Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Không gian công cộng dành cho ai?

Không gian công cộng dành cho ai?

Viết email In

Chuyện về không gian chung từng được bàn luận từ rất lâu ở Hà Nội và lắng xuống giữa bộn bề đời sống. Gần đây, dư luận lại râm ran khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tuyên bố quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm “sống lại tất cả các công viên”. Mục tiêu là để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận.

Thực tế, một số công viên ở Hà Nội hiện nay vẫn thu tiền vé như Thống Nhất và Thủ Lệ. Giá vé ở công viên Thống Nhất với người lớn là 4.000 đồng/lượt, trẻ em thu một nửa. Mức giá không cao nhưng với người cao tuổi mỗi sáng tập thể dục, chiều đi dạo cũng là một khoản “kha khá”. Công viên lớn nhất Hà Nội này hiện khá vắng vẻ, đìu hiu.


Công viên Bến Bạch Đằng.
(Ảnh: H.P)

Nhìn lại lịch sử, xa xưa, Việt Nam không có không gian công cộng như quảng trường, công viên, vườn dạo bộ. Mọi sinh hoạt cộng đồng diễn ra ở sân đình và các bãi đất ruộng sau thu hoạch làm sân chơi lúc nông nhàn. Ngay cả đất Nam bộ xưa cũng vậy. Mỗi khi tổ chức hội hè, người ta kéo nhau ra những bãi đất trống được dọn sạch, còn lễ trọng thì tổ chức ở đình, hay ở sân nhà mấy người mạnh thường quân giàu có. Nhiều sự kiện diễn ra ở sân đình nhưng phụ nữ không được tham dự.

Không gian công cộng (public space) chỉ chính thức xuất hiện khi người Pháp đến Việt Nam. Quy hoạch các khu phố Tây ở Sài Gòn, Hà Nội, họ thiết kế các quảng trường, nhà hát, công viên và các khoảng không gian trước công trình kiến trúc như nhà hát lớn, dinh Toàn quyền, bưu điện thành một cái sân chung cho mọi người tới lui.

Công viên được hiểu là một khoảng không gian mang tính chức năng chuyên biệt phục vụ cho thư giãn, đi dạo và vui chơi; được bố cục các vật thể có tính toán như cây xanh, vườn hoa, tiểu cảnh, ghế đá, tượng đài… Vì là khu công cộng, công viên không thu phí và bình đẳng ai đến cũng được kể cả người nghèo, phụ nữ, người già, người ăn xin… Đó được coi là quyền con người trong tinh thần dân chủ và tự do theo cách hiểu của phương Tây.

Ở TPHCM trước năm 1975, công viên không có nhiều, chỉ gồm Thảo Cầm Viên, Tao Đàn. Các công viên như Lê Văn Tám, 23-9, Gia Định, Phú Lâm, Lê Thị Riêng được hình thành sau này. Một số cái được xây dựng trên nền của nghĩa trang như nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, nghĩa trang Đô Thành.

Trước năm 2000, các công viên đều có hàng rào bằng tường gạch hay hàng rào sắt. Tuy không bán vé nhưng hàng rào tại các công viên tạo tâm lý hạn chế và khoảng cách xã hội cho người dân. Từ năm 2004, TPHCM có một xu hướng là “không gian mở” (open space).

Các công sở, nhà dân cũng bỏ hàng rào cứng bằng sắt hay hàng rào bằng gạch trên có gắn mảnh chai thay bằng hàng rào thưa, hàng rào thấp bằng cây xanh, thậm chí bỏ luôn hàng rào, tạo sự tương tác, thông thoáng giữa phần riêng tư với xã hội bên ngoài.

Theo xu hướng đó, các công viên cũng lần lượt dỡ hàng rào bao quanh và không thu tiền ra vào để người dân được tự do tiếp cận không gian công cộng. Bắt đầu là công viên Lê Văn Tám, rồi đến công viên Tao Đàn, Gia Định, Lê Thị Riêng, và tất cả các công viên khác.

Ngay cả hàng rào sắt kiên cố trước cửa UBND thành phố cũng được dỡ bỏ để người dân ngắm nhìn, chụp ảnh một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất thành phố.

Thời gian gần đây các công ty tư nhân tạo ra công viên công cộng cho người dân hưởng thụ miễn phí như công viên Ánh sao của Phú Mỹ Hưng, công viên Vinhomes Central Park thuộc khu phức hợp Tân Cảng và công viên bến Bạch Đằng…

Hiện nay, thành phố còn ba nơi thu tiền vé vào cửa là Thảo Cầm Viên, Đầm Sen và Suối Tiên. Ba nơi này có các hoạt động dịch vụ và các loại hình vui chơi giải trí. Tuy nhiên, thành phố cũng cần tính đến việc việc thu phí như thế nào cho hợp lý.

Đầm Sen thực chất là đất công. Hàng triệu công lao động tự nguyện của người dân thành phố đã bỏ ra hàng năm trời để san lấp một vùng đất đầm lầy để lấy mặt bằng làm công viên. Do vậy, thành phố cần tính đến việc người dân vào cửa tự do để hưởng không gian công cộng.

Đơn vị quản lý hiện nay là Công ty Du lịch Phú Thọ chỉ nên thu tiền qua các dịch vụ như trò chơi, dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác như đám cưới, hội họp… Điều này là cần thiết vì người dân thành phố quá thiếu các không gian công cộng cho những ngày nghỉ cuối tuần và cũng tạo ra sự công bằng trong hưởng thụ tài nguyên thiên nhiên thuộc “sở hữu toàn dân”.

Bên cạnh TPHCM, Đà Nẵng – nơi nổi tiếng có nhiều công viên đẹp và mới xây dựng sau này cũng hoàn toàn miễn phí cho dân hưởng thụ không gian và cảnh quan sau mỗi ngày làm việc, mưu sinh.

Hy vọng, tới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thực hiện được quyết tâm của mình là làm sống lại các công viên, không gian công cộng để người dân được thụ hưởng trên tinh thần tự do, bình đẳng.

Thu phí các công trình không được bao nhiêu nhưng lại tước đi cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên và điều kiện tăng cường sức khỏe, kết nối cộng đồng của người dân. Lợi ích vô hình của công viên lớn hơn nhiều so với số tiền thu được qua bán vé.

Các nhà lãnh đạo nếu quan tâm đến công viên càng nên quan tâm đến chất lượng công viên, nếu không lại tạo ra những công viên nhếch nhác, đầy rác, kim tiêm, và hoang tàn không ai muốn tới.

TS Nguyễn Minh Hòa

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...