Cùng với đình, đền, chùa, lăng tẩm, nhà cổ cũng là di sản cần được tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị. Trong thực tế, do nhiều nguyên nhân, công tác bảo tồn nhà cổ hiện nay gặp không ít khó khăn.
Di sản mất dần
Có thể khẳng định rằng, nếu không có những ngôi nhà đá ong thì không có làng cổ Đường Lâm được nhiều người biết đến như hiện nay; nếu không còn những ngôi nhà rường thì thành Huế mộng mơ mất đi một chút đặc sắc; nếu không có những dãy nhà gỗ cổ xếp lớp dày đặc, Hội An rất khó có tên trên bản đồ di sản thế giới… Dù về kiến trúc, vật liệu xây dựng có sự khác nhau song những ngôi nhà cổ ở khắp mọi miền đất nước đều là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, gu thẩm mỹ của các thế hệ đi trước trong quá trình phát triển. Bởi thế, nhà cổ từ lâu đã được coi là một loại hình di sản độc đáo, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
- Ảnh bên: Một trong những ngôi nhà có kiến trúc cổ ở làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Bảo Lâm)
Đáng tiếc là sự quan tâm bảo tồn nhà cổ mới chỉ "khoanh vùng" trong các làng cổ, phố cổ đã được xếp hạng di tích, số còn lại (chiếm phần lớn) hoặc đang xuống cấp, hoặc bị chủ sở hữu phá đi xây mới. Điển hình cho "phong trào" xây mới là làng Cự Ðà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Nhận được số tiền đền bù không nhỏ từ dự án giải tỏa đất nông nghiệp để làm khu đô thị, 2/3 trong số 100 ngôi nhà cổ với ngói mũi hài, cột gỗ lim ở Cự Đà bị thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng bê tông, cốt thép; dấu ấn thanh bình, yên ả của làng nghề làm miến, làm tương nổi tiếng miền Bắc một thời giờ chỉ còn thấy rõ qua chiếc cổng làng. Tương tự, nhiều năm trước đây Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) được biết đến là làng có nhiều nhà cổ bậc nhất cả nước (hơn 50 nhà), nay số nhà cổ đã vơi hơn nửa. Ngay tại làng cổ Đường Lâm, khi chính quyền địa phương có kế hoạch lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ngôi làng này là di sản văn hóa thế giới, nhiều hộ dân trong làng có nguyện vọng trả lại danh hiệu di tích quốc gia. Nghe có vẻ lạ, nhưng sự thật đau lòng này bắt nguồn từ việc người dân không muốn sống trong những ngôi nhà cổ thiếu tiện nghi trong khi cuộc sống đang "hiện đại hóa" từng ngày.
Nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam) tạo miếng cơm, manh áo cho người dân trên địa bàn, họ mong muốn căn nhà của mình được bảo tồn nhưng lại gặp khó về kinh phí. Ông Võ Đăng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP Hội An cho biết: Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay, Hội An có gần 200 nhà cổ được tu bổ, chống xuống cấp nhưng hiện tại vẫn còn hàng chục ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Chung cảnh ngộ, rất nhiều nhà cổ trong khu phố cổ Hà Nội đang "kêu cứu".
Thực trạng trên cho thấy, nếu không có biện pháp bảo tồn nhà cổ trên phạm vi rộng thì phần lớn nhà cổ ở Việt Nam sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Bảo tồn theo hướng nào?
Sự khó bảo tồn nhà cổ nói chung được cho là gắn liền với ý thức và quyền lợi của người dân; việc bảo tồn mang lại lợi ích cho dân thì dễ thực hiện, còn ngược lại, ta dễ thấy kết cục như với Cự Đà, Thổ Hà. Nhận thức rõ nhà cổ đang mất dần, các địa phương có nhiều nhà cổ đã nỗ lực tìm cách giữ vốn cổ. Thành phố Hà Nội có kế hoạch giãn dân khu phố cổ sang các khu đô thị mới, bố trí quỹ đất tái định cư cho khoảng 30 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm. Tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ kinh phí cho các chủ nhà tự tiến hành bảo tồn, chống xuống cấp. Bộ VH,TT&DL đã dành hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ các địa phương tu bổ nhà cổ… Tuy nhiên, so với nhu cầu thì sự quan tâm nói trên mới chỉ đáp ứng phần nhỏ và bởi vậy, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, phương án bảo tồn nhà cổ lâu dài là bảo tồn song hành với phát triển. GS Hoàng Đạo Kính lý giải: Nhà cổ nói riêng, phố cổ, làng cổ nói chung nên được coi là di sản đô thị hay di sản kiến trúc nông thôn (bao gồm những di tích, thành phần kiến trúc cũ và mới đang phục vụ cuộc sống hôm nay), chứ không nên coi là di tích vì di tích là đối tượng của bảo tồn nguyên trạng, mọi sự trùng tu nhằm mục đích bảo lưu cái gốc, không thể bị thay thế. Nếu nhìn nhận theo cách này thì nhà cổ, làng cổ, phố cổ được ví như một "cơ thể" đang phát triển, có thể cải tạo đôi chút bên trong cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, còn hình hài, vóc dáng thì giữ nguyên.
Hướng tới lợi ích lâu dài, tỉnh Quảng Nam đã tạm ứng ngân sách 7,7 tỷ đồng cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn thành phố Hội An vay để tu bổ những nhà có nguy cơ sụp đổ. Ngoài kinh phí hỗ trợ 40-75% tùy theo giá trị bảo tồn, chủ nhà cổ sẽ được vay toàn bộ phần kinh phí mà họ phải đóng góp với lãi suất 0%. Điều kiện ràng buộc là người vay cam kết không được bán, chuyển nhượng nhà cổ trong vòng 10 năm. Hiện nay, đã có 14 chủ nhà ở khu phố cổ Hội An đăng ký vay vốn để thực hiện tu bổ với số tiền là 5,8 tỷ đồng.
Kinh phí eo hẹp là khó khăn lớn để bảo tồn nhà cổ. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi phục vụ việc tu bổ là cách thiết thực giúp họ lấy di sản nuôi di sản. Kinh nghiệm từ Quảng Nam có thể được ứng dụng rộng rãi một cách phù hợp trong công tác bảo tồn nhà cổ tại nhiều địa phương khác./.
Minh Ngọc
- Tốc độ và quãng đường
- Dấu hỏi quy hoạch
- Tính cách Hà Nội (kỳ cuối)
- Kính dùng cho nhà cao tầng có an toàn?
- Bùng nhùng thi công đường trên cao nút Mai Dịch (Hà Nội)
- Tư duy theo mặt bằng
- Tính cách Hà Nội (tiếp)
- "Bữa tiệc buffet" đô thị
- Phú Quốc chờ một “nhạc trưởng” tài năng
- Resort - Cuộc di cư của làng Việt?