Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khởi công từ tháng 11.2009, với tổng chiều dài 54km, ảnh hưởng đến khoảng 2.100 hộ dân.
Thế nhưng, việc dự án mới dừng lại ở giai đoạn cắm mốc quy hoạch trong khi chính quyền đã ra lệnh ngưng các hoạt động sản xuất, sửa chữa nhà cửa... trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án gần ba năm qua khiến người dân khốn khổ trăm bề.
Căn nhà của ông Bùi Văn Von đã trở thành nhà hoang từ hơn năm nay. (ảnh: Ngọc Tùng)
Ngổn ngang ở vùng dự án
Hiện nay, nhiều nhà cửa trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án đã xuống cấp trầm trọng, vườn cây trái cũng hoang tàn do người dân không được phép sửa sang nhà hay đầu tư chăm bón vườn cây. Điển hình là vùng chuyên canh cây có múi, xoài cát Hoà Lộc đặc sản ở xã Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bị dự án đường cao tốc đi xuyên qua mất 19ha, trong đó có gần 130 nhà dân thuộc hai ấp Mỹ Nghĩa 1 và Mỹ An.
Ngôi nhà kiên cố rộng hơn 100m2 gắn với hơn 3 công vườn là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Bùi Văn Von ở tổ 11, ấp Mỹ Nghĩa 1. Sau quy hoạch, ông Von mong đợi được bồi thường, bố trí tái định cư để tìm phương kế sống nơi khác. Tuy nhiên, chờ đợi gần hai năm vẫn không thấy, trong khi nguồn lợi từ vườn hầu như không còn do không được phép cải tạo chăm sóc nên cả gia đình đứt hết mạch sống, đã bỏ đi biệt tích từ hơn một năm nay.
Oan nghiệt hơn, lúc dự án đo đạc, ông Nguyễn Văn Luận ấp Mỹ Nghĩa 1 nhận ra bốn ngôi mộ của người thân nằm trong phạm vi phải giải toả. Không đợi “nước tới chân mới nhảy”, ông Luận chủ động hỏi cán bộ đo đạc giới hạn giải toả để lo sớm chuyện di dời những phần mộ... Năm ngoái, ông Luận bỏ ra hơn 100 triệu đồng để dời mộ đến vị trí khác. Song bất ngờ lại đến với ông Luận: tới khi cắm mốc lộ giới, công trình cụm mộ còn mới tinh lại lọt thỏm vào phần đất lộ giới buộc phải giải toả trong tương lai!
Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khởi công từ ngày 29.11.2009. Đây là một phần của dự án “đường cao tốc Bắc – Nam”. Theo thiết kế, mặt đường rộng 26,5m gồm bốn làn xe cơ giới, hai làn dừng xe khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120km/h. Kinh phí ước tính khoảng 19.000 tỉ đồng, do công ty cổ phần phát triển đường cao tốc – BIDV (ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào quý 2/2013. Tuy nhiên trong quá trình điều chỉnh thiết kế theo đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang, BIDV đã từ chối không tiếp tục thực hiện dự án và được chuyển giao cho Cửu Long – CIPM (đơn vị quản lý thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương). UBND tỉnh Tiền Giang được giao làm chủ đầu tư thực hiện các tiểu dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư… |
Ông Đặng Văn Dũng ở tổ 5, ấp Mỹ Phúc nhìn căn nhà kiên cố trị giá khoảng 300 triệu đồng phải đập bỏ trong nay mai, trong khi chưa thể xác định được nơi ở mới mà lấy làm tiếc rẻ. “Dự án phải có thời hạn thu hồi đất rõ ràng, thông báo trước cho dân biết chứ sao đất của dân mà dự án lại chiếm vai trò làm chủ, muốn lùa dân đi lúc nào cũng được?”, ông Dũng bức xúc.
Rất nhiều hộ dân trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án cũng trong tình cảnh tương tự.
Đợi đến bao giờ?
Gần ba năm qua, thấy cảnh vườn tược của dân xuống cấp, nhà cửa hoang tàn… ông Nguyễn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Tây, Cái Bè dù xót dạ nhưng cũng chỉ biết thở dài. Ông nói: “Từ nhiều năm trước, toàn bộ vùng cây trái đặc sản ở đây đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao an toàn trong lũ, nên có thể cho thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, riêng diện tích vườn hoang hoá do dự án chậm triển khai trong ba năm qua đã gây thất thu cho nhà vườn riêng ở xã Mỹ Đức Tây hơn 4,5 tỉ đồng. Đây là con số không nhỏ đối với một xã còn đến gần 230 hộ nghèo và hơn 470 hộ cận ngưỡng nghèo”.
Trên quy mô toàn dự án, theo sở Giao thông vận tải Tiền Giang, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có 23 xã thuộc các huyện Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy và Cái Bè bị ảnh hưởng. Tổng diện tích đất dành cho tuyến đường này khoảng 488ha, với khoảng 2.100 hộ dân bị ảnh hưởng khi dự án đi qua, trong đó có hơn 530 hộ dân phải giải toả trắng. Thế nhưng, mấy năm qua người dân vẫn phải sống trong điều kiện nhà cửa ngày một xuống cấp, nguồn thu mất dần, điều kiện canh tác ngày một tồi tệ hơn... Trách nhiệm này lại thuộc về chính quyền địa phương!
Trước sự ì ạch trong quá trình triển khai dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp lần thứ 4 HĐND tỉnh Tiền Giang hồi đầu tháng 7 vừa rồi, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho rằng, vẫn chưa thể xác định được thời điểm nào sẽ tái khởi động dự án. Theo ông Khang, UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng và được thông tin rằng “chưa có vốn, cũng chưa kêu gọi được nguồn đầu tư nào nên… phải tiếp tục chờ”. Tuy nhiên, mới đây ông Thăng cho hay sẽ tiếp tục triển khai dự án này. Bộ đang xin chủ trương vay vốn ODA để xây dựng và lấy tiền thu phí đường cao tốc và cầu Mỹ Thuận hoàn trả.
Ngọc Tùng
- Tư duy theo mặt bằng
- Tính cách Hà Nội (tiếp)
- "Bữa tiệc buffet" đô thị
- Phú Quốc chờ một “nhạc trưởng” tài năng
- Resort - Cuộc di cư của làng Việt?
- Tính cách Hà Nội
- Làng văn hóa Việt khó giữ được bản sắc
- Quy hoạch 930ha khu trung tâm TP.HCM: Hiện thực hoá ý tưởng không dễ
- Hàng loạt dự án tại Hà Nội bị thu hồi đất: Không đơn thuần là chuyện quyết sách
- Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?