Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Giành lại vỉa hè: Hà Nội đừng đánh trống bỏ dùi!

Giành lại vỉa hè: Hà Nội đừng đánh trống bỏ dùi!

Viết email In

Tôi đánh giá rất cao nỗ lực giành lại vỉa hè cho người đi bộ của thành phố Hà Nội, thể hiện qua những bản kế hoạch, các cuộc ra quân và những tuyên bố mạnh mẽ. Gần đây nhất là kế hoạch số 01 với quyết tâm "giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".

Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý vỉa hè lâu năm, để người dân và cả các tổ chức sử dụng vỉa hè sai mục đích quá lâu, thậm chí trở thành thói quen đô thị, khiến tôi không tin rằng những tuyên bố đanh thép và các cuộc ra quân là "vũ khí" hữu hiệu có thể giành lại được vỉa hè.


Phần vỉa hè hoàn toàn không còn chức năng để đi bộ tại phố Hàng Bồ (Ảnh: Hữu Nghị - Minh Hoàng)

Mặc dù ai cũng biết vỉa hè là không gian công cộng, và công năng của nó là để phục vụ bộ hành, song bất cứ một nỗ lực giành lại vỉa hè nào cũng sẽ trở thành tâm điểm cho những xung đột về nhận thức thị dân. Bởi công năng thực tế của vỉa hè Hà Nội, vốn đã khác rất nhiều so với công năng lý thuyết của nó.

Thực tế, vỉa hè từ lâu được coi là phần tài sản gia tăng của những người có nhà mặt phố, là hạ tầng kinh doanh của những "thế lực" kiểm soát ngành dịch vụ trông, giữ xe.

Người ta bày vật dụng, hàng hóa ra vỉa hè để kinh doanh như một sự tất nhiên. Thậm chí, có những đơn vị trông giữ xe còn dựng lán, bốt kiên cố trên vỉa hè như văn phòng của nhân viên. Tất cả những hành vi xâm phạm vỉa hè kể trên, dù được sự đồng ý hay không của các cơ quan quản lý thì đều diễn ra một cách công khai rất nhiều năm rồi.

Thực tế đó khiến dân chúng dần hình thành suy nghĩ rằng việc chiếm dụng vỉa hè là điều tất nhiên, và cơ quan quản lý hoặc là có lợi ích, hoặc là bất lực trước những hành vi này. Đó là ý niệm về sự vô pháp của vỉa hè.

Những tuyên bố mang tính thời điểm, và những cuộc ra quân cũng mang tính thời điểm, rõ ràng không phải giải pháp có thể làm thay đổi một thói quen đã hình thành lâu đến mức trở thành truyền thống, thành ý niệm mặc nhiên của cộng đồng. Đó là một sự thật. Đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý tuyên bố ra quân giành lại vỉa hè. Những năm qua chúng ta đã ra quân rất nhiều lần để rồi chỉ một thời gian ngắn mọi việc vẫn như cũ. Để xóa bỏ sự vô pháp, không có cách nào khác là phải có những nỗ lực hành pháp một cách quyết liệt và bền bỉ.

Để giành lại vỉa hè, thành phố Hà Nội không thể trông chờ vào những nỗ lực đi tuần, đuổi của lực lượng công vụ. Thay vào đó, phải là những chế tài cứng rắn theo mức độ tăng nặng. Từ nhắc nhở, xử phạt hành chính, đến cưỡng chế, thu hồi giấy phép kinh doanh, và cuối cùng là xử lý hình sự đối với hành vi chiếm đoạt tài sản công.

Tôi cho rằng, để việc áp dụng những chế tài cứng rắn đối với hành vi chiếm dụng vỉa hè, thay vì những tuyên bố chung chung như quyết liệt, nghiêm túc, không có vùng cấm… thì cần thay đổi diễn ngôn về hành vi này, gọi đúng tên của nó là chiếm đoạt tài sản công, thay cho cách diễn đạt là lấn chiếm vỉa hè như hiện nay.

Cuộc chiến giành lại vỉa hè, thực ra không đơn thuần là xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, đòi lại không gian công cộng, đòi lại quyền của người bộ hành. Đó là cuộc chiến để đòi lại sự tôn trọng của người dân dành cho luật pháp. Trong một đất nước có pháp luật, không có lý do gì để vỉa hè mãi tiếp tục tồn tại như một không gian của sự vô pháp. Tất nhiên nếu một đoạn vỉa hè nào đó được sử dụng vì mục đích tạo không gian phục vụ ngành du lịch hay an sinh xã hội, thì cũng phải theo đúng quy định pháp luật và có sự tổ chức, đảm bảo trật tự đô thị.

Lần này trong kế hoạch của Hà Nội đưa ra yêu cầu tránh tình trạng ''đánh trống bỏ dùi". Mong rằng chính quyền Thủ đô làm được như vậy.

Phạm Trung Tuyến

Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.

(Dân Trí)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo