Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Góc nhìn Tính cách Hà Nội

Tính cách Hà Nội

Viết email In

Từ rất lâu, người Tràng An – Hà Nội được coi là một tính cách đặc trưng cho sự thanh lịch và cẩn trọng. Tính cách ấy có lẽ cũng từ lâu là quá khứ, bởi con người Hà Nội ngày nay hoàn toàn khác, cũng như không còn mấy người Hà Nội gốc.

1. Hà Nội không phải là một thành phố ổn định, mà là một thành phố liên tục thay đổi, nếu nói hay ho là phát triển và còn thay đổi trong hàng chục năm tới. Nó là sự cộng sinh của các tính cách địa phương.

Khái niệm thành phố ở phương Tây gắn bó với các ý nghĩa văn minh và công dân, bắt đầu từ các thành bang Hy Lạp và các thành phố La Mã từ vài trăm năm trước Công nguyên. Thành phố ở VN hay ở phương Đông nói chung không mang những ý nghĩa như thế.


Một gia đình khá giả Hà Nội thưởng lãm cây cảnh. Ảnh đầu TK 20.

Ở VN, văn minh nằm trong các làng xã, còn con người công dân cho đến tận bây giờ cũng rất yếu. Thành phố được gọi là thành thị thì đúng hơn, tức là một cái thành trì phong kiến nằm bên một cái chợ. Cái chợ này mang tính toàn quốc, là tập trung của hình ảnh cái chợ từ chợ làng, chợ tổng, chợ huyện và chợ tỉnh, mà lại rất yếu về kinh tế thị trường trong quá khứ.

Cái chợ Hà Nội là tổng thể của các làng nghề tách ra từ các tỉnh địa phương lên thành phố vừa sản xuất vừa buôn bán cố định, hình thành các phường thợ, một hình thức liên kết kinh doanh lỏng lẻo.

Tính cách người Kẻ Chợ hình thành từ đó, thoạt tiên lấy chữ Tín làm căn bản, nghĩa là vay, mượn và cho vay, chất lượng hàng được đảm bảo bởi uy tín của gia chủ, không lấy việc làm giầu làm mục đích. Thị dân Kẻ Chợ tích lũy vốn bằng làm ăn chăm chỉ, không có bóc lột công nhân, không trở thành các tư bản nhà nước.

Kề theo đó là tính cách cẩn thận trong tay nghề để tạo ra các sản phẩm chất lượng hàng trăm năm không thay đổi. Cẩn thận và giữ chữ Tín là hai tính cách căn bản hình thành trong khoảng 500 năm của dân Kẻ Chợ từ sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1427, khi Hà Nội được coi là Đông Đô – kinh đô của nhà Lê sơ.

Trải qua những cuộc biến động như sự di dân Hoa kiều vào VN sau năm 1644, cuộc tạo phản của nhà Mạc và trung hưng nhà Lê thế kỷ 16, Trịnh – Nguyễn phân tranh trong thế kỷ 17, Kiêu binh biến loạn thế kỷ và cuộc tấn công của Tây Sơn, cũng như cuộc chiến đánh quân Thanh thế kỷ 18..., tính cách Kẻ Chợ dường như không thay đổi và nó càng được củng cố thêm trong thời Nguyễn khi chỉ là Bắc thành mà mất vai trò Kinh kỳ. Từ hai tính cách đó, nhiều tính cách khác nảy sinh, đó là sự khó tính trong sinh hoạt, sự lễ nghĩa trong ứng xử, sự khinh mạn bên trong khi tiếp xúc với người nhà quê... và rồi pha trộn đôi chút tính phù phiếm, tính giảo hoạt và tính kênh kiệu, khách sáo, dần trở thành chút đạo đức giả.


Cánh cổng ngăn cách giữa hai phường trong khu phố Kẻ Chợ, Hà Nội. Tranh khắc kim loại Pháp đầu TK 20.
(Nguồn: NXB Thế giới)

Về bản chất thị dân Hà Nội là những người thích yên trí với cửa hiệu nhỏ số vốn ít của mình, sợ đầu tư vào thị trường lớn và mong muốn con cái trở thành trí thức, thoát khỏi làng nghề.

2. Chúng ta nên nhớ rằng trước khi Pháp chiếm Hà Nội, các phường thợ Kẻ Chợ đa phần vẫn dựng bằng tre nứa gỗ lá. Con người sống trong căn nhà lá thường là nghèo và chất phác, dù tham gia kinh doanh.

Chuyển từ nhà lá lên nhà gạch xây một tầng rưỡi kiểu mái thu hồi, như trong tranh của Bùi Xuân Phái, người Kẻ Chợ chính thức trở thành người Thăng Long đô thị. Đình đền chùa của phường thợ cũng khang trang hơn, đồ đạc nội thất cũng được làm cầu kỳ hơn bằng gỗ tốt, kim loại, đá quý, thậm chí còn đặt mua đồ từ Paris, các bà các cô ăn mặc cũng tân thời và đúng mốt hơn.

Năm 1930, khi chiếc áo dài tân thời được họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ thiết kế từ chiếc áo tứ thân truyền thống, người Hà Nội chính thức trở thành thị dân tiểu tư sản. Và họ bắt đầu có những tính cách của trí thức và thị dân phương Tây đương đại. Cả nam lẫn nữ đều được đi học trường Tây, nói tiếng Pháp và cả tiếng Anh, đọc tiểu thuyết, mua tranh của danh họa, nghe ca kịch và giao hưởng, buôn bán được mở rộng đến tận Sài Gòn, Phnompenh, Viên Chăn, hàng hóa đem sang chợ đấu xảo ở Paris... thậm chí còn cạnh tranh với các nhà buôn phương Tây ở VN.

Song về bản chất thị dân Hà Nội là những người thích yên trí với cửa hiệu nhỏ số vốn ít của mình, không thích thay đổi, không thích mở rộng, không thích nhà quá to, không thích phát minh sáng tạo, sợ đầu tư vào thị trường lớn và mong muốn con cái trở thành trí thức, thoát khỏi làng nghề. Đặc tính này làm cho thị dân Hà Nội hoàn toàn bị đè bẹp qua những cuộc cải cách công thương nghiệp, bị lụi tàn trong nền kinh tế bao cấp, và cuối cùng trong nền kinh tế thị trường họ hoàn toàn rút lui trước những người địa phương ào vào chiếm thị trường Hà Nội.

3. Nếu lấy đường Tràng Thi nối dài với đường Điện Biên Phủ làm trục phân cách Hà Nội cổ ta sẽ thấy rõ hai phân khu Bắc - Nam. Phía Tây Bắc chính là thành cổ Hà Nội, sau này Pháp xây thêm phủ Toàn quyền vào đó và vài ngôi nhà hành chính. Phía Đông Bắc chính là khu phố cổ Hà Nội, với các phố phường lâu đời. Từ đường Tràng Thi trở xuống phía Đông Nam là khu nhượng địa với nhiều villa cổ, phía Tây Nam cổ xưa thì có Văn Miếu, Giảng Võ còn lại toàn làng mạc đầm lầy, kết thúc ở đường Láng.

Xung quanh khu phố cổ, trừ góc Bắc và Đông Bắc tiếp giáp với sông Hồng, còn lại toàn làng mạc và đầm hồ, lớn nhất là hồ Thủy Quân (Hồ Gươm).


Không ảnh Hà Nội, trục đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương ngày nay chạy qua khu Cột Cờ và Thành cổ. Bưu ảnh đầu thế kỷ 20.
(Nguồn: NXB Thế giới)

Người ta mới đặt vấn đề về tính cách thị dân Hà Nội mà chưa bao giờ để ý đến tính cách những người sống trong làng giữa Hà Nội. Họ cũng không hẳn là nông dân theo đúng nghĩa nông dân đồng bằng Bắc bộ, cũng không hẳn là thị dân, cũng không hẳn là tiểu thương. Chính lớp người này vẫn còn nhiều và đặc trưng cho một tính cách Hà Nội truyền thống.

Ví dụ người dân các làng Ngọc Hà, Báo Thiên, Khánh Thụy, Chân Cầm, Tam Khương (Khương Thượng, Khương Trung, Khương Hạ), Hoàng Mai, Hồng Mai, Bạch Mai, Tương Mai, Quỳnh Mai, Bát Giáp (từ Giáp Nhất đến Giáp Bát)... Người làng gần nội thành cũng có nét khác với người làng gần ngoại thành, ví dụ dân các làng Cầu Giấy, Nhân Chính, Yên Hòa, Yên Phụ, Nghi Tàm. Dân cư các khu vực bãi Phúc Xá, Phúc Tân mới hình thành sau những năm 1970.

Những người dân ở làng mạc trong Hà Nội thường không kinh doanh trong các khu phố cổ, hoặc là sau này, họ có nghề thủ công riêng, phần khác làm nông nghiệp hoa màu, chứ không phải trồng lúa, cung cấp cho dân thành thị. Kinh tế tự cung tự cấp và đời sống ít khắt khe như các làng xã đồng bằng khiến đời sống của dân làng nội đô tương đối thoải mái. Trong khi dân phố sống khá chật chội và mất vệ sinh, thì dân làng nội đô sống với diện tích khá lớn, có sân, vườn, ao, nhà xây gạch - một thứ điền viên ngay trong lòng đô thị quả là cảnh thần tiên.

Tính cách của người làng nội đô tương đối thuần khiết, ít cạnh tranh, lo gia đình, yên vui với cảnh nghèo mà nhàn nhã, không quá khách sáo như người phố cổ, cũng không quá quê mùa như người thuần nông, đồng thời họ cũng được hưởng những hoạt động văn hóa thành phố, mà những làng mạc địa phương không có được.


Một phố ngoại ô Hà Nội. Bưu ảnh đầu thế kỷ 20. (Nguồn: NXB Thế giới)

"Người ta mới đặt vấn đề về tính cách thị dân Hà Nội mà chưa bao giờ để ý đến tính cách những người sống trong làng giữa Hà Nội. Họ không hẳn là nông dân theo đúng nghĩa nông dân đồng bằng Bắc bộ, cũng không hẳn là thị dân...".

4. Tuy nhiên những cái làng này luôn có xu hướng phố hóa. Và dần dà trong suốt thế kỷ 20, nó bị phố hóa hoàn toàn.

Sự phố hóa các làng nội đô có nhiều lý do: hoặc do yêu cầu quy hoạch và xây mới của thành phố, hoặc do chế độ gia đình truyền thống bị phá vỡ, con cái được chia đất đai muốn xây nhà kiểu hiện đại, hoặc do bán từng phần và những người mới đến xây lại.

Có những làng biến đổi dần và xen kẽ kiến trúc đầu thế kỷ 20 với kiến trúc cao tầng từ những năm 1990, có làng bị xóa xổ gần như hoàn toàn và được xây lại thành một phân khu đô thị mới. Những làng biến đổi dần rất nan giải về đường giao thông hiện đại và giải tỏa đất đai do cũ mới ở thế cài răng lược, chưa kể đất đình đền chùa và mồ mả, không dễ xê dịch.

Ở nhiều làng nội đô, dù đã bị đô thị hóa hoàn toàn, nhưng nhiều tập tục cũ vẫn lưu truyền. Người dân vẫn ra lễ đình, họp dòng họ, làm việc làng, tổ chức lễ hội rước sách như thưở nào. Các tính cách cục bộ địa phương vẫn mạnh, và không chuyển sang xu hướng công dân như các đô thị hiện đại.

Mặc dù vai trò của hội đồng kỳ hào, kỳ mục và chính quyền làng không còn mạnh, vai trò tín ngưỡng cũng không lớn, nhưng cái nếp sống làng nội đô vẫn khó lòng mà thay đổi. Người dân làng nội đô có sự khôn ngoan láu cá riêng, có sự chân chất riêng, có tình làng nghĩa xóm riêng, đồng thời cũng có sự đầu gấu riêng... những tính cách mà dân phố phường thợ không có.

(Còn nữa..)

Phan Cẩm Thượng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...