Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Sài Gòn trong tôi

Sài Gòn trong tôi

Viết email In

Lần đầu tiên tôi tới Sài Gòn là tròn 20 năm trước. Chuyến đi đầu tiên tất nhiên là nhiều ngỡ ngàng, nhiều kỷ niệm và thật khó quên. Ấn tượng đầu tiên của tôi là những tòa cao ốc. Ở thời điểm đó, khi mà Hà Nội của tôi chỉ có vài tòa nhà cao trên dưới 20 tầng thì những cao ốc Sài Gòn cao mấy chục tầng quả là mới mẻ, lạ lẫm và đầy cuốn hút.

Ấn tượng tiếp theo là những con đường thênh thang, những ngã 5, ngã 6 nườm nượp người xe đến hoa cả mắt. Anh bạn tôi, người Bắc vào Sài Gòn làm việc, cho tôi mượn chiếc xe máy để ngao du, dặn: qua giao lộ cẩn thận nhìn tên đường, nhầm một cái là đi vài cây số mới vòng lại được, và hãy nhìn những cao ốc để định hướng. Tôi sắm một chiếc bản đồ, và vạch những hành trình trên chiếc bản đồ ấy. Chiếc bản đồ ấy tôi vẫn giữ tới giờ. 20 năm, Sài Gòn đã thêm bao nhiêu con đường, bao nhiêu tòa nhà, bao nhiêu cây cầu nữa. Tấm bản đồ ấy đã quá lạc hậu nhưng tôi vẫn đem theo mỗi khi tới Sài Gòn. Bây giờ người ta dùng Google Map, định vị vệ tinh, mấy ai còn dùng bản đồ giấy nữa, nhưng với tôi vẫn là một thói quen khó bỏ.

Lần đầu tiên ấy, tôi tới Sài Gòn bằng đường bộ. Và phải tới gần 10 năm sau, tôi mới quay lại Sài Gòn, và bằng đường hàng không. Khi bay trên bầu trời Sài Gòn, tôi mới ngỡ ngàng nhận thấy thành phố nằm bên dòng sông uốn khúc tuyệt đẹp, và cơ man những kênh rạch chằng chịt, cùng những cây cầu. Tôi đã dần quen với một Sài Gòn sông nước. Tôi đã hiểu và đã quen với những tên bến: Bến Thành, Bến Nghé, bến Chương Dương, bến Hàm Tử, bến Bình Đông…; quen với con sông Sài Gòn và những dòng kênh: kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé, rạch Lò Gốm…. Tôi đã quen với những cây cầu trên những chặng đường lãng du: cầu Bình Triệu, cầu Bình Lợi, cầu Ông Lãnh, cầu Calmette, cầu Khánh Hội, cầu Mống, cầu chữ Y… - những cây cầu lịch sử; rồi sau này là cầu Thủ Thiêm, cầu Bình Lợi 2, cầu Phú Mỹ… Tôi đánh dấu những cây cầu mới trên tấm bản đồ cũ như để ghi lại một chặng đường qua với những đổi thay. Nhiều năm trước, nhiều dòng kênh Sài Gòn tưởng như đã chết, gắn liền với những “xóm nước đen”. Thật diệu kỳ và may mắn, đã có những dòng kênh hồi sinh, đem lại môi trường trong lành và vẻ đẹp cho thành phố. Nhưng vẫn còn đó những nơi chưa được như thế, vẫn còn những xóm nghèo lam lũ. Có lẽ để đổi thay vẫn cần thêm nữa thời gian… 

Nếu như, ấn tượng đầu tiên về Sài Gòn là những tòa cao ốc hiện đại, thì sau đó, những công trình lịch sử nơi đây lại để lại những dấu ấn khó quên, mà mỗi lần tới Sài Gòn, tôi không thể bỏ qua, dù đi qua, hay vào trong, chụp ảnh hàng chục lần. Mỗi lần đứng trước các công trình ấy luôn có cảm xúc mới mẻ, đầy háo hức. Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố (Tòa Đô chánh Sài Gòn cũ), Nhà hát thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật (Nhà chú Hỏa cũ), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Bảo tàng Nam Kỳ cũ), Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh (Dinh Gia Long cũ), chợ Bến Thành… - những công trình cả trăm năm tuổi vẫn đẹp lộng lẫy. Và đặc biệt là những công trình do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế của một thời chưa xa nhưng rất “chất” - một chất rất riêng của Sài Gòn nhiệt đới: Dinh Độc Lập, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Trụ sở Ngân hàng Công thương, Viện Trao đổi văn hóa Pháp… Nói về kiến trúc, thì không ngoa, Sài Gòn vẫn là đầu tầu của cả nước. Những thế hệ công trình nối tiếp nhau làm nên một Sài Gòn hiện đại, đổi mới nhưng vẫn hài hòa, mang một nét riêng khó lẫn. Đền tưởng niệm Bến Dược, Trung tâm Hành chính quận 10, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh, Đền tưởng niệm Vua Hùng, Nhà thiếu nhi thành phố… là những công trình của thời kỳ phát triển đem lại sự đầy đặn cho một thành phố năng động và hoa lệ. Cùng với những công trình lịch sử, công trình hiện đại là một di sản kiến trúc qúy báu ở khu Chợ Lớn, quận 5. Nơi đó là một không gian văn hóa - tâm linh mang đậm dấu ấn của người Hoa; nhưng đã hòa nhập cùng một Sài Gòn rất “mở” để tạo nên một Sài Gòn đa diện trong kiến trúc và văn hóa.

Ở góc độ quy hoạch và phát triển đô thị, thì Phú Mỹ Hưng là một nơi cũng gây ấn tượng và đem lại nhiều cảm xúc với tôi. Lần nào tới Sài Gòn, tôi cũng phải “lượn” sang bên ấy để xem có gì mới, có gì hay. Phú Mỹ Hưng là đô thị kiểu mẫu, hiện đại bậc nhất cả nước, điều đó ai cũng biết. Nhưng nói về kiến trúc, thì nó là tiên phong. Trong khi nhiều khu đô thị mới ở Hà Nội hay nhiều tỉnh thành khác vẫn mê đắm với những kiến trúc giả cổ, kiểu như “Tân cổ điển” thì Phú Mỹ Hưng là một hình mẫu tiêu biểu mang màu sắc và bản sắc hiện đại; mang dấu ấn của thời đại, trên một quy hoạch khoa học, khoáng đạt và giàu tính nhân văn.

Tới Sài Gòn, tôi thường ở khu phố Tây ba lô. Ban đầu, tôi không có chủ đích gì, chỉ là ở lần quay lại Sài Gòn hơn 10 năm trước, người bạn Sài Gòn đặt phòng giúp tôi ở đó. Thế rồi tôi thích, rồi quen, ở riết đó không thay đổi. Ngoài yếu tố nó là trung tâm của trung tâm (quận 1) thì nó có một không khí thật đặc biệt. Ở đó, có mọi lứa tuổi, mọi thành phần, mọi quốc tịch, mọi màu da, đem lại một hơi thở cuộc sống kỳ lạ. Buổi tối, trên các con phố Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu, Đề Thám… của khu phố Tây ba lô không khí thực sự như ngày hội, dường như muốn buồn cũng không được. Những hàng quán vỉa hè san sát, ken kín người, những quán bar ồn ào tiếng nhạc, những bước chân trên phố, những ánh đèn biển hiệu nhấp nháy… tạo nên một góc nhỏ Sài Gòn đầy ma lực và quyến rũ. Nhưng cũng ở đó, có sự thầm lặng của những người bán hàng rong, những người chạy xe ôm, xích lô, những người bán vé số. Sự đối lập của một Sài Gòn ồn ào, phù hoa và nghèo khó vẫn tồn tại như một lẽ tự nhiên của đời sống. Nhưng cũng ở đó, là sự hiếu khách, chan hòa, là những nụ cười, là sự thân thiện không biên giới. Rõ ràng, ở đấy có một nét văn hóa rất riêng, một cuộc sống rất riêng. Không phải ngẫu nhiên mà cách đây vài năm chính quyền thành phố đã thiết lập phố đi bộ Bùi Viện, để đem lại một điểm đến du lịch - văn hóa giàu sức hút hơn. Xem những hình ảnh phố Bùi Viện trong dịp World Cup 2022 - đặc biệt là trận chung kết khi Argentina lên ngôi vô địch, thấy rõ một “cộng đồng quốc tế” lan tỏa mạnh như thế nào.

Không gian Sài Gòn yêu thích nhất của tôi là Công trường Công xã Paris. Xếp lịch đi Sài Gòn, tôi luôn phải có một ngày chủ nhật, để sáng chủ nhật tới đó. Sáng chủ nhật ở đây luôn đẹp và cuốn hút một cách khác thường. Tôi vào nhà thờ Đức Bà, đứng phía sau nghe những giáo dân cầu kinh. Dù là dân ngoại đạo nhưng với tôi, không gian ấy, không khí ấy luôn mang tới sự bình yên, thanh thản và thiện lành. Nhà thờ đẹp, thì thôi, khỏi nói nữa. Nhưng không gian phía trước nhà thờ mới tuyệt vời làm sao. Giữa một thành phố ồn ào náo nhiệt đầy người và xe, có một không gian thanh bình với đàn chim câu tung cánh bay liệng, dưới chân tượng Đức Mẹ chúng sà xuống chơi với người - cảnh tượng ấy có lẽ ở nơi này mới có. Quanh nhà thờ, và phía bên trái trước nhà bưu điện, những đôi uyên ương ríu rít chụp ảnh cưới; những bạn học sinh, sinh viên mặc đồng phục hân hoan chụp ảnh kỷ yếu, những du khách làm dáng chụp ảnh lưu niệm. Lùi chút về phía sau là phố sách Nguyễn Văn Bình - một không gian văn hóa thanh lịch. Phía bên phải nhà thờ - công viên 30/4 rộn rã tiếng cười của những bạn trẻ bên ly cà phê bệt; trên vỉa hè vài chú bé trượt patin… Tất cả làm nên một không gian Sài Gòn rất đặc biệt, đầy sức sống, gây ấn tượng khó quên!

Sài Gòn trong tôi, bắt đầu là những mới mẻ, bất ngờ, rồi trở thành quen thuộc, thân thiết, thành nỗi nhớ, kỷ niệm, ký ức khó quên. Có quá nhiều điều để nhớ, để kể, để viết. Nhưng có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không nói về người Sài Gòn. Thế nào là người Sài Gòn? Câu hỏi này đã được hỏi quá nhiều! Với tôi, và với nhiều người, người Sài Gòn không phân biệt gốc gác, cứ ở Sài Gòn và thấm đẫm chất Sài Gòn là thành người Sài Gòn, không cần “thâm niên”. Tôi có nhiều bạn bè ở Sài Gòn, chẳng có ai gốc Sài Gòn cả; người Hà Nội, người Hải Dương, người Nam Định, người Hà Tây, người Nha Trang, người Bình Định, người Bến Tre… - miền Bắc, miền Trung, miền Tây đủ cả; nhưng tất cả là người Sài Gòn - theo nghĩa ấy. Nói về người Sài Gòn thì nhiều lắm: Người Sài Gòn hào hoa, lịch lãm, phóng khoáng, nghĩa tình... Với tôi, lại có ấn tượng và những kỷ niệm về người Sài Gòn giản dị, khiêm nhường. Tôi tới những quán cà phê, nhà hàng, hay các dịch vụ; thường được gọi là anh, dù những người lễ tân, phục vụ hơn tuổi. Người Sài Gòn dường như luôn nhún mình hơn trong xưng hô giao tiếp. Một kỷ niệm tôi nhớ không quên, là một lần ở phố Tây Bùi Viện, tôi đi tới một chú xe ôm đã nhiều tuổi nhờ chú chở đi, thì chú cũng chủ động mời chào tôi và gọi em xưng anh. Tôi thấy vậy cũng không gọi chú nữa mà gọi anh. Lúc lên xe, tôi bảo dừng lại chờ chút để mua gói thuốc. Tôi qua xe hàng rong ngay đó bảo người bán: “Cô cho con gói thuốc!” (tôi đã có thói quen xưng con với người lớn tuổi từ khi tới Sài Gòn). Lúc lên xe, anh xe ôm bảo: “Vợ anh đấy!”. Ôi, thật quá dễ thương!


Sài Gòn với những tòa cao ốc hiện đại đan xen một cách hài hòa với các công trình kiến trúc cũ. Không riêng gì tác giả bài viết, với rất nhiều người, Sài Gòn là ký ức, là miền nhớ thương thường trực, cũng là những khát khao của tương lai, trong những hành trình mới, những cuộc gặp gỡ mới.

Sài Gòn trong tôi, có lẽ chẳng bao giờ là đủ. Sài Gòn là ký ức, là miền nhớ thương thường trực, cũng là những khát khao của tương lai, trong những hành trình mới, những cuộc gặp gỡ mới. Sài Gòn như một người tình quyến rũ và gắn bó mà tôi biết chỉ có thể xa mà không thể rời bỏ. Đến, rồi đi, rồi nhớ, rồi trở lại...; cứ thế, “nàng” là một phần cuộc sống của tôi. Đã đi qua bao miền đất nước, nhưng đây là nơi duy nhất tôi không đắn đo, để những kỷ niệm cứ chất đầy năm tháng.

“Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!”.

Nguyễn Trần Đức Anh - Ảnh: Phan Huy Hồng Đức

(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 200)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo