Trong báo cáo hằng năm lần đầu tiên về Tình trạng nguồn nước toàn cầu, vừa được Tổ chức Khí tượng Thế giới - WMO của Liên Hợp Quốc công bố nêu rõ, tất cả các khu vực trên toàn cầu đã hứng chịu các hiện tượng cực đoan liên quan tới nước trong năm ngoái, bao gồm cả tình trạng lũ lụt và hạn hán và hàng tỷ người đã không có đủ nước ngọt để sử dụng.
Báo cáo nêu rõ những thay đổi về lượng nước trong các hồ chứa tác động tới việc sản xuất lương thực, sức khỏe cũng như thế giới tự nhiên. Khoảng 1,9 tỷ người đang sống tại những khu vực nơi nguồn nước uống được lấy từ các sông băng và từ tuyết tan, nhưng những sông băng này đang tan chảy ngày càng nhanh. Khoảng 3,6 tỷ người đang đối diện với tình trạng không có đủ nước ngọt để dùng ít nhất một tháng mỗi năm. Dự báo, con số này sẽ tăng lên hơn 5 tỷ người vào năm 2050.
Trước sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế, nước đang ngày càng bị khai thác và sử dụng vượt quá lượng có thể phục hồi. Đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Cạn kiệt nguồn nước, gia tăng về nhu cầu nước sạch, suy giảm về chất lượng nguồn nước đang là những thách thức toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Trong khi đó, với nhu cầu về nước ngày càng gia tăng theo đà tăng trưởng dân số, lượng nước ngầm đang bị khai thác đang vượt xa khả năng phục hồi.
Ở một diễn biến tương tự, Ngân hàng Thế giới - WB đã đưa ra những cảnh báo, tác động từ việc biến đổi khí hậu có thể khiến tăng trưởng GDP của các quốc gia giảm tới 6%, nếu họ không kiểm soát được nguồn nước của mình. Các nguồn nước không được quản lý tốt nhiều khả năng sẽ tác động tới sức khỏe của người dân và nông nghiệp của vùng bị ảnh hưởng, đẩy giá lương thực lên cao. Điều này có nguy cơ thổi bùng những xung đột tiềm ẩn và đẩy mạnh làn sóng di cư. Để tránh một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong tương lai, có lẽ cách khả quan nhất là loài người phải đánh giá lại cách thức sử dụng, phân bổ nguồn nước và đưa ra những quyết định có ý nghĩa chiến lược về nước theo hướng chuyển từ mở rộng nguồn cung sang hạn chế nhu cầu. Nghĩa là thay vì tiếp tục làm cạn kiệt nguồn nước tìm cách vay thêm từ "ngân hàng nước", chúng ta cần sử dụng tiết kiệm khoản đã vay, điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp với nguồn cung nước có hạn, đang bất ổn và dần bị thu hẹp. Đồng thời, các chính phủ cần đưa ra các chính sách khí hậu phù hợp với thực tế về nguồn nước.
Chúng ta đã có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu chúng ta hiểu rõ hơn những nguy cơ thực sự đang phải đối mặt. Và đây là lúc chúng ta cần hiểu rõ những nguy cơ liên quan đến nguồn nước và áp dụng mọi giải pháp để bảo vệ nguồn nước.
Nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng bỏng của không riêng một quốc gia nào. Cho đến hôm nay, các dự báo về tình hình cạn kiệt tài nguyên nước trên thế giới hàng năm vẫn liên tiếp được đưa ra. Và nếu không có sự chung sức, cùng hành động vì an ninh nguồn nước, tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng, đặc biệt, khi quy mô các hoạt động sản xuất gia tăng, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác một cách trầm trọng và các thành phố lớn ngày càng một phình rộng.
Nước vô giá nhưng không vô tận và là một trong những loại hình tài nguyên đặc biệt, thiết yếu nhằm phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vì vậy, bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề cấp thiết, trách nhiêm hiện nay đối với mỗi quốc gia trên thế giới.
Phương Anh
(Báo Tài Nguyên & Môi Trường)
- TPHCM: Phát triển mạnh nhà cao tầng sẽ sắp xếp lại đô thị
- Độc đáo lối sống xanh của cô gái Mỹ: 4 năm thải ra số rác vừa một lọ 0,5kg
- Giành lại vỉa hè: Hà Nội đừng đánh trống bỏ dùi!
- Hai dự án điểm sáng
- Hỗ trợ nhu cầu nhà ở xã hội hay "giải cứu" thị trường bất động sản?
- Niềm tin hay lòng tham?
- Từ phố thị lên non cao
- Sài Gòn trong tôi
- Cần thay đổi tư duy về sự thay đổi
- Phải chấm dứt nỗi ám ảnh của chúng ta về tăng trưởng