được sự cơ động vượt trội (di chuyển với tốc độ nhanh gấp 4-5 lần so với thời đi xe đạp). Và còn gì đáng phải bận tâm nữa với đám trai trẻ trong cơn say về tốc độ ấy. Lúc nào chúng tôi cũng thèm đi xe (ban đầu là xe mượn, mãi sau mới sắm được), cứ ngồi lên xe là vít hết ga. Có lẽ cho đến tận bây giờ chiếc súng bắn tốc độ vẫn chủ yếu được dùng để trị đám bốn bánh, còn xe máy thì cũng “bắn”, nhưng rất hiếm khi, có lẽ vì chúng nhiều như cào cào, châu chấu, không bắn hết được. Bao nhiêu năm phóng xe máy trên QL2 hay trên QL5 và cả cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nhưng chỉ đến khi đi ô tô tôi mới biết rằng trên các đoạn đường này có rất nhiều biển hạn chế tốc độ tối đa. Rất nhiều người đi xe máy đến giờ này vẫn không hề biết những cái biển này, hoặc có biết cũng lờ đi.

Vâng, ngày xưa phương tiện chúng tôi rất tệ, đường sá cũng chưa hề được nâng cấp, nhưng chúng tôi đã tăng tốc độ bằng mọi giá, bất chấp luật lệ.


3. Còn bây giờ thì sao? Vâng, với chiếc xe bốn bánh của tôi bây giờ, một buổi sáng đẹp trời, tôi về quê bạn ăn cưới, vẫn quãng đường ngược lên QL2 như cũ, nhưng để thoát ra khỏi nội thành Hà Nội, ra đến lối rẽ từ đường đê Hữu Hồng lên cầu Thăng Long, tôi nhìn đồng hồ, mất đúng 50 phút, suýt soát bằng quãng thời gian từ Hà Nội về tận quê anh với tốc độ của xe máy trước đây.

Loanh quanh tìm lối rẽ lên cầu mất thêm 5 phút nữa. Lên đến cầu rồi, cứ tưởng là từ đó đến trạm soát vé Nội Bài sẽ “tẹt ga” 80 km/h. Nhưng không, mặc dù biển báo tốc độ trên cầu Thăng Long khống chế chỉ còn dưới 50 km/h, nhưng thiết nghĩ để cho an toàn thì nên khống chế xuống dưới 5 km/h, tương đương với việc dựng biển báo “Công trường đang thi công” trên suốt cả cái cầu này. Chả biết mặt cầu nứt rách thế nào, nguyên nhân là do đâu, lỗi tại ai, nhưng nhìn cả một làn đường nham nhở ổ trâu ổ voi như thế thì tốt nhất là nên bố trí sẵn một cái cuốc và một cái rổ đựng đá dăm mà rải ra hàng ngày. Xe đi trên cầu có biển cấm vượt, nhưng các xe luôn vượt nhau hoặc tạt từ làn trong ra làn ngoài và ngược lại, đơn giản vì phải vừa đi vừa tránh ổ trâu.

Đường QL2 được nâng cấp khá đẹp, tuy còn đôi ba chỗ đang thi công hay giải phóng mặt bằng. Song tốc độ di chuyển của xế hộp trên đó còn lâu mới bằng được con Cub 79 ghẻ của tôi trước đây, vì vừa đi vừa phải căng mắt nhìn biển báo tốc độ. Nghe nói súng bắn tốc độ nhan nhản. Hết biển báo đô thị này đến biển báo khác, và dù có căng mắt đến mấy, thì cũng không dám chắc là đã tới hay đã qua biển báo đô thị hay chưa. Cho nên tốt nhất là cứ dưới 50 km/h mà đi, thi thoảng còn thấy biển dưới 40 km/h rồi 20 km/h (gần hai trạm soát vé).

Trong khi tôi dò dẫm trên đường vừa đi vừa nhìn đồng hồ tốc độ, thì vài ba chiếc xế hộp cậy mạnh rú còi inh ỏi, phóng nhặng lên trước, với tốc độ tới cả trăm cây số trên giờ. Tôi vẫn kiên nhẫn cho xe đi chậm, qua cầu vượt vào thành phố, bỗng thấy một dãy xe xếp hàng bên đường. Chung quanh cảnh sát giao thông đứng đầy. Đáng đời nhé, chạy nhanh cho lắm vào, bị bắn tốc độ thì chắc phải tối mới về được đến nhà, chẳng thà đi chậm.

Trong khi đó, những chiếc xe máy thì vẫn rất nhanh nhẹn vượt phải, vượt trái, đường dù khấp khểnh đến đâu, hai bánh xe máy vẫn luồn lách được miếng đường tốt mà đi, đâm ra vẫn đạt tốc độ 60-70 km/h như thường.


4. Quãng đường không thay đổi, phương tiện đã tốt lên, nhưng tốc độ di chuyển của xe lại giảm xuống và thời gian di chuyển lại tăng lên gấp đôi, gấp ba. Giờ đây, quãng đường về quê như dài hơn, mệt mỏi hơn, nhưng có lẽ chúng ta phải bằng lòng với sự kéo dài đó, để người và xe được trở về nhà an toàn.

Thế nhưng, sẽ còn chậm thế đến bao giờ? Chẳng lẽ giao thông từ Bắc vào Nam cứ rùa bò như thế này? Càng những người coi trọng luật lệ thì lại càng bị chậm, thậm chí bị thua thiệt so với những kẻ lách luật hoặc bất chấp luật.

Đây rõ ràng là một bài toán tỷ lệ nghịch, khi hệ thống đường sá thiếu đồng bộ, và cung cách quản lý giao thông thiếu chặt chẽ, nặng về bắt phạt đằng ngọn, vô hình trung khiến xe cộ dù hiện đại đến đâu cũng phải “chào thua” chiếc xe máy cá nhân./.

Nguyễn Âu


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...