Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Tương tác Phản biện Không gian công cộng: Không gian không rộng

Không gian công cộng: Không gian không rộng

Viết email In

Tôi tin vào các thành phố như là nơi con người có thể sống tự nhiên, nhưng chúng ta phải khiến chúng có tính người. Chính nghệ thuật sẽ định nghĩa lại không gian công cộng trong thế kỷ thứ 21. Chúng ta có thể biến các thành phố của mình thành những nơi đa dạng tạo sự hứng khởi bằng cách giới thiệu mọi hình thức nghệ thuật, các điệu nhảy và các buổi biểu diễn đến với ma trận đời sống đường phố” - Antony Gormley.


Công viên Tao Đàn ở quận 1: một trong những ví dụ cho thấy chức năng phục vụ người dân của không gian công cộng cần được nhân rộng hơn nữa. (Ảnh: Thành Hoa)

Immanuel Kant (1724-1804), triết gia người Đức, được cho là người đầu tiên nêu thuật ngữ “không gian công cộng” (public space). Nhưng có lẽ chính Jurgen Habermas, một triết gia người Đức khác sinh năm 1929 hiện vẫn còn sống, mới là người phát triển rộng hơn thuật ngữ này và biến nó thành một khái niệm gắn với sự dân chủ. Nhưng bài viết này không bàn nhiều đến những gì Habermas đề cập mà chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp hơn, theo đó không gian công cộng được hiểu như là một phần của không gian đô thị – nơi mà bất kỳ thị dân nào, nếu muốn, đều có thể thăm viếng, vui chơi hay tham gia các hoạt động cộng đồng.

Không may, ở nhiều thành phố trên thế giới và tại Việt Nam, không gian công cộng theo nghĩa hẹp vừa nêu lại có khuynh hướng ngày càng thu hẹp, hay nói các khác nó không rộng như lẽ ra nó phải như vậy. Bài viết cố gắng giải thích vì sao như thế và thử bàn vài chuyện chúng ta nên làm.

Công cộng ngày càng riêng tư

Trong một bài viết của mình, Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Bình(1) cho rằng không gian công cộng tiếp tục phát triển, tạo ra nhiều hình thức khác nhau có chất lượng và nội dung mới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Theo ông, không gian công cộng đã tiến hóa từ những loại hình đầu tiên – như chợ búa, đường phố, quảng trường – để dung nạp thêm công viên, sân chơi, vườn hoa, trung tâm đi dạo, trung tâm mua sắm, khu bộ hành, vườn trên cao, đường dạo ven sông…

Tuy nhiên, từ thực tế ở nhiều nơi trên thế giới và tại Việt Nam, sự đa dạng về loại hình trong không gian công cộng lại không song hành với sự phát triển về chiều rộng và chiều sâu của chúng theo mong muốn của công chúng – những người thụ hưởng không gian công cộng – mà trái lại, thay vì mở rộng, không gian công cộng lại ngày càng thu hẹp.

Lý do đầu tiên ai cũng có thể thấy và công nhận là sự tham gia của khu vực tư nhân vào không gian công cộng với nhiều hình thức khác nhau. Do căng kéo về nguồn lực tài chính hoặc nhiều nguyên nhân khác, nhà nước nhận sự tham gia của các công ty, tập đoàn tư nhân vào không gian công cộng, và như thế, không thể tránh được sự chi phối của họ ở nhiều mức độ khác nhau. Hậu quả là, theo kiến trúc sư Bình, không gian công cộng phải (phần nào đó) chịu sự kiểm soát của các tập đoàn và không còn là không gian chung của mọi người dân.

Thứ hai, cũng theo kiến trúc sư Bình, quá trình quy hoạch xây dựng, cải tạo đô thị đã hình thành nhiều không gian công cộng mới, nhưng đồng thời cũng làm mất đi nhiều không gian công cộng hiện hữu. Tuy nhiên, không phải không gian công cộng mới hình thành nào cũng phù hợp với đời sống người dân trong khi nhiều công trình không gian công cộng hiện hữu thực sự rất có ý nghĩa về cả lịch sử, không gian và thời gian, nhưng lại bị xóa sổ không thương tiếc. Không loại trừ sự xóa sổ này xuất phát từ tham vọng riêng tư của một nhân vật nào đó. Nhưng thường xuyên hơn, động cơ không trong sáng xuất phát các chủ đầu tư dự án thường coi trọng lợi ích kinh tế của họ hơn là phúc lợi chung của người dân.

Vì vậy, khi ngày càng nhiều các dự án đô thị hóa xuất hiện, thì khả năng xóa sổ hay thu hẹp diện tích không gian công cộng hiện hữu càng cao. Nếu như không gian công cộng trong khu vực bị ảnh hưởng bởi các dự án được giữ lại, thì cũng không loại trừ khả năng sẽ bị cải tạo, sửa chữa theo ý riêng của nhà đầu tư, ít nhiều làm mất đi ý nghĩa hay giá trị ban đầu đối với công chúng.

Một bài viết của kiến trúc sư Tạ Anh Dũng đăng trên Tạp chí Kiến trúc mấy năm trước đồng tình với nhận định trên(2). Theo kiến trúc sư Dũng, nhằm tiết kiệm chi phí, nhiều cơ quan nhà nước cho phép các công ty tư nhân tham gia xây dựng và quản lý không gian công cộng. Tất nhiên, một phần hoạt động trong đời sống của người dân tại đó có thể bị loại bỏ để nhường chỗ cho lợi ích của chủ đầu tư. “Không gian công cộng khi ấy không còn là nơi tụ tập của tất cả mọi người, mà là không gian hướng tới một vài đối tượng sử dụng nhất định. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là sự xuống dốc, cái chết hay sự biến mất của không gian công cộng trong xã hội ngày nay”, vị kiến trúc sư này nhận xét.

Ở TPHCM, có nhiều ví dụ minh họa cho nhận định này. Sau khi công trình mới mọc lên thì lề đường, cây xanh, công viên, và nhiều thứ khác, vốn gắn liền với địa điểm đó trước đây, bỗng nhiên trở thành như một phần của công trình mới, khiến chúng mất đi ý nghĩa vốn có, hay công chúng ngại ngần không còn muốn đến đó nữa. Một điển hình là công viên Chi Lăng ở quận 1. Đành rằng sau khi công trình đồ sộ phía sau hoàn thành, công viên này vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, theo người viết, đó chỉ là cái xác, còn phần hồn của một công viên có tuổi đời hơn nửa thế kỷ này dường như biến đâu mất. Vì sao thiết kế mới của công viên Chi Lăng không giữ lại kiến trúc vốn có của nó mà lại được xây thành như một phần của công trình mới? Để hài hòa chăng? Không, rất tiếc cho những người đã thiết kế, xây dựng và phê duyệt công viên mới. Sự hài hòa đó không thể nào bù đắp sự mất mát cho phần hồn của một công viên có tuổi đời như vậy.

Nếu nói rằng phải làm cho công viên Chi Lăng “sang trọng” xứng tầm với công trình đứng sau nó thì thử hỏi vì sao công chúng phải hy sinh bản sắc của một công viên gắn bó với mình từ lâu để đổi lấy sự hài lòng của một thiểu số đặc quyền xa lạ không dính dáng gì đến mình? Hơn nữa, nếu giữ lại thiết kế cũ của công viên, khi giới thiệu về công trình mới, người ta có thể hoàn toàn tự hào nói như sau: “Trước mặt chúng tôi là một trong những công viên lâu đời ở Sài Gòn”. Nhưng bây giờ, nếu nói rằng trước mặt các bạn là một công viên như vậy, người ta sẽ hỏi ngược lại: “Công viên? Có một công viên? Công viên nào? Tôi có thấy công viên nào đâu!”.

Làm gì để không mất thêm không gian công cộng?

Cũng trong bài viết của mình, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Bình cho rằng các vấn đề nhức nhối trong phát triển đô thị tại Việt Nam gần đây – như thiếu đường, bãi đậu xe, diện tích cây xanh, công viên… – đều có nguồn gốc từ thiếu sót trong các khâu quy hoạch, quản lý và bảo vệ hệ thống không gian mở đô thị.

Một trong những nguyên nhân của vấn nạn này lại liên quan trực tiếp đến năng lực của chính các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý không gian công cộng. Do điều kiện kinh tế hiện nay ở Việt Nam, theo kiến trúc sư Bình, nhiều công trình không gian công cộng đang được sử dụng với mục đích tạo thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, chính cơ quan quản lý cũng muốn tạo thu nhập cho mình bằng cách cắt xén diện tích để dùng riêng, cho thuê mặt bằng, thu phí vào cửa hay chuyển đổi chức năng.

Dù cùng mục đích tạo thu nhập, đây là hai vấn đề có bản chất rất khác nhau. Kiến trúc sư Bình lý giải như sau: “Khi không gian công cộng có thể tạo thêm thu nhập cho nhiều người dân khác nhau, thì điều đó có nghĩa rằng không gian công cộng đã góp phần bình ổn xã hội, đỡ đần được những người cần sự hỗ trợ nhất. Nhưng khi tận dụng không gian công cộng để tạo thêm một khoản thu nhập (bán vé hay chuyển đổi chức năng), thực ra các cơ quan quản lý nhà nước đã hy sinh quyền lợi những người yếu thế nhất trong xã hội để phục vụ quyền lợi của một nhóm nhỏ người có lợi thế, làm tăng mâu thuẫn và bất công xã hội”.

Như vậy, trước hết, chính các cơ quan nhà nước phải ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ không gian công cộng cũng như chức năng của mình, và phải thực hiện cho được chức năng đó.

Tương tự, khu vực doanh nghiệp cũng cần ý thức được vấn đề này. Tuy nhiên, xét trình độ Việt Nam ở thời điểm hiện tại, trông chờ vào ý thức của doanh nghiệp là rất khó, mà phải cần đến sự giám sát sát sao của cơ quan quản lý. Trong đó, vấn nạn cắt xén tùy tiện không gian công cộng như công viên, cây xanh trong các dự án phải bị xử lý đích đáng. Nghe nói đã có trường hợp, chủ đầu tư phải mua lại diện tích đã bán cho khách hàng để tái lập khu vực công cộng trong dự án của mình theo thiết kế ban đầu vì cơ quan quản lý kiên quyết không chấp nhận hợp thức hóa vi phạm. Nếu đúng vậy, cách hành xử này cần được nhân rộng.

Về phía người dân, ý thức bảo vệ không gian công cộng cũng quan trọng không kém. Xin kể chuyện bên lề là tại một khu đô thị được xem là “kiểu mẫu” ở Việt Nam, nhiều chủ biệt thự, nhà phố có xu hướng biến lề đường trước nhà thành vườn hoa nhà mình, Họ trồng cây, gieo thảm cỏ chiếm hết lề đường khiến người đi bộ không thể đi trên đó, chẳng khác gì một bản sao thu nhỏ của công viên Chi Lăng. Tư duy lấn chiếm không gian công cộng làm thành của riêng của một số người như vậy cũng rất cần được xóa bỏ.

Công tâm mà nói, chính quyền TPHCM đã có một số bước đi nhằm phát triển không gian công cộng phù hợp với lợi ích công chúng, chẳng hạn xây dựng các con phố đi bộ, hay gần đây nhất là việc khôi phục công viên bến Bạch Đằng.

Tuy nhiên, việc chống lại ảnh hưởng của một số thế lực rất mạnh từ khu vực tư nhằm tránh thu hẹp hơn nữa, hay tốt hơn là mở rộng không gian công cộng, có lẽ cần được đặt lên hàng đầu hiện nay. Phép thử trước mắt là việc thực hiện quy hoạch lại Hồ Con Rùa ở quận 3, và xa hơn là các công trình không gian công cộng ở Thủ Thiêm. Đó là các chỉ dấu cho thấy quyết tâm bảo vệ và phát triển không gian công cộng của chính quyền thành phố – làm thực chứ không phải chỉ nói suông.

Trần Thanh Tâm

Tham khảo:
(1) https://www.ashui.com/mag/tuongtac/phanbien/5688-khong-gian-cong-cong-nhung-van-de-chinh-va-bien-phap-kiem-soat.html
(2) https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/thanh-pho-sang-tao-va-khong-gian-cong-cong-2.html

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo