Hết cơi nới, xây “chuồng cọp”, dựng “ba-lô”..., người dân tại nhiều khu chung cư cũ tại Hà Nội tạo chiêu mới: xây nhà trên... nóc nhà.
Khu B19, khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa) được xây dựng từ những năm 1970, nay bỗng nhiên “đẻ” thêm mấy căn nhà nhỏ mới toanh nằm trên nóc tầng thượng. Tại đây có tới bốn căn nhà mới dựng, cái che chắn tạm bợ bằng những miếng tôn, cái được xây bằng gạch đá, ximăng khá vững chãi. Xung quanh những căn nhà cheo leo này có rất nhiều giò hoa, cây cảnh, thậm chí một cây đu đủ đã mọc tươi tốt, cao tới đầu người - bằng chứng cho sự xuất hiện khá lâu của những ngôi nhà tại đây.
Nhà xây trên nóc khu tập thể phía sau trụ sở UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội (Ảnh: Lâm Hoài)
Tại phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), nhiều hộ dân còn tự ý dựng hàng loạt ngôi nhà kiên cố bằng khung sắt, mái tôn trên tầng thượng của khu nhà tập thể ngay phía sau trụ sở UBND quận. Sau khi nhà được dựng lên, rất nhiều vật dụng sinh hoạt cồng kềnh, nặng nề khác như chậu hoa, bồn nước... cũng được đưa lên đây.
Nghiêm trọng nhất phải kể đến nhà B1 tại khu tập thể ngõ 30, đường Phạm Văn Đồng (huyện Từ Liêm). Khu nhà năm tầng này mới đây bỗng nhiên mọc lên hàng loạt phòng trọ trên mái của tầng thượng. Những căn phòng được chủ nhân xây khá chắc chắn bằng bêtông, phía trong được trang bị khá “tiện nghi” với hệ thống vệ sinh khép kín, giường, tủ. Theo những người thuê trọ tại đây, mỗi tháng họ phải trả gần 2 triệu đồng cho mỗi phòng như thế.
Tại khu tập thể C9 Tô Hiệu (quận Cầu Giấy), có khá nhiều gia đình trên tầng thượng đã “lên đời” căn hộ của mình bằng cách chồng thêm một tầng làm bằng khung sắt, trên mái lợp tôn. Các ngôi nhà bỗng dưng mọc trên... nóc nhà còn dễ dàng tìm thấy tại các nhà tập thể cũ ở Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), Kim Liên (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình), khu Cầu Diễn (huyện Từ Liêm)...
Ông Vũ Ngọc Đạm, trưởng phòng phát triển nhà ở Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết việc xây nhà trên nóc các khu tập thể là vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng. Theo ông Đạm, để xảy ra việc này là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền ở cơ sở. Tuy nhiên, ông Đạm lại cho rằng rất khó để xử lý dứt điểm vi phạm này vì nhu cầu về nhà ở tại Hà Nội hiện nay rất bức xúc.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP Hà Nội, cho rằng việc cơi nới bừa bãi tại các khu chung cư cũ xảy ra là do cơ quan chức năng mải chạy theo việc phát triển các khu đô thị mới và “bỏ quên” việc cải tạo, chỉnh trang các chung cư cũ khiến việc kiểm soát bị buông lỏng trong một thời gian dài. Ông Nghiêm khẳng định việc cơi nới như trên ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu ngôi nhà. “Mỗi chung cư được thiết kế với khả năng chịu tải cố định, chưa kể nhiều chung cư đã bị lún, nghiêng, bờ tường, cầu thang nứt, xiêu vẹo, đe dọa sập... do đó việc chồng thêm nhà lên tầng thượng là liều lĩnh và nguy hiểm” - ông Nghiêm nói.
Ông Trần Viết Ngôn, phó chánh thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho rằng thẩm quyền kiểm tra, xử lý tình trạng nhà mọc trên nóc chung cư cũ thuộc về xã, phường. Tuy nhiên, ông Ngôn cho rằng khó khăn trong xử lý vấn đề này xuất phát từ các tổ dân phố, do dính dáng đến quyền lợi ở đó nên họ “đồng thanh hiệp lực” làm sai khiến chính quyền khó giải quyết.
Ông Ngôn cho biết thanh tra Sở Xây dựng vừa chủ trì ba đoàn kiểm tra về tình hình trật tự xây dựng tại 29 quận huyện của TP. Qua kiểm tra, phát hiện hơn 500 vụ vi phạm về trật tự xây dựng còn tồn đọng, chưa được xử lý.
Lâm Hoài
- Vụ đập bỏ xây mới Chùa Trăm Gian: Cứ “tàn sát” rồi lại rút kinh nghiệm?
- Chùa Trăm Gian bị hủy hoại: Báu vật không người trông coi
- Làm thế nào để xe buýt hấp dẫn hơn?
- Phòng, chống sạt lở ở ĐBSCL: Lở đâu, chạy đó!
- “Top 5” khu kinh tế
- Cưỡng chế thu hồi đất là “việc của tỉnh Hưng Yên”
- Đổi mới hệ thống xe buýt ở TPHCM, chờ đến bao giờ?
- Giao thông tại Hà Nội hỗn loạn vì cơn bão số 5
- Bảo tồn từ... kiến trúc lòng dân
- Tốc độ và quãng đường