Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Tương tác Góc nhìn Hợp tác công tư cho sân Mỹ Đình?

Hợp tác công tư cho sân Mỹ Đình?

Viết email In

Phát biểu tại hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến vấn đề đẩy mạnh đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư. Theo đó, PPP không chỉ gói gọn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông mà rộng hơn như quản lý công viên, nhà khách, sân vận động, bảo tàng…

Nhắc đến tình trạng của sân vận động quốc gia Mỹ Đình, lãnh đạo Chính phủ cho hay đã gợi mở Ban quản lý Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình xây dựng đề án để triển khai hợp tác công tư, tránh chỉ trông chờ vào tiền nhà nước.

Đây có lẽ là giải pháp giúp giải quyết sự bế tắc trong vấn đề tài chính mà Ban quản lý sân Mỹ Đình đang phải đối mặt.


Mặt cỏ sân Mỹ Đình vàng úa, xơ xác dù được chăm sóc thường xuyên sau những phản ánh không tốt trong thời gian gần đây (Ảnh: Mạnh Quân)

SVĐ Mỹ Đình được xây dựng với tổng kinh phí 53 triệu USD, tương đương 1.300 tỷ đồng, tính theo thời giá 2003; cung Thể thao dưới nước được xây với kinh phí 240 tỷ đồng. Nắm giữ trong tay hai cơ sở vật chất được đầu tư lớn vào thời điểm xây dựng, lại ở vị trí đất vàng, nhưng cho đến năm 2022, Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình đang nợ thuế với tổng số tiền hơn 800 tỷ đồng.

Tình trạng mặt sân cỏ xuống cấp trong những trận đấu AFF Cup vừa qua chỉ là một trong những vấn đề thể hiện những sự bất cập trong quản lý, khai thác sân Mỹ Đình.

Mỗi trận đấu ở Mỹ Đình phải chi 200 triệu đồng tiền thuế đất; 200 triệu tiền điện; 100 triệu tiền thuế; 80 triệu trả nợ xấu; 100 triệu khấu hao tài sản; 120 triệu tiền phân bón chăm sóc cỏ; 100 triệu tiền làm thêm ngoài giờ. Tổng cộng 900 triệu đồng. Nhưng số thu mỗi trận chỉ 800 triệu đồng. Chưa kể các khoản tiền nợ thuế đất do các hợp đồng cho tư nhân thuê mặt bằng với giá rẻ khó hiểu mà lãnh đạo Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình các nhiệm kỳ trước đã ký.

Tại hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trên, ngoài việc đề nghị tìm giải pháp PPP cho sân vận động Mỹ Đình, Thủ tướng còn đề cập đến việc công viên Thống Nhất nhiều năm qua xập xệ dù có bộ máy rất đông người tham gia vào công tác quản lý và dọn dẹp vệ sinh. Lãnh đạo Chính phủ nêu vấn đề tại sao không đấu thầu cho doanh nghiệp quản lý công viên? Nhà nước chẳng mất gì cả, nếu doanh nghiệp làm tốt thì để cho họ làm, nếu không thì thu hồi. 

Trở lại với sân vận động Mỹ Đình, vì đây là công trình đã xây xong nên theo tôi hình thức hợp đồng PPP hợp lý nhất lúc này là Kinh doanh - Quản lý (Operate - Manage, O&M).

Việc này nghĩa là sẽ cho một doanh nghiệp tư nhân được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý sân Mỹ Đình trong một khoảng thời hạn nhất định, hết thời hạn thì trả lại cho Nhà nước.

Doanh thu của sân sẽ được Nhà nước và doanh nghiệp chia nhau. Phương án chia thì tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên, thường là theo tỷ lệ phần trăm doanh thu hoặc kết hợp giữa mức cố định và tỷ lệ doanh thu vượt dự toán. Thời điểm trả tiền cũng sẽ thỏa thuận, có thể trả trước, có thể trả sau.

Theo Luật PPP, Nhà nước bắt buộc phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Khi một nhà đầu tư muốn vào một dự án như vậy, họ sẽ có nhu cầu sửa sang hoặc xây dựng thêm một số hạng mục nhỏ. Với sân Mỹ Đình thì có thể nhà đầu tư sẽ muốn ôm luôn dịch vụ trông xe và ăn uống (vì hai dịch vụ này có doanh thu) hoặc có thể cải tạo công trình để nâng cao chất lượng, phù hợp hơn với nhu cầu thuê địa điểm tổ chức sự kiện. Các công trình này sau khi hết hợp đồng sẽ được bàn giao lại, nên nhà đầu tư phải tính vào chi phí của dự án.

Đến đây sẽ có một cái vướng về pháp lý, bởi pháp luật hiện không rõ là hình thức hợp đồng O&M có cho phép cấu phần xây dựng thêm hay không (tên hợp đồng không có chữ B như các loại hợp đồng BOT, BTO, BOO, BLT, BTL...).

Nên để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, có lẽ cấp có thẩm quyền cần ra thêm một văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể hơn, tránh rủi ro về pháp lý cho doanh nghiệp. Một cơ chế cởi mở với các chỉ dẫn rõ ràng chắc chắn sẽ giúp sân vận động Mỹ Đình thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp muốn đầu tư vào đây.

Và chúng ta sẽ có một sân vận động quốc gia với mặt cỏ xanh tươi.

Nguyễn Minh Đức

Tác giả: Nguyễn Minh Đức lấy bằng Cử nhân Luật tại Đại học Luật Hà Nội và Thạc sĩ Chính sách Kinh tế tại Đại học Columbia - Hoa Kỳ; hiện anh công tác tại Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

(Dân Trí)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo