Ngày 21/8, tại trụ sở bộ Tài nguyên và Môi trường, thứ trưởng bộ này, ông Chu Phạm Ngọc Hiển đã chủ trì buổi đối thoại giữa bộ với hơn 100 người dân, đại diện cho những nông dân Văn Giang mất đất trong dự án xây dựng khu đô thị Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).
Ông Hiển nói rằng, đây là cuộc đối thoại để thực hiện lời hứa của bộ trưởng (Nguyễn Minh Quang) là “sẵn sàng đối thoại với dân Văn Giang”, khi phát biểu trước Quốc Hội hơn hai tháng trước.
“Chưa có quyết định cưỡng chế thu hồi đất”
Nội dung thời sự nhất mà luật sư Trần Vũ Hải (đại diện pháp lý của các hộ dân) muốn bộ Tài nguyên và môi trường trả lời là: việc cưỡng chế thu hồi đất và hỗ trợ thi công (ngày 24/4) có đúng quy định không, được áp dụng theo điều nào của quy định nào?
- Ảnh bên: Nông dân Văn Giang tại hiện trường khu đất bị cưỡng chế ngày 24/4, phía xa là một phần khu đô thị Ecopark (Ảnh: Chí Hiếu)
Ông Hiển hai lần nhấn mạnh: Việc cưỡng chế thu hồi đất và áp dụng biện pháp hỗ trợ thi công “là việc tỉnh Hưng Yên” chứ không phải của bộ. “Xung quanh việc cưỡng chế ở Văn Giang, Thủ tướng đã có cuộc họp các bộ liên quan và đã có chỉ đạo, thông báo kết luận. Và Thanh tra Chính phủ mới là cơ quan được Thủ tướng giao phối hợp cùng UBND tỉnh Hưng Yên xem xét báo cáo Chính phủ”, ông Hiển nói.
Luật sư Hà Nghi Sơn bổ sung: Việc cưỡng chế ngày 24/4 là cưỡng chế xử phạt hành chính theo quyết định xử phạt hành chính ngày 13/12/2011 của UBND huyện. Thêm vào đó, chưa hề có quyết định thu hồi đất nên đó không thể gọi là cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên, theo ông Hiển, nếu khiếu nại các quyết định hành chính thì được thực hiện tại toà án.
Chưa hài lòng, luật sư Hải hỏi tiếp: Nếu bộ không nói đúng hay sai thì hãy nói căn cứ điều khoản nào được áp dụng để cưỡng chế thu hồi và hỗ trợ thi công? Ông Hiển đáp: “Luật Đất đai không hướng dẫn trình tự thủ tục cưỡng chế mà phải theo các luật khác”.
Trả lời thắc mắc của dân vì sao không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, ông Hiển cho biết, việc ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ chỉ áp dụng theo luật Đất đai 2003 (và nghị định 181 năm 2004 về hướng dẫn thực hiện luật Đất đai), trong khi dự án này thực hiện trước khi luật Đất đai 2003 và nghị định có hiệu lực thi hành. “Luật Đất đai 1993 không bắt buộc thu hồi đến từng hộ dân; Luật sửa đổi 2001, quy định thẩm quyền thu hồi đất, giao đất đều cùng một cấp nên trong trường hợp này, quyết định 742 (ngày 30/6/2004) của Thủ tướng về giao đất cho chủ đầu tư đồng thời cũng là quyết định thu hồi đất”, ông Hiển giải thích.
Thủ tục dự án
Liên quan thủ tục dự án mà người dân thắc mắc, ông Hiển khẳng định dự án này được thực hiện đúng thủ tục về ban hành văn bản. “Tỉnh trình bộ ngày 28/6, bộ trình Thủ tướng ngày 29/6; như vậy, về trình tự thời gian là logic, về hồ sơ lưu trữ cũng đầy đủ. Tuy nhiên, trước đó, từ năm 2003 đến tháng 6/2004 các bộ liên quan đã phối hợp với tỉnh để tham mưu thực hiện dự án theo đúng quy định chứ không phải chỉ một ngày là tham mưu được ngay”, ông Hiển nói.
Các hộ dân cho hay: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Văn Giang 2003 “chưa có dòng nào về phát triển khu đô thị Văn Giang”, thì cơ sở nào để bộ Tài nguyên và môi trường tham mưu Chính phủ ra quyết định giao cho chủ đầu tư thực hiện? Ông Hiển lý giải, việc xây dựng khu đô thị Văn Giang đã được xác định, được căn cứ quy hoạch đô thị, đã được tỉnh Hưng Yên phê duyệt quy hoạch chung, xin ý kiến thoả thuận của bộ Xây dựng.
Lập tức, ông Trương Công Tĩnh, (xã Cửu Cao) phản bác: Đến tháng 1.2002 thường vụ Tỉnh uỷ Hưng Yên còn ra quyết định cho ba xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo mô hình VAC, vậy nên nếu chỉ một năm sau lại nói đã có quy hoạch (khu đô thị) thì chẳng khác nào lừa dân! Ông Tĩnh muốn đại diện tỉnh Hưng Yên có mặt tại buổi đối thoại là phó chủ tịch Đặng Minh Ngọc lên tiếng, nhưng ông Hiển từ chối yêu cầu này: “Đại diện tỉnh Hưng Yên chỉ được bộ mời đến nghe, chứ đòi (tỉnh) cung cấp ngay thì chưa chắc chuẩn bị được”. Và ông Hiển nhấn mạnh: Thông báo 127 ngày 20/5/2010 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng có nói: dự án khu đô thị Văn Giang đã được trình, thẩm định theo đúng quy định, phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch của tỉnh.
Chí Hiếu (lược thuật)
- Chùa Trăm Gian bị hủy hoại: Báu vật không người trông coi
- Làm thế nào để xe buýt hấp dẫn hơn?
- Phòng, chống sạt lở ở ĐBSCL: Lở đâu, chạy đó!
- “Top 5” khu kinh tế
- Xây nhà trên... nóc chung cư cũ
- Đổi mới hệ thống xe buýt ở TPHCM, chờ đến bao giờ?
- Giao thông tại Hà Nội hỗn loạn vì cơn bão số 5
- Bảo tồn từ... kiến trúc lòng dân
- Tốc độ và quãng đường
- Dấu hỏi quy hoạch