Ashui.com

Thursday
May 02nd
Home Tương tác Góc nhìn Niềm tin hay lòng tham?

Niềm tin hay lòng tham?

Viết email In

Với nhiều người, năm 2022 là một năm thật buồn vì bị thua lỗ hay thậm chí mất trắng ở trái phiếu hay tiền mã hóa. Có nhiều trường hợp dù kỳ vọng lợi nhuận hợp lý mà vẫn bị mất mát vì tin tưởng ở người trung gian, ở nơi mà mình gửi gắm. Nỗi buồn thua lỗ cộng với niềm tin bị đánh cắp sẽ tạo ra một vết thương tâm lý khó lành, rồi sẽ là một vết sẹo tâm lý. Và như vậy có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để niềm tin quay trở lại.


Trong giai đoạn năm 2020-2021, nhóm ngành phát hành nhiều nhất là bất động sản và ngân hàng. (Ảnh: N.K)

Từ chuyện trái phiếu trong nước

Kể từ năm 2019, lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tăng đột biến. Theo số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) thì năm 2019 phát hành khoảng 325.000 tỉ đồng, gấp đôi so với năm trước đó. Qua năm 2020 khối lượng phát hành là 462.000 tỉ đồng và qua năm 2021 đỉnh cao là 659.000 tỉ đồng. Như vậy sau ba năm, lượng trái phiếu phát hành tăng hơn 4 lần.

Tuy vậy, lượng trái phiếu phát hành qua kênh đại chúng chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, chỉ từ 5-7% tổng khối lượng phát hành. Điều này cũng có nghĩa là lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm gần như tuyệt đối. Trong giai đoạn năm 2020-2021, nhóm ngành phát hành nhiều nhất là bất động sản và ngân hàng, và chỉ riêng hai ngành này đã chiếm khoảng 70% tổng khối lượng phát hành.

Một điểm đáng lưu ý là phần lớn trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp không niêm yết với tình hình sức khỏe tài chính không được công bố rộng rãi nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và vì vậy mà lãi suất phát hành trung bình cũng có phần nhỉnh hơn lãi suất huy động của ngân hàng. Như trong năm 2021, lãi suất phát hành bình quân là 7,75%/năm trong khi lãi suất huy động 12 tháng của nhiều ngân hàng ở mức 6-6,5%/năm.

Lẽ thường, trái phiếu phát hành riêng lẻ là dành cho các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán là những nhà đầu tư sơ cấp lớn, nhưng sau đó lại phân phối trên thị trường thứ cấp cho các nhà đầu tư cá nhân. Cá biệt có những trường hợp còn thể hiện dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư.

Những trường hợp nhận thức được mình đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, có mức độ rủi ro cao hơn việc gửi ngân hàng nên lãi suất cao hơn ở mức độ chấp nhận được là hợp lý, bởi vì có những doanh nghiệp phát hành là doanh nghiệp lớn, hoạt động kinh doanh vẫn đang bình thường, khả năng thanh toán lãi định kỳ vẫn bảo đảm.

Để thị trường vận hành thì chỉ niềm tin là không đủ bởi vì vấn đề bất cân xứng thông tin sẽ tạo điều kiện cho một bên trục lợi bên còn lại. Và do đó các quy định pháp luật và giám sát là điều hết sức quan trọng và cần thiết.

Nhưng rồi vụ việc trái phiếu của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã khiến thị trường trái phiếu chao đảo. Khi vỡ lở ra thì nhiều người mới biết rằng mình đã mua trái phiếu doanh nghiệp chứ không phải gửi tiết kiệm có lãi suất cao như lời nhân viên giao dịch của ngân hàng hay công ty chứng khoán giới thiệu. Nhiều trường hợp sổ tiết kiệm đáo hạn, nhân viên ngân hàng giới thiệu một hình thức tiết kiệm khác có lãi suất cao hơn thay vì thông tin cho khách hàng biết đó là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Nếu nói là đầu tư hay cho doanh nghiệp vay tiền thì nhiều người sẽ cảm thấy không an toàn bằng gửi tiền tiết kiệm cho ngân hàng, cho nên lãi suất có cao hơn cũng chưa chắc thuyết phục được một số người gửi tiền. Nhưng vì tin tưởng ngân hàng, tin tưởng nhân viên giao dịch nên không ít người đã ký hợp đồng để tham gia một loại hình tiết kiệm khác có lãi suất cao hơn bình thường.

Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa biết khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của mình đi về đâu, vì tiền lãi đã bị chậm thanh toán còn tương lai vốn gốc có được hoàn lại hay không thì mịt mờ. Nhưng bút sa gà chết, quyền và nghĩa vụ của các bên phải tuân thủ theo pháp luật và các điều khoản của hợp đồng. Mà điều này là hoàn toàn bất lợi cho người mua trái phiếu vì có đọc được hết hợp đồng mua bán trái phiếu đâu. Có khi biết là mua trái phiếu mà không biết đó là trái phiếu loại nào.

Đến chuyện tiền mã hóa trên thế giới

Cú sụp đổ của đồng Luna đã khiến cho một bộ phận của giới đầu tư tiền mã hóa cảm thấy bất an nhưng hệ lụy không nghiêm trọng cho đến khi vụ việc sàn FTX và Sam Bankman-Fried (SBF) nổ ra với sức công phá kinh khủng của nó. Vốn hóa của thị trường tiền mã hóa đã giảm hơn 200 tỉ đô la Mỹ, các nhà làm luật bắt đầu lên tiếng cứng rắn hơn với tiền mã hóa và rất nhiều nhà đầu tư đã tạm rút các khoản tiền của mình về ví cá nhân.

Giới đầu tư tiền mã hóa coi SBF như một “ông vua” khi trong tay nắm quỹ đầu tư Alameda Research có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn với các dự án có liên quan đến tiền mã hóa và sàn giao dịch tập trung FTX, một trong những sàn có giá trị giao dịch trong 24 giờ lên đến hàng trăm tỉ đô la Mỹ

Nhiều nhà đầu tư thông qua sàn giao dịch FTX thực hiện cho vay hay tham gia cơ chế tạm khóa và nhận thưởng (staking) vì tin tưởng ở quy mô và uy tín của sàn cũng như của cá nhân SBF. Nhưng vì bất đồng với một số nhân vật cộm cán khác trong giới tiền mã hóa, đặc biệt là CZ của Binance, nên sau thông báo của CZ thì có quá nhiều yêu cầu rút tiền đột ngột ra khỏi sàn FTX, khiến cho sàn bị rơi vào tình trạng “bank run”.

FTX bị mất thanh khoản mới vỡ lở ra là đã thông đồng với quỹ Alameda, quỹ này vay và đòn bẩy được sử dụng quá đà, và SBF đã sử dụng sai mục đích tài sản của khách hàng. Tiếp theo đó, FTX đã làm thủ tục phá sản, SBF đã bị bắt ở Bahamas, và rất có thể bị dẫn độ về Mỹ.

Hai câu chuyện ở trên có một điểm chung là trước khi đổ vỡ, những tổ chức như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FTX và cá nhân như SBF có nhiều uy lực và uy tín khiến cho nhà đầu tư tin tưởng, cũng như sự tin tưởng của người dân đối với nhân viên ngân hàng hay công ty chứng khoán trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Niềm tin hay lòng tham?

Trong đầu tư, lợi nhuận kỳ vọng cao đi liền với rủi ro cao là nguyên tắc cơ bản mà ai tham gia cũng phải biết hoặc nên biết. Vì vậy, với nhiều người, việc mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng, công ty chứng khoán, hay để tài sản ở trên sàn FTX là câu chuyện của niềm tin hơn là lòng tham. Bởi nếu vì lòng tham, họ có thể chọn lựa những hình thức rủi ro hay mang tính đầu cơ hơn có rất nhiều trên thị trường.

Con người duy lý ai cũng mong muốn có một kết quả tốt hơn trên cùng một đơn vị rủi ro nên nếu xem đó là lòng tham thì cũng có thể chấp nhận được, nhưng nó phải ở trong một mức độ hợp lý, không thể quá chênh lệch với mức trung bình của thị trường. Lấy ví dụ như mức độ rủi ro tương tự nhau mà lợi nhuận kỳ vọng chênh lệch hàng chục phần trăm hay vài lần thì không thể chấp nhận được. Trong trường hợp các lựa chọn gần như nhau thì nhà đầu tư sẽ ưu tiên hơn cho nơi tạo được niềm tin nhiều hơn.

Nhưng để thị trường vận hành thì chỉ niềm tin là không đủ bởi vì vấn đề bất cân xứng thông tin sẽ tạo điều kiện cho một bên trục lợi bên còn lại. Và do đó các quy định pháp luật và giám sát là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Cần các chế tài và xử lý nghiêm hành vi vi phạm để có tính răn đe và ngăn chặn các hành vi trục lợi, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Sau sự cố trái phiếu Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được điều chỉnh và có thể còn được cập nhật trong thời gian tới. Thị trường tiền mã hóa sau cú sụp đổ của FTX cũng bắt đầu khắt khe hơn đối với tính minh bạch của các sàn giao dịch, nhất là các sàn giao dịch tập trung (CEXs). Cụ thể, các sàn phải minh bạch hơn dự phòng, tài sản của mình cũng như hoạt động với vai trò nhà tạo lập thị trường của mình.

Chi phí của việc tạo lập và duy trì niềm tin là không hề nhỏ trong xã hội vì lòng tham, sự chủ quan luôn gắn với con người. Và chỉ có Nhà nước mới có đủ quyền lực và vai trò để điều chỉnh và giám sát. Nhưng cũng vì thế mà yêu cầu sự chủ động và dự báo của các nhà hoạch định chính sách để tránh tình trạng các quy định pháp luật không theo kịp thực tế.

PGS.TS. Võ Đình Trí

(KTSG Online)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo