Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu tổ chức tại Glasgow (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố cam kết dần loại bỏ nhiệt điện than đến năm 2040, và đạt phát thải carbon ròng bằng 0 đến năm 2050. Nhưng công cuộc chuyển đổi này không hề dễ dàng. Việt Nam phải đối mặt với những thách thức của toàn hệ thống, và sẽ cần đầu tư đáng kể cho chuyển đổi, cũng như thay đổi lớn về tư duy và cách thức vận hành.
Tiềm năng điện gió của Việt Nam rất lớn. (Ảnh: H.P)
Có hai vấn đề cấp bách hiện nay: một là những rủi ro vật lý do biến đổi khí hậu mang lại có thể gây tác động to lớn đối với khu vực đô thị, đặc biệt lún chìm ngập lụt ở các thành phố lớn; và hai là GDP Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ do điều chỉnh, bởi hiện tại Việt Nam đạt được GDP cao nhờ các ngành phát thải lớn, và phần lớn vốn dự trữ quốc gia gắn với nguồn nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, mức phát thải của Việt Nam có thể tăng gần 4 lần nếu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng theo kế hoạch mà không có thay đổi về công nghệ và thực hiện thành công các thay đổi chính sách.
Cũng như nhiều nước khác, phát thải của Việt Nam đến từ các hệ thống năng lượng và sử dụng đất. Khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính là từ ngành điện, 30% từ công nghiệp, và 10% từ hoạt động giao thông vận tải. Nhiều cơ quan trong Chính phủ đã hoạch định những chính sách cụ thể nhằm giảm thiểu CO2, phải kể đến ngành điện với dự thảo Quy hoạch điện 8, ngành giao thông vận tải, ngành tài chính, và những dự án ở các thành phố lớn bao gồm Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng cũng đang triển khai các biện pháp tích cực, cùng với đó là các biện pháp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường ở các tỉnh, thành.
Nhu cầu điện sẽ tăng lên đáng kể khi các ngành được điện hóa, như chuyển từ phương tiện động cơ đốt trong sang xe điện. Việt Nam sẽ cần đầu tư vào hạ tầng phụ trợ, như đường dây truyền tải và phân phối điện năng, cùng với hệ thống lưu trữ điện quy mô công nghiệp để có thể tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện. |
Nếu thực hiện thành công tất cả các chính sách, dự án này thì nhiều khả năng sẽ có thể giảm phát thải, nhưng không phải ở mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Kịch bản tươi sáng nhất là sự kết hợp các kế hoạch mới nhất với những công nghệ khả thi về mặt kinh tế như sử dụng động cơ điện cho ô tô, xe hai và ba bánh, cải thiện năng suất trong nông nghiệp, và nếu chuyển hướng sang sản xuất tiên tiến thì phát thải còn giảm mạnh hơn nữa.
Theo kịch bản này, mức phát thải của Việt Nam sẽ không tăng thêm từ khoảng năm 2035. Đến năm 2050, mức phát thải sẽ đạt 0,6 giga tấn, gần bằng với mức của năm 2025. Như vậy với kịch bản tươi sáng nhất, nước ta mới chỉ hoàn thành một nửa chặng đường phát thải carbon ròng bằng 0.
Nguồn khí nhà kính gồm bảy lĩnh vực: nông nghiệp, công trình xây dựng, công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, quản lý chất thải, và cuối cùng là sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, và lâm nghiệp. Trong đó, lĩnh vực năng lượng và theo đó là công nghiệp và giao thông vận tải cần được điều chỉnh sớm vì có tác dụng nhanh nhất và ảnh hưởng đến sự hoàn thành các mục tiêu giảm phát thải khác.
Thực vậy, năng lượng đặt ra một cơ hội lớn cho tham vọng đạt phát thải carbon ròng bằng 0 của Việt Nam. Đây cũng là chìa khóa để đạt được những mục tiêu này, khi mà nỗ lực điện hóa các ngành khác đang được thực hiện trên phạm vi cả nước. Việt Nam có lợi thế đặc biệt so với các quốc gia khác trong khối ASEAN về tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo.
Nhu cầu điện sẽ tăng lên đáng kể khi các ngành được điện hóa, như chuyển từ phương tiện động cơ đốt trong sang xe điện. Việt Nam sẽ cần đầu tư vào hạ tầng phụ trợ, như đường dây truyền tải và phân phối điện năng, cùng với hệ thống lưu trữ điện quy mô công nghiệp để có thể tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện, khắc phục tình trạng thiếu hụt trong ngắn hạn, và giải quyết vấn đề khoảng cách giữa nơi sản xuất với nơi tiêu thụ.
Trong các ngành, năng lượng được trang bị đầy đủ nhất để có thể mở rộng quy mô giảm phát thải carbon ngay lập tức. Để đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0, Việt Nam sẽ cần chuyển hướng phần lớn năng lượng sang điện gió và điện mặt trời, bảo đảm đến năm 2050 công suất lắp đặt điện gió đạt khoảng 150 GW, phần lớn là ngoài khơi, và điện mặt trời khoảng 70 GW.
Lộ trình chuyển hướng này cũng đề ra những mục tiêu đầy tham vọng cho năng lượng tái tạo, bởi tiềm năng điện gió của Việt Nam cao hơn mức đó gấp 4-5 lần, và tiềm năng điện mặt trời cũng cao hơn đến 5 lần. Điều này có nghĩa là với chủ trương đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng tái tạo đến các nước có nhu cầu năng lượng sạch rất lớn, cũng như cho các trung tâm sản xuất hydro xanh là loại năng lượng cần thiết phục vụ sản xuất kim loại xanh.
Trong khi điện mặt trời có phần chững lại vì vấn đề đầu tư hạ tầng truyền tải và lưu trữ, thì nhiều tỉnh đang chạy đua thu hút các dự án điện gió, cả trên đất liền và ngoài biển khơi. Thậm chí tỉnh Đăk Nông đã nghĩ đến việc sản xuất nhôm xanh bằng năng lượng tái tạo.
Dự báo Chi phí điện cân bằng (LCOE) của cả nước đang cho thấy điện gió nội địa và điện mặt trời hiện đã rẻ hơn mọi nguồn nhiệt điện, và đến khoảng năm 2030 điện gió ngoài khơi sẽ rẻ hơn khí đốt. Dự báo LCOE còn chưa tính đến chi phí carbon: nếu thuế carbon được áp dụng trong tương lai thì giá năng lượng tái tạo còn cạnh tranh hơn và hoàn toàn có thể thay thế nhiệt điện, và sản xuất hydro xanh tại Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất có chi phí thấp nhất thế giới.
Từ tiền đề năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ giảm được tỷ trọng GDP nơi các ngành công nghiệp chế biến cơ bản có giá trị thấp và tham gia vào các phân khúc có giá trị cao, được điện hóa và phát thải carbon thấp nhằm cải thiện vị trí trên chuỗi giá trị. Ngành thép của Việt Nam là một thí dụ điển hình với yêu cầu ứng dụng công nghệ hoàn nguyên sắt trực tiếp và lò nung điện (DRI-EAF) sử dụng hydro xanh và điện tái tạo.
Bên cạnh nhu cầu phi tập trung hóa ngành điện nhờ vào nguồn cung từ năng lượng tái tạo và phát triển nền công nghiệp xanh để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông, công nghiệp trong nước, ngành giao thông vận tải không chỉ tập trung vào điện hóa phương tiện mà còn phải lưu ý đến đặc trưng chiều dài đất nước. Vận tải đường sắt, bao gồm đường sắt cao tốc, sẽ phải dần thay thế một phần vận tải hàng không và xe khách giữa các thành phố lớn.
Để thực hiện lộ trình đạt phát thải carbon ròng bằng 0, đến năm 2040 Việt Nam sẽ cần triển khai đường sắt cao tốc, nhanh chóng thu hút 20% hành khách vận tải hàng không chuyển sang sử dụng, và đến năm 2050 sẽ tăng lên 30%. Trên thực tế, chiều dài địa lý của Việt Nam cũng gây khó khăn cho việc xây dựng hạ tầng lưới điện, và lưới điện còn kém phát triển này đang hạn chế khả năng tích hợp và mở rộng hoạt động phát điện.
Cuối cùng, vốn đầu tư cho các dự án này cũng là một bài toán hóc búa nhưng lại khả thi và sinh lợi lớn. Ban tư vấn phát triển bền vững McKinsey ước tính chi phí 24 đô la Mỹ/tấn CO2 tương đương hoặc thấp hơn.
Nhiều biện pháp thực chất có chi phí thấp hơn, trong nhiều trường hợp chưa đến một phần tư, và trong một số trường hợp chi phí cho việc ứng dụng một giải pháp bền vững là âm – nghĩa là còn rẻ hơn so với chi phí tiếp tục theo đuổi các biện pháp ban đầu. Tổng mức đầu tư có thể rơi vào khoảng 30 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, bao gồm các nguồn công và tư nhân.
Hoàng Việt
Tài liệu tham khảo:
– charting a path for Vietnam to achieve its net-zero goals
– https://www.mckinsey.com/capabilities/sustainability/our-insights/charting-a-path-for-vietnam-to-achieve-its-net-zero-goals
(KTSG Online)
- ĐBSCL: trả giá quá đắt vì sạt lở!
- Sân bay “bảo tàng”
- Mô hình thị trưởng cho chính quyền đô thị?
- Tiền "chôn" vào đất
- Vấn nạn của ý thức
- Bài toán 7.000 tấn rác mỗi ngày ở Thủ đô
- Nhiều ưu điểm, công trình xanh vẫn chưa thể “cất cánh”
- Công bằng cho người bị thu hồi đất
- Không gian công cộng dành cho ai?
- Số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn ít