Chủ trương mua lại một phần các căn hộ chung cư từ các dự án để bán cho cán bộ, công chức và các đối tượng chính sách theo phương thức trả trước 50%, số tiền còn lại trả dần trong 9 năm với lãi suất ưu đãi đã được UBND TP.Đà Nẵng thống nhất.
Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cũng sẽ bán đất cho cán bộ, công chức với giá ưu đãi, giảm giá 30 - 40% so với giá thị trường.
Sáng kiến này thực sự mang lại lợi ích cho những đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong thời điểm bất động sản đóng băng như hiện nay, chính sách này cũng là một cách phá băng. Các doanh nghiệp bán được một phần căn hộ chung cư là giải phóng được một phần sản phẩm, lợi ích này không chỉ đối với doanh nghiệp, người được mua căn hộ, mà xã hội không bị lãng phí một nguồn lực. Cán bộ, công chức gặp khó khăn về nhà ở, thì đây là cơ hội để có được một căn hộ hay một nền đất. Chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức chính là những việc cụ thể, sát sườn như vậy.
Nhưng không nên chỉ tập trung ở nhóm đối tượng cán bộ công chức. Có những người chưa có nhà ở, nhưng cũng lắm người nhà cao cửa rộng, đất đai vô kể. Chính sách này, đối với những người như thế chẳng khác gì là chuyện góp thêm gạo cho người giàu.
Lo cho cán bộ, công chức được thì cũng cần có chính sách nhà ở cho người dân. Đa số công nhân lao động ở Đà Nẵng chưa có nhà ở. Sáu vạn công nhân của địa phương đang chờ có một chính sách hỗ trợ của chính quyền để có chỗ trú thân. Đà Nẵng từng có dự án xây nhà cho người thu nhập thấp ở khu công nghiệp Hòa Khánh nhưng 10 năm vẫn là dự án trên giấy, đất đai bỏ hoang, người dân rất bức xúc.
Trong số sáu vạn công nhân lao động tại Đà Nẵng, có hàng ngàn người là thợ xây dựng, góp phần làm thay đổi bộ mặt của Đà Nẵng ngày nay. Họ không được một căn hộ giá rẻ, họ cũng bị chặn luôn con đường trở thành thị dân Đà Nẵng mà họ mơ ước, bởi vì HĐND địa phương có Nghị quyết 33 về hạn chế nhập cư.
Nói cho thẳng thắn, cán bộ công chức không nghèo hơn công nhân lao động, chưa nói là một bộ phận rất giàu. Khoảng cách giàu nghèo của ông cán bộ và anh công nhân rất xa. Khoảng cách đó cần phải rút ngắn bằng các chính sách phù hợp, không nên đẩy xa hơn. Vậy thì không nên xem nhẹ sáu vạn công nhân hơn 4.000 cán bộ công chức.
Chưa lo được một khu nhà thu nhập thấp cho người lao động nghèo khổ, nhưng lại đưa ra chính sách hỗ trợ tiền cho cảnh sát giao thông, bán căn hộ, đất đai giá ưu đãi cho cán bộ, công chức. Liệu có công bằng và phù hợp, liệu có sự phân biệt quá đáng giữa “quan” và dân không?
Lê Thanh Phong
- Tính cách Hà Nội
- Làng văn hóa Việt khó giữ được bản sắc
- Quy hoạch 930ha khu trung tâm TP.HCM: Hiện thực hoá ý tưởng không dễ
- Hàng loạt dự án tại Hà Nội bị thu hồi đất: Không đơn thuần là chuyện quyết sách
- Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
- Thị trưởng và không gian sống của thị dân
- "Cuộc đua" danh hiệu UNESCO ở Việt Nam
- TPHCM lo ngại sự không đồng bộ của cầu, đường
- Thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM: Sẽ đụng đến nhiều “ghế”, nhiều người
- Hướng ra nào cho quy hoạch treo?