Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM: Sẽ đụng đến nhiều “ghế”, nhiều người

Thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM: Sẽ đụng đến nhiều “ghế”, nhiều người

Viết email In

Những bất cập trong quản lý đô thị lâu nay xuất phát từ chưa phân biệt sự khác nhau giữa địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn trong việc thiết kế mô hình quản lý. Có thể nói một cách hình ảnh “dùng chiếc áo mặc cho nông thôn để mặc cho đô thị tỏ ra không phù hợp với tầm vóc to lớn của đô thị”.

Mô hình tổ chức chính quyền TP.HCM phải phù hợp với đặc điểm tính chất của một đô thị trung tâm của vùng và cả nước. Đặc trưng của đô thị là không cắt khúc, mà liên tục, thống nhất từ quy hoạch đô thị cho đến tổ chức các sở ngành giúp việc cho UBND TP.HCM. Chính vì vậy việc tổ chức chính quyền ở đô thị cần phải tập trung về một đầu mối, càng ít đầu mối chừng nào càng tốt chừng ấy.


Việc tổ chức chính quyền ở đô thị cần phải tập trung về một đầu mối, với mục tiêu chung là đổi mới, phát triển thành phố theo hướng hiện đại
(Ảnh: Thanh Hảo)

Nhưng hiện nay số lượng sở ban ngành trên địa bàn thành phố quá nhiều, gần 30 đơn vị. Điều này đưa đến hệ quả là khó điều hành, chồng chéo nhiệm vụ, chức năng. Trong khi đó theo khoa học tổ chức thì một cấp quản lý điều hành hiệu quả trong khoảng 7 – 9 đầu mối. Việc tổ chức bộ máy cần phải gọn nhẹ, cơ cấu thứ bậc cho hợp lý, phục vụ tốt nhất các nhu cầu chính đáng của công dân và tổ chức trên địa bàn. Không nhất thiết Trung ương có bộ ngành nào thì thành phố cũng có sở, ban đó.

Mặt khác, chúng ta cần phân cấp thẩm quyền thích hợp cho cấp chính quyền thành phố để bộ máy của nó đủ thẩm quyền giải quyết nhanh nhạy, chính xác các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn. Bộ máy hành chính phải thực hiện được nguyên tắc “thẩm quyền tương ứng với trách nhiệm được giao”.

15 sở là tối ưu

Chúng ta thấy rằng, các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố đều có hai chức năng và đi theo đó là hai nhiệm vụ: một là tham mưu cho UBND thành phố, hai là thực hiện quản lý hành chính nhà nước do bộ và UBND thành phố phân cấp. Và tuỳ theo sở mà hai chức năng này có mức độ “đậm nhạt” khác nhau. Chính vì điều này mà việc phân loại sở theo tiêu chí sở có chức năng và nhiệm vụ tham mưu hoặc sở có chức năng nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước là rất khó. Tuy nhiên, do chức năng nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước của các sở là do UBND thành phố và bộ phân cấp cho sở nên hoàn toàn có thể điều chỉnh chức năng này cho phù hợp với ý đồ tổ chức các cơ quan sở trên địa bàn thành phố.


Sau hơn 25 năm đổi mới, TP.HCM đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội
(Ảnh: Lê Hồng Thái)

Có thể theo phương án là hình thành các sở làm thuần tuý chức năng, nhiệm vụ tham mưu gồm các sở: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính vật giá, Khoa học và công nghệ, Tư pháp, Nội vụ, Quy hoạch kiến trúc, Văn phòng UBND. Đối với các sở này sẽ tách các đơn vị sự nghiệp ra khỏi cơ cấu tổ chức và thực hiện bốn tự chủ là: kinh phí, tổ chức, nhân sự và đối ngoại. Đồng thời đưa chức năng quản lý hành chính nhà nước về cho thị trưởng, phó thị trưởng.

Bớt xin ý kiến

Trong việc quản lý, sử dụng cán bộ, thành phố phải được quyền tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh thuộc thẩm quyền thành phố quản lý, không phải xin ý kiến bộ ngành Trung ương; chủ động sắp xếp, bố trí, sử dụng và đưa ra các quyết định cần thiết về mặt nhân sự liên quan đến việc lựa chọn và sắp xếp. UBND thành phố được quy định các chế độ ưu đãi trong việc tuyển dụng những cán bộ, công chức vào những ngành nghề ít người dự tuyển; được thực hiện hình thức hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế đối với một số chức danh chờ thi tuyển.

Trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn về bổ nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ, công chức, chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm, điều động, kỷ luật thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và báo cáo với các bộ, ngành có liên quan biết.

Các sở này tên gọi là gì thì tuỳ, nhưng chức năng là tham mưu cho thị trưởng và phó thị trưởng, thực hiện “một cửa, một dấu” tại trụ sở UBND thành phố (có thể gọi là Văn phòng thị trưởng).

Những sở còn lại làm chức năng quản lý hành chính nhà nước theo sự phân cấp của thị trưởng và các bộ trưởng, nhưng phải tổ chức lại theo hướng liên ngành đa lĩnh vực. Theo đó, có thể tổ chức sở quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm các sở Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Giao thông công chính. Sở Công thương gồm sở Thương mại, Công nghiệp. Sở Văn hoá, thể thao và du lịch gồm bộ phận văn hoá của sở Văn hoá thông tin, sở Thể thao, và sở Du lịch. Sở Thông tin và truyền thông gồm sở Bưu chính viễn thông và bộ phận thông tin của sở Văn hoá. Đối với các sở có đặc thù riêng thì phải giữ lại gồm: sở Lao động – thương binh và xã hội, sở Giáo dục, sở Y tế, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hoặc theo phương án là sẽ phân thành các sở làm chức năng tham mưu gồm: sở Kế hoạch và đầu tư, Tài chính vật giá, Quy hoạch kiến trúc, Tôn giáo, Dân tộc, Văn phòng UBND. Các sở còn lại tổ chức cho phù hợp với mô hình của các bộ.

Chấp nhận xáo trộn

Chắc chắn trong quá trình sáp nhập sẽ có nhiều sự xáo trộn. Vì việc tổ chức này sẽ đụng chạm đến nhiều “ghế”, nhiều quyền của nhiều người. Nhưng mục tiêu chung là thành phố phải đổi mới, phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với những đặc điểm tự nhiên và xã hội của thành phố. Việc sáp nhập, tổ chức lại này sẽ phải trải qua một thời “quá độ” để ổn định lại cơ cấu. Nhưng thiết nghĩ, các phương án này có được áp dụng vào thực tiễn hay không, điều này phụ thuộc 80 – 90% ý chí của lãnh đạo thành phố hay Chính phủ. Và nếu được sự đồng ý của Trung ương, mô hình tổ chức các sở theo hướng liên ngành đa lĩnh vực sẽ phát huy những mặt tích cực của nó, khắc phục những chồng chéo, rườm rà hiện nay.

Kinh nghiệm vừa qua và trước đây tổ chức nhập lại bốn – năm bộ thành bộ liên ngành đa lĩnh vực như bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ Công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn lúc đầu nhưng quyết tâm chính trị cao cuối cùng vẫn ổn. Trên thế giới người ta tính trung bình có khoảng 16 bộ cho mỗi quốc gia. Ở nước ta, số bộ và cơ quan thuộc Chính phủ vẫn còn nhiều, vì thế số sở còn nhiều cũng không có gì là lạ.

Diệp Văn Sơn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo