Ashui.com

Friday
Dec 20th
Home Tương tác Phản biện Tăng trưởng xanh: Đông Nam bộ sẽ thí điểm?

Tăng trưởng xanh: Đông Nam bộ sẽ thí điểm?

Viết email In

Đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế… đang được Chính phủ ưu tiên hàng đầu để thực hiện cam kết COP26…

Phát triển xanh đang là xu hướng tất yếu khi sức khoẻ con người có mối quan hệ tương quan chặt chẽ với môi trường. Thực tế cho thấy, trong 20 năm qua, tỷ lệ dịch bệnh tăng 30% khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Việt Nam hướng đến kinh tế tuần hoàn

Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái sinh học. Tính toán sơ bộ, tổn thất từ thiên nhiên đem đến cho Việt Nam có thể lên đến 11% GDP vào năm 2100.

Đây là thông tin mà TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nêu lên tại diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển”, do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức mới đây tại TP.HCM.


Các diễn giả tại diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển" (Ảnh: SO)

Phát triển kinh tế xanh cho hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn nhiều, cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm so với đầu tư năng lượng hóa thạch.

Do đó, kinh tế xanh đã được nhiều quốc gia trên thế giới định hình và thực hiện từ nhiều năm qua cùng với tài chính xanh cũng phát triển nhanh. Năm 2021, công cụ nợ được phát hành đạt giá trị 1.600 tỷ USD, đưa tổng giá trị thị trường tài chính bền vững đạt mốc 4.000 tỷ USD trên toàn cầu.

Trong đó, phát hành trái phiếu xanh chiếm 38% tổng lượng phát hành năm 2021, trị giá 620 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2020. Các khoản tín dụng bền vững đạt 453 tỷ USD, chiếm 27,5% tổng số phát hành. Phát hành trái phiếu xã hội đạt 210 tỷ USD, chiếm 13%.

TS Cấn Văn Lực cho biết thêm, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã gợi ý cho Việt Nam 5 lĩnh vực ưu tiên để phát triển kinh tế xanh. Cụ thể, Việt Nam cần phát triển nông nghiệp xanh và ứng dụng công nghệ cao. Vì lĩnh vực này đang có lợi thế và chiếm khoảng 14% GDP.

Lĩnh vực nữa là phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững (đô thị đang chiếm 78% tiêu thụ năng lượng và 60 khí thải GHG toàn cầu, theo UB Habitat); chuyển đổi năng lượng sạch; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn (hiện tại, 62% khí thải GHG là từ sản xuất, 38% từ phân phối và tiêu dùng, nhưng cấu trúc này đang thay đổi); gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả (Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có kinh tế biển…).

Nhận thức được tầm quan trọng của xu hướng đó, ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 687 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, với rất nhiều mục tiêu được đặt ra.

Cụ thể, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế; tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ tái chế rác thải, tỷ lệ nội địa hóa của nông sản và công nghiệp xuất khẩu…


(Ảnh minh họa)

Vùng Đông Nam Bộ sẽ làm thí điểm

Để phát triển kinh tế xanh theo mục tiêu nêu trên, điều quan trọng nhất là nguồn lực tài chính.

Mặc dù tài chính xanh dù đã được triển khai tại Việt Nam được gần 10 năm, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ (tín dụng xanh chỉ chiếm 4,2% tổng dư nợ, phát hành trái phiếu xanh còn rất ít…).

Nguyên nhân, theo ông Lực nguồn tài chính cho tín dụng xanh chủ yếu dựa vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế, đi kèm những điều kiện khắt khe. Lượng phát hành trái phiếu xanh ít, việc tuân thủ các nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh cũng không được tốt…

“Để gỡ vướng tài chính, Chính phủ phải vào cuộc đứng ra thu xếp những khoản vay lớn cho cả khu vực, sau đó phân bổ cho các địa phương”, ông Lực nói.

Còn theo PGS.TS. Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Marketing, động lực của tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam từ năm 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng nhà nước hơn là nhu cầu phát triển của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng nhà nước cũng đã phối hợp cùng Công ty tài chính quốc tế (IFC) xây dựng hệ thống “Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội” đối với một số ngành, như: nông nghiệp, hóa chất, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực phẩm và đồ uống, sản xuất may mặc, da và sản phẩm dệt may, dầu khí, xử lý và tái chế chất thải, khai khoáng.. Tuy nhiên, các tài liệu này vẫn chỉ mang tính tham khảo, khuyến khích chứ chưa mang tính bắt buộc phải áp dụng khi đánh giá, thẩm định các dự án.

Để phát triển kinh tế xanh, mỗi năm, Việt Nam cần 8-10 tỷ USD. Nếu muốn thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực này, phải xây dựng luật về kinh tế tuần hoàn để có một cơ chế, khuôn khổ pháp lý mạnh hơn, khuyến khích các mô hình mới... Chỉ bằng cách đó mới thúc đẩy được xu hướng xanh hóa”, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết.

Hiện khu vực Đông Nam bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng đi đầu về đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để phù hợp hơn với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế. Vì vùng này đóng góp 30 % GDP và 40% thu ngân sách của cả nước.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng thách thức lớn nhất của khu vực Đông Nam Bộ, trong đó, đối với doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng theo từng khía cạnh, về vốn hoặc thể chế. Do đó, luật kinh tế tuần hoàn cần có thể chế cụ thể, đặc biệt giải quyết được bài toán liên ngành, nếu không kết nối được các bộ, ngành với doanh nghiệp thì việc phát triển kinh tế xanh rất khó để thực hiện.

Ban Mai

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...