Ashui.com

Wednesday
Dec 11th
Home Tương tác Góc nhìn TPHCM sẽ còn ngập nhiều hơn trong những năm tới

TPHCM sẽ còn ngập nhiều hơn trong những năm tới

Viết email In

Tình trạng ngập nặng tại nhiều khu vực ở TPHCM trong những ngày này tuy là nỗi ám ảnh của nhiều người dân nhưng có thể đó chưa phải là xấu nhất. Theo dự báo của cơ quan chức năng, đến năm 2050, có thể có đến 55% số phường, chiếm 61% diện tích của thành phố thường xuyên ngập lụt.

Trong trường hợp có thời tiết xấu, diện tích bị ngập lụt của TPHCM sẽ lên đến 71%.


Đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TPHCM ngập nặng vào chiều 27/10.
(Ảnh: Minh Duy)

Những thông tin trên được bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đưa ra vào ngày 28/10, trong báo cáo chuyên đề về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ngập lụt tại TPHCM. Trong đó, có những nguyên nhân khách quan như mực nước biển dâng cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt dẫn đến nguy cơ ngập lụt; việc thay đổi về lượng mưa cùng cường độ của các cơn mưa lớn cũng góp phần làm tăng nguy cơ.

Cùng với đó là những nguyên nhân chủ quan như tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích bị bê tông hóa tăng lên làm giảm khả năng tiêu thoát nước tự nhiên…

Dự báo về tác động của biến đổi khí hậu tại TPHCM, bà Mỹ cho biết, về nguy cơ ngập, nếu nước biển dâng 100 cm, sẽ có 17,84% diện tích thành phố có nguy cơ bị ngập.

Hiện tại, có khoảng 48% số phường thường xuyên có tình trạng ngập, đến 2050 sẽ có khoảng 55% số phường, chiếm 61% diện tích thành phố thường xuyên ngập. Trong trường hợp có thời tiết xấu, sẽ có đến 71% diện tích thành phố bị ngập vào thời điểm đó.

Để đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng, cơ quan chức năng đặt ra nhiệm trọng tâm là giảm ngập do mưa nhưng hiện tại nhiều việc vẫn chưa xong.

Bà Mỹ thông tin, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố định hướng giải quyết ngập 36/40 tuyến đường trục chính và 179 tuyến hẻm, đường nhánh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020 mới chỉ giải quyết được tình trạng ngập ở các tuyến hẻm, đường nhánh còn 22/40 tuyến đường trục chính, tức chỉ đạt 55% kế hoạch.

Thành phố cũng xây dựng nhiều cống thoát triều nhưng tiến độ hiện tại đang chậm hơn so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là thiếu kinh phí.

Minh Duy

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo