Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn Từ phố thị lên non cao

Từ phố thị lên non cao

Viết email In

Trong những ngày gần hết những tờ lịch bloc năm 2022, người hay để ý chuyện mùa vụ như tôi đi từ miền xuôi ngược lên miền cao, nhìn và cảm, rồi miên man nghĩ, từ những khốn khó với vật giá leo thang nơi phố thị, đến những nỗ lực, những khát khao trong cuộc mưu sinh của lớp người nhập cư lên vùng cao…

1. “Ngồi xem bão giá lo toan tháng ngày” là câu cảm thán thành thơ của anh bạn về hưu trong một buổi cà phê cuối tuần trước ngày tôi ngược lên cao nguyên. Trước những biến động hậu đại dịch Covid-19, dường như mọi thứ đều “nâng tầm giá trị” khiến đồng lương hưu ít ỏi của anh lọt thỏm vào đáy của chiếc thùng giá cả. Từng bữa ăn sáng của công chức về hưu đô thị teo tóp lại, nên khi buông xong câu than thở ấy, anh ngẩn người nói: “Bây giờ ai có mảnh vườn nuôi đàn gà đàn vịt, trồng vườn rau nho nhỏ, thì mới dễ thở qua đận này”.

Tự cung tự cấp là cách thức đã quá xưa, giờ nghe có vẻ mâu thuẫn với bao thứ xáo động của kinh tế thị trường ngoài kia. Song, có dịp nhìn vào căn bếp của những gia đình phát huy việc tự cấp mới thấy cứ món gì trên bàn ăn mà được nhặt hái từ vườn nhà thì đều giúp giảm bớt “cái rổ CPI” giá hàng hóa trong ví anh công chức nghèo – nói theo cách của các nhà kinh tế học.


Khan hiếm và tăng giá xăng dầu khiến giá cả tăng trong năm 2022.
(Ảnh: Trần Thanh Bình)

Sự biến động, tăng giá xăng dầu một thời gian dài (nhiều lúc là cả khan hiếm) đã thiết lập một mặt bằng giá cả mới. Cái giá của sự hội tụ và phản ánh độ nhạy của thị trường khi một mặt hàng thiết yếu như xăng dầu tăng giá. Hồi đầu, ai cũng nghĩ giá cả các mặt hàng tăng rồi sẽ giảm, nhưng nó không giảm, có chăng chỉ là chững lại. Chỉ có bánh xe của người mưu sinh là vẫn quay vòng ngày ngày trên đường. Các chuyên gia đã giải thích tác động của giá cả leo thang lên mức sống của người nghèo: giá lương thực thực phẩm tăng cao không làm cho nhà giàu giảm chi tiêu các loại hàng hóa dịch vụ khác, nhưng sẽ gây thiệt hại lớn cho người nghèo, bởi một mặt, thu nhập của người nghèo tăng thấp hơn, mặt khác, tỷ trọng chi tiêu cho những nhu cầu sống tối thiểu của họ cao hơn nhiều so với người khá giả.

2. Về cuối năm, vào lúc cái lạnh vùng biên chớm ùa về, mùa hoa dã quỳ vẫn rực vàng. Mảnh đất màu mỡ cao nguyên hiện diện qua câu chuyện nghe được từ vài người bạn. Ấy là những cuộc “thiên di” đời người, rồi bị níu chân ở lại.

Nguyễn Minh Thuận thuộc thế hệ 8x, quê gốc miền Tây nhưng lên cư ngụ ở Bình Dương. Cách nay 5 năm, anh lại đưa gia đình ngược lên cao nguyên lập một trang trại, đặt tên là Eawer Farm. Trước đó, anh đã có nhiều chuyến thăm dò một vạt đất cằn khá rộng nằm cạnh suối ở Bản Đôn (cách Buôn Ma Thuột khoảng 30 cây số). Mua miếng đất mà ai cũng chê đá sỏi với giá khá rẻ, rốt cuộc, vợ chồng Thuận sở hữu hàng chục héc ta đất để “lập farm” theo ý nguyện.

Hồi hai đứa con vẫn phải ở lại thành phố đi học thì ngày ngày hai vợ chồng Thuận đã phải leo xe bán tải “lên farm”, trần lưng đổ mồ hôi cải tạo đất, chọn giống và canh tác theo phương châm “vết dầu loang”. Sau 5 năm thì trang trại của anh đã thành hình thành dạng, rộng mênh mông, ngát xanh cam quýt.

Cách nghĩ cách làm của Thuận là một hướng đi khá táo bạo, nhưng anh luôn vững tin vào câu nói: “Yêu đất, đất chẳng phụ người”. Câu ấy không hề là sáo ngữ, bởi cứ nhìn Thuận thì biết anh thực sự “đằm mình” vào đất. Ý chí ấy khiến ngay cả những bạn trẻ cũng phải nể phục khi được tận mắt nhìn thấy khu vườn mênh mông xanh ngút mắt của anh.

Và khát vọng chưa dừng lại, Thuận đang dự định mai này sẽ đầu tư phát triển một khu du lịch sinh thái nơi rìa con suối.


Ở một vùng khá heo hút cằn cỗi nhưng Eawer Farm của Nguyễn Minh Thuận xanh ngút mắt và đầy hy vọng.
(Ảnh: Minh Huy)

3. Tình cờ, tôi lại gặp anh bạn đồng nghiệp từ Đà Lạt qua Buôn Ma Thuột dự đám cưới. Trong buổi chiều trà dư tửu hậu, anh làm sống dậy đề tài đang được tranh luận về “nhà kính ở Đà Lạt”. Xem chừng có thể dấy lên cuộc xung đột về cách nhìn nhận vấn đề. Ở góc độ nào đó, ý chí quy hoạch theo hướng giảm các dự án trồng hoa quả, rau củ trong nhà kính cũng có phần đúng. Nhưng khi nhìn về cơ hội mưu sinh của hàng chục ngàn hộ nông dân, khi nhìn hàng trăm ngàn tấn rau củ quả, hàng tỉ bó hoa các loại mỗi vụ được chuyển đi khắp nơi, kể cả xuất khẩu, thì đó không hề là chuyện nhỏ!

Thế mạnh đóng góp vào nền kinh tế của những thành phố cao nguyên đã được minh chứng từ những phương cách làm ăn thành công của nhiều người đi trước. Cao nguyên cũng là miền đất thu hút hàng vạn hộ gia đình nhập cư mỗi năm. 35 năm trước, tôi cũng từng lên đây dạy học và thấu hiểu cung cách sống, làm ăn của các cộng đồng cư dân giữa nhiều chiều kích bộn bề. Họ loay hoay với đời sống ở xứ sở mới, nơi mà cuộc mưu sinh đi cùng với sự thay đổi hàng năm của các yếu tố đặc thù như khí hậu, đất và nước.

Vĩ thanh

Anh bạn thơ văn Nguyễn Văn Ninh vốn là dân Bình Trị Thiên, trước kia đã rời Huế lên Đà Lạt học đại học. Sau khi tốt nghiệp và rời xứ sở hoa đào để qua sống ở Buôn Ma Thuột từ những năm của thập niên 1990, anh mưu sinh ở lò than, rồi cưới vợ, rồi xoay sang kinh doanh ngành hàng giày dép.

Nâng ly bia trong một chiều đông khi ánh nắng nhạt dần, Ninh nói giọng có một chút đùa: “Ở xứ nào không biết, ở Ban Mê giày dép phải chắc. Đất dẻo bazan bám chân người khó gột. Nhưng ấy là giày dép cho người ta vô rẫy thu hái cà phê, chứ mùa xuân lượn quanh Ngã sáu Ban Mê thì cũng tha thướt váy áo bồng bềnh, giày tây giày cao gót bóng bẩy, sang trọng. Đều từ nông sản mà ra cả đấy!”.

Chợt nhớ chiều hôm trước, một anh bạn giáo viên sống ở Đắk Lắk đã hơn 30 năm nói cũng với giọng như đùa như thật: “Buôn Ma Thuột bây giờ không hiếm cảnh kẹt xe. Trên cả nước có thành phố miền cao nào có tỷ lệ người sở hữu xe hơi cao như thành phố này đâu chứ!”.

Nhưng tôi biết, cả bạn Ninh lẫn người thầy giáo, họ chẳng nói đùa. Họ cũng như anh Thuận với cái trang trại bao mùa mưa nắng, những giọt mồ hôi không thể đo đếm hết trên mỗi bước chân qua là rất thật. Những tâm huyết đời người ấy, gồng gánh truân chuyên, trụ lại với cao nguyên để sống, thì chẳng ai và chẳng thể là đùa bao giờ!

Trần Thanh Bình

(KTSG Online)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...