Hơn 1/2 số xe buýt của TPHCM đã bắt đầu bước sang “tuổi lão”, nhu cầu đổi xe mới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nhất là khi đa phần xe buýt hiện nay ở TPHCM không những “già nua” mà còn là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất do trong thời điểm sản xuất chúng, Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về khí thải cho loại xe này.
Đầu tư mới: chậm và mất cơ hội
Cách nay khoảng 2 năm, chuẩn bị cho việc thay thế hàng loạt xe buýt bắt đầu rão rệ, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã lập đề án đầu tư mới 1.680 xe buýt với các tiêu chuẩn về khí thải hiện đại, trong đó dự kiến có hơn 300 xe buýt sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Theo đề án này, các đơn vị vận tải sẽ là người đầu tư chính toàn bộ số xe buýt nêu trên với giá trị lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi vay đầu tư, ước khoảng 700 tỷ đồng và khoản tiền này sẽ được chi trả dần trong 7 năm.
- Ảnh bên: Xe buýt sử dụng khí CNG sẽ giúp môi trường TPHCM tốt hơn (Ảnh: Kim Ngân)
So với dự án đầu tư mới 1.318 xe buýt mà TP thực hiện cách nay 10 năm, dự án này là một bước tiến bộ. Nếu như trong dự án đầu tư 1.318 xe buýt, các đơn vị vận tải chỉ phải trả trước 100 triệu đồng/xe, khoản tiền mua xe còn lại được trả dần với lãi suất rất ưu đãi thì trong dự án đầu tư mới 1.680 xe buýt lần này, các đơn vị vận tải phải trả trước tới 30% trị giá xe, 70% còn lại được vay ngân hàng và được trả dần.
Sự hỗ trợ của Nhà nước ở đây chỉ là giúp trả một phần lãi vay của 70% số tiền mua xe mà doanh nghiệp vận tải phải vay ngân hàng để trả dần cho nhà sản xuất. Sở GTVT cho biết, hiện đề án đang được UBND TPHCM chỉ đạo đưa ra lấy ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cùng các sở ngành liên quan.
Sự cẩn trọng của UBND TPHCM là cần thiết vì 700 tỷ đồng nêu trên là số tiền không nhỏ. Thế nhưng, vấn đề là nhiều sở ngành liên quan tỏ ra rất chậm chạp trong việc góp ý với đề án. Sở GTVT đã phải nhiều lần có văn bản hối thúc sự đóng góp này từ các đơn vị…
Bên cạnh động thái của Sở GTVT, Ban Chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM cũng nỗ lực “tìm về” cho xe buýt TPHCM một khoản đầu tư lên tới 50 triệu USD để đổi mới và nâng chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, cuối tuần qua, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, điều phối viên của Ban Chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu cho biết: “Do chậm tiến hành các thủ tục vay cần thiết, TP đã để vuột mất cơ hội vay 50 triệu USD”.
Nhiều bến bãi vẫn nằm trên giấy
Cách nay chưa lâu, Sở GTVT TPHCM cùng các quận, huyện đã cân đối và tìm ra được khoảng 600ha đất để xây dựng bến bãi đậu xe nói chung trong đó có một phần diện tích không nhỏ dành cho bến bãi xe buýt. Thế nhưng, có quỹ đất không thôi chưa đủ.
Theo Sở GTVT, cái khó nhất hiện nay là cơ chế thu hút đầu tư xây dựng bến bãi chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Thiếu bến bãi đậu xe, rất nhiều xe buýt của TP vẫn phải “qua đêm” trên lòng, lề đường. Đã có trường hợp xe buýt bị cháy giữa đêm mà không rõ nguyên nhân. Không có bến bãi ở nhiều vị trí đầu và cuối tuyến, không ít xe buýt sau khi kết thúc hành trình đã phải đi vòng một đoạn đường khá xa để tìm chỗ lưu đậu và rồi đến sáng hôm sau lại phải vòng thêm một lần nữa để đến điểm xuất phát. Việc này vừa làm hao phí nhiên liệu vừa làm gia tăng lượng khói xe phát thải ra môi trường.
Quảng cáo trên xe buýt nhằm tạo thêm nguồn thu cho hoạt động xe buýt đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trong quyết định phê duyệt chương trình phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị của Việt Nam. Triển khai quyết định này, UBND TPHCM cũng đã giao cho các sở ngành liên quan xây dựng cơ chế thực hiện. Song theo nhiều đơn vị vận tải, việc này chưa được triển khai. Đây là một thiệt thòi lớn của TP bởi nguồn thu từ quảng cáo không hề nhỏ và nó sẽ là một trong những nguồn tiền hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động của xe buýt, giúp TP nhẹ phần nào gánh nặng trợ giá xe buýt.
Với cách làm như trên, chưa biết đến bao giờ hoạt động xe buýt của TPHCM mới được đổi mới, theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực?
Nguyễn Khoa
- Chùa Trăm Gian bị hủy hoại: Báu vật không người trông coi
- Phòng, chống sạt lở ở ĐBSCL: Lở đâu, chạy đó!
- “Top 5” khu kinh tế
- Xây nhà trên... nóc chung cư cũ
- Cưỡng chế thu hồi đất là “việc của tỉnh Hưng Yên”
- Giao thông tại Hà Nội hỗn loạn vì cơn bão số 5
- Bảo tồn từ... kiến trúc lòng dân
- Tốc độ và quãng đường
- Dấu hỏi quy hoạch
- Tính cách Hà Nội (kỳ cuối)