Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn ĐBSCL: trả giá quá đắt vì sạt lở!

ĐBSCL: trả giá quá đắt vì sạt lở!

Viết email In

Sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày một nghiêm trọng hơn cả về quy mô lẫn tần suất. Chúng ta cần phải làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đối với đồng bằng này?

Chưa đầy 10 năm, sạt lở đã “nuốt” hơn 200 mét đê biển (theo hướng từ bờ ra phía biển) ở khu vực xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, tức bình quân mỗi năm có khoảng 20 mét bờ biển ở khu vực này đã biến mất vì sạt lở.

Mất nhà, mất sinh kế vì sạt lở

Biển ngoạm vào đất liền. Dẫn chứng về những điều đã xảy ra, bà Hoàng Thị Nga, ngụ ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang chỉ tay đến vị trí căn nhà nằm lẻ loi về phía biển (cách tuyến đê biển hiện hữu hơn 200 mét) nói: “10 năm trước, tuyến đê biển nằm ngoài đó, chứ không phải ở vị trí như bây giờ”. Và căn nhà còn sót lại trên biển chính là nơi từng được gia đình bà Nga sử dụng để canh giữ các ao nuôi tôm – vốn là sinh kế của gia đình lúc bấy giờ. Riêng ở khu vực này, đã có hàng chục héc ta diện tích nuôi tôm của bà con đã bị biển nuốt không còn dấu vết. Nơi thờ cúng của người địa phương là Miễu Bà Địa Mẫu đã được gia cố nhiều lần nhưng nguy cơ bị sạt xuống biển luôn hiển hiện.


Miễu Bà Địa Mẫu ở ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang nhiều khả năng bị sạt lở dù đã nhiều lần được gia cố. (Ảnh: Trung Chánh)

Tương tự, biển ăn sâu vào đất liền khu vực xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khoảng 150-200 mét sau chưa đầy 10 năm qua, nhất là khi dự án cống đập Ba Lai được xây dựng, làm dòng chảy xuống hạ nguồn thay đổi, khiến tốc độ sạt lở bờ biển tại khu vực xã Bảo Thuận ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn.

Trao đổi với KTSG, ông Mai Văn Sỹ, ngụ ở ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cho biết trước tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, hàng năm ông và bà con nơi đây phải bỏ ra hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để đóng cừ chống sạt lở bảo vệ phần đất, nhưng cũng chỉ giúp quá trình sạt lở diễn ra chậm hơn thôi.

Với chiều rộng thửa đất chỉ 30 mét, theo ông Sỹ, cần khoảng 100 cây cừ dừa để gia cố. “Với giá 350.000 đồng/cây, coi như tốn hết 35 triệu đồng rồi, đó là chưa kể nhân công, rồi mua bao tải chứa cát, bạt để chống sạt lở nữa”, ông nói và thông tin, việc này cũng chỉ hạn chế sạt lở được khoảng 1-2 năm.

Thông tin công bố trên trang Bản đồ trực tuyến quản lý sạt lở (satlo.vndss.com) thuộc Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, cho thấy, tốc độ sạt lở bờ biển ở khu vực ĐBSCL khá nghiêm trọng, từ vài mét lên đến hàng chục mét mỗi năm tùy khu vực.

Mỗi năm, bờ biển khu vực xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có tốc độ sạt lở 5-10 mét. Con số này ở các bờ biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh là 30 mét; bờ biển từ xã Lai Hòa, Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đến xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu là 7 mét; bờ biển cống Kênh Mới (Cà Mau) là 35-40 mét và bờ biển xã Bình Trị đến mũi Hòn Chông, thị xã Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang có tốc độ sạt lở 5 mét/năm…

Sông sạt bờ, dời nhà đi. Bà Châu Thị Phụng, người ở cồn Hô thuộc ấp Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, cho biết trong khoảng 9 năm trở lại đây, gia đình bà phải hai lần dời nhà “chạy” sạt lở. “Hễ sạt lở tới, thì mình phải dời vô thôi”, bà nói.

Theo bà Phụng, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần cho di dời tuyến đê bao quanh cồn Hô do sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. “Sạt lở khúc nào, thì mình báo về xã khúc đó, nếu ít xã cho người qua gia cố, còn nếu sạt lở nhiều họ cho dời luôn cả tuyến đê”, bà cho biết.

Đặc biệt, tại đầu cồn Hô, trụ điện cao thế 189 của đường dây 220kV Duyên Hải – Mỏ Cày do Công ty truyền tải điện IV quản lý dù được xây dựng hoàn toàn trong phần đất của cồn, nhưng hiện tại sạt lở đã làm chân móng của trụ điện phơi ra bên ngoài. Nếu không có giải pháp khắc phục, thì phần đất bảo vệ trụ điện 189 sẽ bị sạt lở xuống sông hoàn toàn, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn lưới điện là rất lớn.

Mới đây, vào ngày 5-12, một vụ sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 350 mét, rộng khoảng 160 mét đã xảy ra ở ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Điều này, đã làm 22 hộ dân với 109 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó, có 12 căn nhà của người dân ở khu vực này bị sụp hoàn toàn xuống sông.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đến cuối năm ngoái, toàn vùng ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610 km, trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm với chiều dài 127 ki lô mét, sạt lở nguy hiểm có 137 điểm với chiều dài 193 ki lô mét và còn lại là các điểm sạt lở bình thường.

Nguyên nhân do đâu?

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), cho biết nhờ được phù sa bùn cát về các cửa sông bù đắp hằng năm mà tình trạng sạt lở trước đây vẫn xảy ra nhưng rất ít. Nó cũng giúp rừng ngập mặn có điều kiện phát triển tốt, giữ được đất và hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Bây giờ lượng phù sa, bùn cát đổ về ngày càng ít dần trong khi việc khai thác cát (sau khi nguồn cát sông ngày một cạn kiệt – PV) đang chuyển dần ra phía biển, thậm chí các giồng cát cũng bị người ta đào xuống để hút cát lên, thì sạt lở chắc chắn sẽ xảy ra nhiều hơn vì nền tảng bảo vệ bị suy yếu. Thêm vào đó, việc thiếu phù sa, bùn cát cũng làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn – nơi có nhiệm vụ bảo vệ bờ, giúp chắn sóng và gió biển.

Sạt lở có khuynh hướng ngày càng mạnh hơn một phần cũng do tác động từ các công trình ngăn dòng chảy, bao gồm cả những cống ngăn mặn ở hai bên trên các nhánh sông. Bởi, trước đây khi năng lượng triều đi vào nó đi xuyên qua được các cống, giúp phân tán năng lượng (yếu dần). Còn bây giờ, việc xây dựng cống dọc hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu để ngăn mặn khiến nước mặn bị đẩy vô sâu hơn, làm một số cây vùng nước ngọt có tác dụng bảo vệ bờ chết đi, khiến sạt lở gia tăng.

Theo ông Tuấn, với các dự án ngăn mặn, giữ ngọt còn khiến môi trường sinh thái lợ bị thu hẹp, dẫn đến một số cây sống ở vùng nước lợ bị lụi tàn như cây dừa nước, trong khi đây là cây có tác dụng giữ bờ rất tốt, giúp giảm sóng và là nơi cư trú cho các loại sinh vật. “Tôi còn phát hiện, khi môi trường sinh thái lợ bị thu hẹp, thì ở đó đã xuất hiện một số loại sâu mới mà trước đây không có, nó ăn vào cây dừa nước, dẫn đến chết cây, làm sạt lở hai bên bờ sông tăng lên”, ông cho biết.

Để cứu ĐBSCL

“Câu chuyện của ĐBSCL cần giải quyết ra sao?”. Ông Tuấn cho rằng, khi cơ thể đã yếu, thì cách tốt nhất trước mắt là cầm cự, hạn chế tác động làm trầm trọng hơn.

Muốn vậy, cần phải “cắt” bớt nguyên nhân gây sạt lở ĐBSCL. Cần kiên quyết ngăn chặn và cho nhập cát phục vụ phát triển hạ tầng, kinh tế của vùng. “Nhiều nước cũng không cho khai thác cát, họ sẵn sàng bỏ tiền ra nhập cát. Vì vậy, mình có thể thương lượng với Campuchia để mua hoặc giảm bớt nhu cầu xây dựng sử dụng nhiều cát”, ông Tuấn gợi ý và cho rằng, điều này sẽ tốn kém hơn, nhưng giữ được đất, hệ sinh thái.

“Bây giờ, Bộ Giao thông Vận tải tính làm đường cao tốc từ Cần Thơ đi Cà Mau, thì nên làm trên cao, thay vì bơm cát đắp nền đường”, ông nói và gợi ý, các trụ bê tông có thể làm ở Biên Hòa (Đồng Nai) – nơi có nguồn khoáng sản còn dồi dào – sau đó chuyển về lại vùng này.

Cũng theo ông Tuấn, không nên lấy nguồn cát biển thay thế cát sông trong xây dựng, bởi muốn sử dụng phải rửa, trong khi ở vùng ven biển bây giờ không có nước ngọt, đó là chưa kể khi khai thác như vậy, thì sạt lở sẽ ngày càng gia tăng, rừng ngập mặn, hệ sinh thái cũng chết theo.

Trung Chánh

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...