Đối với người TP.HCM, việc bật đèn xanh cho thành phố lớn nhất nước thí điểm mô hình chính quyền đô thị là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh đô thị này đang vừa vô cùng năng động vừa vô cùng hỗn độn. Dư luận bắt đầu nói tới chức danh “thị trưởng”, và cũng bắt đầu liên tưởng đến thế đứng quyền lực mới của người đứng đầu thành phố như những vị thị trưởng nổi tiếng của Paris, New York, Tokyo...
Từ góc độ văn hoá, thị trưởng và từng nhiệm kỳ thị trưởng đều làm nên diện mạo văn hoá và biểu tượng của một đô thị. Thời nước Mỹ bị khủng bố bằng bom máy bay, thị trưởng New York là Rudy Giuliani đã trở thành một biểu tượng về việc kết hợp quyền lực công và sức mạnh cộng đồng trong việc thực thi chức trách, để cùng cả xã hội khắc phục khủng hoảng về tinh thần và vật chất. Tương tự như vậy, cách của thị trưởng và hội đồng thành phố của nhiều đô thị lớn trên thế giới ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh cho thấy nếu thiếu vị thế toàn quyền của thị trưởng thì hậu quả còn kéo dài và phức tạp hơn nhiều.
Sau năm 1975, Sài Gòn không có vai trò thị trưởng và cơ chế chính quyền đô thị. Thế nên từ đó đến nay, thiếu vị thế của một tâm điểm làm mạnh vai trò hạt nhân và đòn bẩy trong dòng chảy của đô thị này. Khó tin được rằng một đô thị lớn nhất nước về mọi mặt, mà người đứng đầu lại có địa vị công quyền trong một cơ chế như nhiều tỉnh, thành khác. Chính vì thế mà nhiều chuyện tưởng nhỏ lại thành nan giải, như vấn nạn phố phố quán nhậu lớn, nhà nhà quán nhậu nhỏ tràn lan các khu dân cư, khiến cả Sài Gòn mất ngủ; thậm chí quán nhậu sát vách chùa chiền, karaoke hát vang cạnh trường học... tạo nên một không gian hết sức hỗn độn, nhếch nhác. Nếu mẹ của Mạnh Tử mà sống ở thời đại này, biết dọn nhà về đâu để có lợi cho việc phát triển nhân cách của con! Vì vậy, nếu có chế độ thị trưởng thì hẳn sẽ giải quyết ổn thoả việc cân bằng lợi ích giữa ngành kinh doanh ăn nhậu bằng cách quy định những khu vui chơi riêng biệt và quyền đại bộ phận người dân cần có giấc ngủ an lành, chuẩn bị cho một ngày lao động mới.
Người ta còn có thể kể ra hàng loạt sự mất cân bằng các giá trị kinh tế, văn hoá, tôn giáo... trong quy hoạch phát triển đô thị. Thí dụ như cả một khu phố sang trọng giàu có như khu Phú Mỹ Hưng lại không hề xây mới một nhà thờ hay ngôi chùa nào. Như con đường Đồng Khởi từng được xem là con đường đẹp thì nay các toà cao ốc thi nhau mọc lên chen chúc thiếu điều cụng đầu nhau, trong khi các tiệm quán lừng danh từng là biểu tượng văn hoá trên con đường này lại biến mất. Với dư luận dễ tính, có thể không cần thiết phải kê hết những khiếm khuyết, sai lầm trong việc điều hành đô thị, nhưng xét về mặt lịch sử của một đô thị lớn thì rất cần thiết có những cái tên và nhiệm kỳ của từng người lãnh đạo, để từ đó rút ra bài học cho tương lai.
Cách của thị trưởng và hội đồng thành phố của nhiều đô thị lớn trên thế giới ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh cho thấy nếu thiếu vị thế toàn quyền của thị trưởng thì hậu quả còn kéo dài và phức tạp hơn nhiều. |
Không thiếu ý kiến cho rằng: TP.HCM đang đến ngưỡng tăng dân số tự nhiên và cơ học vượt quá những phương tiện ổn định và phát triển. Với viễn cảnh về một siêu đô thị trên 10 triệu dân và ý thức về một đô thị mở, thì giá trị cốt lõi nào cân bằng được tất cả các lĩnh vực để đi đến tầm vóc một đô thị hài hoà? Trong phạm vi văn hoá, qua bài học từ các đô thị lớn của thế giới, người ta tin là đã tìm thấy câu trả lời: cách duy nhất vượt qua những khác biệt trong đặc tính dân cư là kết nối từng cá nhân có xuất xứ khác nhau vào cùng đại lộ văn hoá đặc trưng của đô thị nơi họ chọn sinh sống.
Qua việc chọn thị trưởng, mỗi thị dân sẽ đặt kỳ vọng của mình vào sự phát triển của thành phố. Không có gì quá đáng khi cho rằng chức trách và biểu tượng thị trưởng trong từng nhiệm kỳ là chuẩn định, để mỗi người dân thành phố và dư luận cả nước trực tiếp phê phán hoặc công nhận việc họ nâng cao tầm vóc hay đã làm yếu, làm hỏng văn hoá văn minh đô thị.
Giao Cảm
- Làng văn hóa Việt khó giữ được bản sắc
- Quy hoạch 930ha khu trung tâm TP.HCM: Hiện thực hoá ý tưởng không dễ
- Hàng loạt dự án tại Hà Nội bị thu hồi đất: Không đơn thuần là chuyện quyết sách
- Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
- Đà Nẵng mua căn hộ, bán trả góp cho công chức: Sáu vạn nhẹ hơn bốn ngàn
- "Cuộc đua" danh hiệu UNESCO ở Việt Nam
- TPHCM lo ngại sự không đồng bộ của cầu, đường
- Thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM: Sẽ đụng đến nhiều “ghế”, nhiều người
- Hướng ra nào cho quy hoạch treo?
- Những hệ lụy của quy hoạch treo: Cực khổ trăm bề!