Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Vụ đập bỏ xây mới Chùa Trăm Gian: Cứ “tàn sát” rồi lại rút kinh nghiệm?

Vụ đập bỏ xây mới Chùa Trăm Gian: Cứ “tàn sát” rồi lại rút kinh nghiệm?

Viết email In

Như đã phản ánh, chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) bỗng dưng bị phá dỡ, dựng mới một “di tích” sắp... khánh thành! Vấn đề đặt ra là: Tại sao chúng ta lại để những chuyện như thế liên tiếp xảy ra, ở khắp các di tích từ Bắc chí Nam, suốt nhiều năm qua? 

Và, khi đại họa ập đến, ai chịu trách nhiệm? 

Chúng tôi đã từng đề cập thiết chế bảo vệ di tích đầy kẽ hở, đầy bất cập hiện nay. Tuy nhiên, đấy chỉ là cái cớ để một nhóm người vì mục đích gì đó, lại nhân danh với cái tên rất đẹp “tu bổ, tôn tạo” để... 


Gác Khánh được phá dỡ, xây mới, đẹp đến mức không nhận ra. 

Nếu cứ chiểu theo Luật Di sản, có thể khởi tố cá nhân, tổ chức đã hủy hoại di tích quốc gia, thì không chỉ các cán bộ cơ sở mà cả các cán bộ quản lý từ ngành văn hoá cho đến các tỉnh phải chịu trách nhiệm. Còn nhớ, tháng 5.2009, trước dư luận quá “nóng” về chuyện xâm hại di sản, Bộ VHTTDL đã thành lập một đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản ở Hà Nội và một số tỉnh phía bắc. Trong kết luận hồi đó, bộ cũng đã nhấn mạnh đến cái tội của những người trùng tu chùa Trăm Gian, như quy trình đầu tư tu bổ chưa đầy đủ, một số yếu tố bị sửa đã không đảm bảo tính nguyên gốc. Thế rồi, hàng loạt sai phạm, tàn phá di sản vẫn xảy ra. Điều đáng sợ hơn là: Lần nào cũng sai, cũng hòa cả làng...? 

Tương tự, ngay trên mảnh đất xứ Đoài cổ mà chùa Trăm Gian tọa lạc, cả “núi” di sản bị làm mới, tàn phá, mà chẳng thấy ai bị xử lý. Đền Và (Sơn Tây), đình Mông Phụ (Sơn Tây), Thành cổ Sơn Tây... đều trùng tu sai, bị các báo, đài tố cáo, cơ quan chức năng hứa “sửa chữa khắc phục”, quyết định “đình chỉ thi công” một thời gian rồi lại thi công. Đình Thụy Phiêu (Ba Vì), ngôi đình cổ nhất của Việt Nam, bị làm mới hầu như toàn bộ, dân thôn gặp nhà báo đều rất bất bình. Họ nói, người ta ở đâu về làm, ở đâu về nghiệm thu, dân thôn không được “xía” vào.

Hàng chục ngôi chùa, đền, miếu ở Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Bắc Giang, tượng cổ bị sơn lại, tổn thất cả kho di sản như thế, có ai chịu trách nhiệm không? Câu trả lời là không.

Một câu hỏi không thể không đặt ra, vì sao “họ” thích phá dỡ, xây mới di tích thế? Trong khi rất nhiều công trình cấp bách phải tạm dừng vì... thiếu vốn.  


Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 

Phải phục hồi nguyên trạng di tích chùa Trăm Gian 

Trước những sai phạm nghiêm trọng trong việc trùng tu di tích quốc gia chùa Trăm Gian, ngày 27/8, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải đã ký văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội thực hiện ngay một số biện pháp nhằm “cứu” lấy di sản vô giá này... 

Theo tinh thần của công văn, những biện pháp cần làm ngay là đình chỉ việc thi công; bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của nhà Tổ, gác Khánh và đá bậc cấp cũ trước sân tiền đường; nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và đá bậc cấp cũ trước sân tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thỏa thuận... 

Thực trạng ở chùa Trăm Gian hiện nay theo kết luận của đoàn kiểm tra Bộ VHTTDL (gồm thanh tra và Cục Di sản văn hóa) thì công trình nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp từ gác chuông lên sân tiền đường đã bị nhà chùa dỡ bỏ hoàn toàn và đang được xây mới. Nhà Tổ cơ bản đã được lợp mái, gác Khánh đã lắp dựng xong bộ khung gỗ. 

Điều đáng nói là kiến trúc hai công trình trên được nhà chùa cho thi công không dựa trên thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Toàn bộ cấu kiện gỗ, ngói lợp và chân tảng cũ của nhà Tổ và gác Khánh đã bị nhà chùa loại bỏ, để chất đống phía sau chùa và không được bảo quản tốt...Như vậy, có thể hiểu, để phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh thì chỉ có cách là lại dỡ bỏ hoàn toàn công trình sắp hoàn thiện này để làm lại. 

Nhưng vấn đề là liệu có cứu được di sản không, khi cả “hồn lẫn cốt” của nó đã bị người ta triệt hạ tận gốc như vậy? Cơ sở nào để phục dựng trong khi quá trình hạ giải toàn bộ công trình cũ không có lấy một nhà quản lý hay chuyên gia nào giám sát, theo đúng luật?Hay là sự phục hồi nguyên trạng sẽ chỉ dừng ở mức độ “tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ của công trình” để “vá víu” vào cái công trình mới toanh này? 

Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ cấp xã đến huyện, tỉnh thật đáng ngạc nhiên. Và ngạc nhiên hơn nữa là chỉ có sư trụ trì chùa Trăm Gian nhận trách nhiệm trong vụ việc này, những người khác thuộc cơ quan quản lý đều kêu “không biết” hoặc chỉ “biết mang máng”! 

Phải chăng những người quản lý đã cố tình lờ đi một sự việc xâm hại nghiêm trọng đến tài sản quốc gia đang xảy ra trên địa bàn phụ trách? Hay là trình độ hiểu biết của họ quá kém để không nhận biết được rằng đó là một việc làm sai pháp luật? 

Phạm Thị Thảo Giang - Trương Hoàng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
+1 # ManhTuan 29/08/2012 10:33
Hinh như đây là cái mốt ở các địa phương, tối đi đên đau cung thấy các di tích đâng bị khai tử dần, đơn cử như gân đây nhất khi đên thăm đinh vân phúc Hà Đông, HN cung không trảnh khỏi cảm giác chua sót khi một ngôi đình cổ đẹp đến vậy mà bị dơ bổ hoàn toàn, thiết nghi nếu như khu di tích nào cung làm như vây thi còn đâu cái giá trị lịch sử, cái giá trị văn hóa theo thời gian mà chúng ta đang cố gắng gìn giữ, chiều dầy văn hóa của chúng ta phản ảnh một phần thông qua sự hiện hữu của các công trình kiến trúc cổ vậy mà vì một lý do nào đó mà chúng ta đang xóa bỏ nó chảng khác nào chúng ta đang bỏ đi nguồn cội của minh!... Kính đề nghị các cơ quan chức năng, lỗ lực hơn nữa để cứu láy những gì còn sót lại của cha ông ta!...
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo