Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay.
Cổng chính chợ Bến Thành với tháp đồng hồ - biểu tượng của Sài Gòn - đối diện quảng trường Quách Thị Trang
Những năm gần đây chợ Bến Thành còn là địa điểm tham quan không thể thiếu cho bất cứ tour du lịch nào đến TP. Hồ Chí Minh. Hẳn nhiên, du khách đến chợ không chỉ đơn thuần để tìm mua những hàng hóa hay quà lưu niệm mà còn tìm ở đó chút hình ảnh riêng, một cá tính đặc trưng thể hiện trong những sinh hoạt đời thường của một thành phố mà chợ chính là nơi bộc lộ rõ nhất.
Hình thành từ trước khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, ngôi chợ khởi thủy nằm ven sông Bến Nghé, ở một bến cận thành Quy (thành Gia Định) nên có tên là Bến Thành. Đến năm 1911, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định dời chợ về vị trí hiện nay, khi ấy còn là một cái ao sình lầy.
Chợ được khởi công từ năm 1912 cho đến cuối tháng 3/1914 mới hoàn tất và hoạt động liên tục kể từ đó cho đến nay. Bến Thành được xem là chợ bán lẻ quy mô nhất theo nghĩa có thể tìm thấy tại nơi này đủ thứ mặt hàng, từ bình dân đến cao cấp, đặc biệt hàng thực phẩm thuộc loại chọn lọc nhất.
- Ảnh bên: "Ông Tây" cũng dạo hàng thủy sản tuwoi sống một cách thích thú
Ở đây không thiếu một thứ gì, từ củ hành, trái ớt, mớ rau, con cá, đủ loại hoa quả mùa nào thức nấy, cho tới bánh kẹo, vải vóc, giày dép, túi xách, đồ điện, điện tử, hàng lưu niệm... Chợ Bến Thành có tổng diện tích 13.056m², trung bình mỗi ngày đón khoảng 10.000 lượt khách lui tới mua bán và tham quan.
Chợ có 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp, với bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng.
Cửa Nam (nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang) với biểu tượng ngôi tháp đồng hồ ba mặt, là cổng chính, bên trong nhà lồng là nơi bày bán các mặt hàng vải vóc và thực phẩm khô.
Cửa Bắc (phía đường Lê Thánh Tôn) rực rỡ với những gian hàng hoa tươi và trái cây mời gọi người qua đường.
Cửa Ðông (phía đường Phan Bội Châu) hấp dẫn khách hàng bởi các loại mỹ phẩm và bánh kẹo đầy màu sắc.
Cửa Tây (phía đường Phan Chu Trinh) lại là nơi thu hút phái đẹp vì sự đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ của giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm.
Nếu bạn chưa tự tin về tài nấu ăn thì các cửa hàng với hàng trăm loại gia vị này sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể kỹ năng nấu nướng
Miền Tây Nam bộ nổi tiếng với nhiều loại mắm, chợ Bến Thành cũng có một góc "mắm miền Tây" như vậy để khách hàng tha hồ chọn lựa
Gian hàng trái cây ở cửa Bắc quyến rủ người đi đường
Ê hề bánh mứt mời gọi khách
Ngoài ra, dọc theo các hành lang bao quanh nhà lồng chợ là những gian hàng bày bán đủ các loại mặt hàng tiêu dùng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là hàng lưu niệm, quần áo may sẵn, vải tơ tằm, thủ công mỹ nghệ, tranh thêu, thổ cẩm...
Phong phú mặt hàng từ vali, xắc tay đến quà lưu niệm
Nhắc đến chợ Bến Thành thì không thể bỏ qua khu ẩm thực với sự góp mặt của đầy đủ các món ăn truyền thống khắp mọi miền đất nước. Cuối tháng 1/2012, chợ Bến Thành đã được Tạp chí ẩm thực Food and Wine nổi tiếng chọn là một trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh, chính là lời khẳng định hùng hồn cho sự phong phú đó.
Khu ẩm thực, nơi mở cửa sớm nhất - sẵn sàng phục vụ thượng đế từ tờ mờ sáng
Chợ Bến Thành cũng rất sôi động về đêm, bắt đầu từ 7 giờ tối, 178 quầy hàng đổ ra hai con đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bên hông chợ với các quầy hàng mỹ nghệ, lưu niệm, quần áo và đặc biệt là hàng ăn. Khách đến chợ Bến Thành chủ yếu chia thành hai dạng: khách vãng lai và khách hàng thân thiết.
Khách vãng lai phần lớn là du khách trong đó đa phần là người nước ngoài, còn khách hàng thân thiết gồm dân cư sống ở các con phố lớn xung quanh cũng như những cư dân lâu năm của Sài Gòn.
Điểm độc đáo nhất, chẳng ở đâu có các cô bán hàng xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang và thành thạo ngoại ngữ như các tiểu thương chợ Bến Thành. Bước chân vào chợ là len lỏi giữa dòng du khách nước ngoài nườm nượp, tai nghe những lời chào bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Thái… xôn xao như một bản hợp âm.
Du khách cần may áo dài hay bộ vest? Các cửa hàng vải sẵn sàng nhận may và giao ngay trong ngày
Cô tiểu thương hàng hoa giả vừa xinh đẹp vừa hợp mốt
Thời trang may sẵn dành cho nam phụ lão ấu
Có thể nói ít ngôi chợ nào trên đất nước thu hút được lượng du khách với mật độ cao, nhiều màu da và đa quốc tịch như cái chợ này.
Còn khách bản địa khi vào chợ thì được coi như người nhà, nếu còn trẻ thường được gọi là cưng, em gái hoặc chị Hai, cô Ba... ngọt xớt! Bẵng đi một thời gian, cũng người ấy nếu trở lại chợ sẽ được trìu mến gọi là má, mẹ, dì, và đến lúc nào đó sẽ không khỏi bần thần khi được mọi người cung kính gọi bằng… ngoại!
Hàng hóa ở đây đa dạng hơn rất nhiều nơi, có đủ các loại từ hàng xuất khẩu, hàng gia công đến hàng xách tay cao cấp.
Thực phẩm thì đạt chuẩn vừa tươi vừa ngon, nhiều mặt hàng không đâu có được như rau củ trái mùa, trái cây ngoại nhập, thủy hải sản tươi sống, hàng đặc sản bào ngư, vi cá, hải sâm... được đưa thẳng tới từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Giá cả nơi đây lại không hề đắt, với điều kiện bạn dám trả giá mạnh bạo. Bí quyết để mua hàng rẻ là nắm đúng giá trị món hàng và có kỹ năng… kèo nài.
Nếu khéo trả giá bạn vẫn có thể mua được hàng hóa với giá sỉ, vì phần lớn các quầy hàng ngoài việc bán lẻ còn là điểm buôn sỉ cho cả một hệ thống phân phối ở nhiều chợ, cửa hàng trong thành phố và các tỉnh.
Rau củ xanh tươi đủ sức chinh phục cả những khách hàng ngoại khó tính
Cô chủ cửa hàng hoa Nga, thế hẹ thứ ba gắn bó với chợ Bến Thành
Muôn hoa khoe sắc
Những bông hoa của cuộc thi Miss Universe 2008 làm rộn ràng thêm không khí của chợ Bến Thành
Mặc dù xu hướng mua sắm của một đô thị hiện đại là vào siêu thị hoặc các trung tâm thương mại, nhưng đôi khi trong nhịp sống nhanh đó người ta cũng cần sống chậm đi, như một cách lấy lại thăng bằng cho tâm hồn. Và phần hồn của chợ Bến Thành nằm ngay trong nhà lồng, nơi đời sống đô thị diễn ra sinh động nhất qua những giao tiếp thân tình giữa con người với con người. Đó là một trong những lý do để chợ Bến Thành nói riêng và các chợ truyền thống nói chung sẽ vẫn tồn tại mãi với thời gian.
Thiên Khôi - Ảnh: Trần Tiến Dũng, Thu Ngân
- "Cuộc đua" danh hiệu UNESCO ở Việt Nam
- TPHCM lo ngại sự không đồng bộ của cầu, đường
- Thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM: Sẽ đụng đến nhiều “ghế”, nhiều người
- Hướng ra nào cho quy hoạch treo?
- Những hệ lụy của quy hoạch treo: Cực khổ trăm bề!
- Các khu nhà ổ chuột đe dọa tương lai đô thị châu Á
- Tiếp thị thành phố
- Đất đá
- Vì sao Việt Nam không có nhà ổ chuột?
- Xanh kiến trúc, xanh vật liệu, và xanh... thái độ