Ashui.com

Saturday
Dec 21st
Home Tương tác Phản biện TP.HCM: Nhà Bè hướng đến mô hình đô thị vệ tinh

TP.HCM: Nhà Bè hướng đến mô hình đô thị vệ tinh

Viết email In

Lựa chọn vị trí là một trong những yếu tố quyết định xác suất thành công của Khu chế xuất Tân Thuận, được xem như viên gạch đầu tiên lót con đường cho đầu tàu kinh tế TP.HCM tiến ra Biển Đông.

Đi trước về sau

Là một trong những thành viên đề xuất với chính quyền TP.HCM thành lập mô hình khu chế xuất, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng đồng thời cũng nhận nhiệm vụ tìm địa điểm xây dựng. Ông bỏ ra một năm khảo sát thực địa, để lại dấu chân từ Cần Giờ đến Thủ Đức, có lúc vượt qua ranh giới hành chính đến Cần Đước (Long An), Nhơn Trạch (Đồng Nai) trước khi dừng bước ở xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè.


Đại biểu tham quan sa bàn quy hoạch xây dựng toàn huyện Nhà Bè tại triển lãm bên lề Hội thảo khoa học tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP.HCM sáng 30/6/2022. (Ảnh: Trung Dũng)

Khu đất 300ha này kế bên cảng Sài Gòn, vừa gần quận 4 và quận 8 sẵn có lực lượng lao động dồi dào, vừa gần trung tâm thành phố đáp ứng nhu cầu hưởng thụ dịch vụ chất lượng cao của nhà đầu tư sau giờ làm. Nhìn xa hơn, “tương lai và sức mạnh” của Nhà Bè được quyết định bởi năm nhánh sông gồm sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, ra biển theo sông Soài Rạp và Lòng Tàu. Nhận dạng địa kinh tế thuyết phục được được lãnh đạo thành phố.

Nhìn thấy cơ hội, nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn đổ tiền vào “vùng đất không chân, thả trâu cũng chìm” như cách nói ví von, hàm ý hoài nghi về khả năng thành công của ý tưởng xây dựng khu chế xuất trên đầm lầy ngập mặn. “Làm giám đốc bốn năm tôi mới xin được cấp phó”, ông Phan Chánh Dưỡng dẫn chứng.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP.HCM sáng 30/6/2022, ông Phan Chánh Dưỡng không quên bày tỏ lòng biết ơn sự ủng hộ nhiệt thành từ thế hệ lãnh đạo Nhà Bè. Giai đoạn khởi đầu nan, chính quyền địa phương trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng khu chế xuất Tân Thuận. Phát triển khu chế xuất cũng là nội dung thường được dành nhiều thời lượng nhất trong những cuộc họp hằng tuần của lãnh đạo địa phương.

Một năm sau khi khởi công Khu chế xuất Tân Thuận, nhà đầu tư bắt đầu xây dựng Phú Mỹ Hưng (1993). Tiếp đến là đại lộ Nguyễn Văn Linh năm 1996. Năm 1997, TP.HCM bất ngờ thành lập quận 7 trên cơ sở tách những khu vực ưu tiên phát triển trước của huyện Nhà Bè, trong đó có Khu chế xuất Tân Thuận và Phú Mỹ Hưng. Quyết định hành chính này khiến người trong cuộc hẫng hụt. Nhà Bè vẫn là “nhà bè”, chưa thành “nhà lầu” như lời hứa của ông Phan Chánh Dưỡng với lãnh đạo Nhà Bè.

Châu về hợp phố

“Trong đầu tôi, quận 7 luôn là một phần của Nhà Bè”, ông Dưỡng tiếp tục theo đuổi tầm nhìn thành phố hướng ra Biển Đông sau Phú Mỹ Hưng, Khu chế xuất Tân Thuận và đại lộ Nguyễn Văn Linh. Qua Long An tìm nước ngọt cho Hiệp Phước. Xây dựng cụm dự án Hiệp Phước gồm cảng nước sâu, nhà máy điện, khu đô thị cảng và khu công nghiệp. Thúc đẩy chương trình nạo vét sông Soài Rạp phục vụ cảng nước sâu. Những mảnh ghép tích lũy trong suốt hơn ba thập niên cộng hưởng với dự án trục lộ Bắc - Nam nối từ cảng Hiệp Phước vào nội thành, kết nối với đường xuyên Á; cao tốc Bến Lức - Long Thành, là những điều kiện thuận lợi để Nhà Bè hướng đến tầm vóc đô thị vệ tinh của TP.HCM.


Các đại biểu tham quan mô hình một dự án nhà ở quy mô lớn ở Nhà Bè. (Ảnh: Trung Dũng)

“Không gian phát triển không phải là không gian hành chính”, TS. Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia TP.HCM), phát biểu. Nhìn về quận 7, ông Vũ cho biết có ba kỳ lân công nghệ (thuật ngữ để chỉ những những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ được định giá trên 1 tỉ USD) đặt trụ sở. Những doanh nghiệp này không chỉ tạo ra hiệu ứng lan tỏa đối với cộng đồng số, mà còn tạo thêm nhu cầu về dịch vụ chất lượng cao. “Làm việc, tiêu dùng, giải trí ở quận 7 nhưng lao động cấp cao này có thể lựa chọn nơi ở gần quận 7”, ông Vũ hàm ý về cơ hội của Nhà Bè.

Khép lại Hội thảo, PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - thống nhất với chủ tọa đoàn không đưa ra kết luận. Sự thận trọng của ông Ngân là cần thiết khi mà nội dung thảo luận đã vượt qua địa giới hành chính của huyện Nhà Bè. Ông Ngân cho biết Ban tổ chức sẽ tập hợp ý kiến đóng góp thành bản báo cáo trình lãnh đạo thành phố xem xét. Đề cập đến hội thảo tại quận 7 hôm 28.6.2022 mà mình có tham luận, ông Ngân nhắc lại quan điểm Nhà Bè và quận 7 cần liên kết với nhau: “Chúng ta có liên kết vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì trong thành phố chúng ta không lý do gì mà chia cắt địa giới hành chính”.

Quận 7 là chủ thể được nhiều diễn giả quan tâm nhưng đáng tiếc là hội thảo không ghi nhận ý kiến từ đại diện đơn vị hành chính này.

Trong trường hợp cấp có thẩm quyền chấp thuận mô hình phát triển cho Nhà Bè, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM - lưu ý công tác triển khai quy hoạch. Bà nói: “…Đã là quy hoạch, chiến lược thì dù cho cấp ủy của cấp này, của nhiệm kỳ này hay là cấp ủy của ba nhiệm kỳ tới, chính quyền của nhiệm kỳ này hay ba, bốn, năm, sáu, mười nhiệm kỳ tới phải tuân thủ nếu như nó còn phù hợp với thực tiễn.

Ghi dấu ấn nhiệm kỳ (…) bằng cách triển khai quy hoạch, chiến lược hiệu quả chứ không phải thay đổi nó theo ý chí cá nhân. Đấy là vấn đề mà tại sao chúng ta làm quy hoạch hoài mà cứ mỗi nhiệm kỳ lại thay đổi, làm mất thời gian, mất nguồn lực, và mất luôn khả năng, cơ hội phát triển. (Nguyên nhân) chính là muốn ghi dấu ấn cá nhân không phù hợp”.

Hội thảo khoa học “Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TPHCM” diễn ra sáng 30/6/2022, do UBND huyện Nhà Bè phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức. Trong thời gian chuẩn bị tổ chức hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 30 bài tham luận, trong đó có trên 20 bài tham luận khoa học đáp ứng mục tiêu, yêu cầu tổ chức hội thảo.

Các bài viết tham luận đã tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Cơ sở lý luận và pháp lý cho sự hình thành, phát triển của đô thị vệ tinh nói chung và huyện Nhà Bè nói riêng; những tiềm năng và lợi thế của huyện Nhà Bè trong định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh của TP và các kiến nghị, giải pháp đối với sự phát triển của huyện trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo Bí thư Huyện ủy Nhà Bè - ông Dương Thế Trung, cho biết trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành và phát triển như khu đô thị mới Nhơn Đức - Phước Kiển, các dự án thương mại kết hợp nhà ở dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ, Khu dự án biệt thự Lavila Phước Kiển… và đặc biệt là Khu công nghiệp - Cảng Hiệp Phước tại xã Long Thới và xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, với diện tích toàn khu hơn 1.700 ha, thu hút 194 dự án đầu tư, trong đó có 117 dự án đang hoạt động, tạo việc làm trên 10.000 lao động tại địa phương và các vùng lân cận.

Theo ông Trung, Hội thảo này là điều kiện để huyện Nhà Bè đánh giá thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội; tiềm năng, lợi thế; những thời cơ, khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến định hướng của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP, sở, ngành TP; lãnh đạo các quận, huyện; tiếp thu các giải pháp, đề xuất cơ chế, chính sách của các chuyên gia, các nhà khoa học, các góp ý tư vấn của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Đó là những luận cứ khoa học quan trọng, làm cơ sở tư vấn quyết sách trong định hướng phát triển chung của huyện nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của huyện, thu hút và cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Nhà Bè trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM, đô thị sinh thái, sông nước và phát triển bền vững”, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè cho biết.

Anh Khuê

(Người Đô Thị)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...