Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tin tức Việt Nam Quốc hội thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về đô thị, hạ tầng và bất động sản

Quốc hội thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về đô thị, hạ tầng và bất động sản

Viết email In

Ngày 30/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về đô thị, hạ tầng và bất động sản.

Cụ thể, trong tuần từ ngày 25 - 30/11, lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc có một số tin tức đáng chú ý như: (1) Thông qua Nghị quyết về TP Huế, TP Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao và lĩnh vực BĐS; (2) Tập trung hoàn thiện Quy hoạch Quần thể di tích Cố đô Huế; (3) Ninh Thuận tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kết nối nội vùng và liên vùng; (4) Công nhận TP Phủ Lý mở rộng nội thành theo tiêu chí đô thị loại II; (5) Đô thị Hà Tĩnh sẽ mở rộng diện tích gấp 4 lần. (6) Thị trấn Nghèn mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV; (7) Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 6 di tích.

Thông qua Nghị quyết về TP Huế, TP Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao và lĩnh vực bất động sản


Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương. (Ảnh: Ngọc Hiếu)

Theo đó, với 458/461 đại biểu tán thành (chiếm 95,62% tổng số đại biểu), Quốc hội quyết nghị thành lập TP Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11km2 và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Với 454/459 đại biểu tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Với 443/454 đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư hơn 1,713 triệu tỉ đồng (tương đương hơn 67 tỉ USD).

Với 415/460 đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025 và được thực hiện trong 5 năm.

Tập trung hoàn thiện Quy hoạch Quần thể di tích Cố đô Huế


(Ảnh minh họa: Ashui.com)

Ngày 29/11/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1481/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050; tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Hoàn thành, tổ chức triển khai Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 430 - 450 nghìn tỷ đồng.

Ninh Thuận tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kết nối nội vùng và liên vùng


Kinh tế biển là một trong những định hướng phát triển trọng tâm của Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: internet)

Ngày 29/11/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1483/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong vùng xây dựng, hoàn thiện thể chế của vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành (cả nước).

Đồng thời, chủ động nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, đề án, chương trình phù hợp với yêu cầu phát triển tỉnh Ninh Thuận và quy định pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch; trong đó, nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết) để bảo đảm duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển của tỉnh.

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh Ninh Thuận lũy kế đến năm 2030 cần khoảng 270.000-280.000 tỷ đồng.

Công nhận TP Phủ Lý mở rộng nội thành theo tiêu chí đô thị loại II

Ngày 28/11/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký văn bản số 1026/TTg-CN về việc công nhận TP Phủ Lý mở rộng nội thành theo tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam.

Theo đó, Chính phủ công nhận TP Phủ Lý là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam có phạm vi nội thành mở rộng thêm 06 xã: Liêm Chung, Tiên Hải, Tiên Hiệp, Tiên Tân, Liêm Tuyền, Liêm Tiết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu, thông tin, trình tự, thủ tục của hồ sơ báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị TP Phủ Lý mở rộng nội thành theo tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam nêu trên, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và các quy định có liên quan.

Đô thị Hà Tĩnh sẽ mở rộng diện tích gấp 4 lần


Trung tâm TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Ngày 28/11, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hà Tĩnh đến năm 2045.

Theo dự thảo, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của TP Hà Tĩnh, 11 xã của huyện Thạch Hà, 02 xã của huyện Cẩm Xuyên và 01 xã của huyện Lộc Hà (đô thị Hà Tĩnh). Tổng diện tích tự nhiên khu vực lập quy hoạch là 22.000,08 ha.

Đô thị Hà Tĩnh được xác định tính chất là một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ; đồng thời là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, dịch vụ, khoa học - kỹ thuật, du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.  

Kết quả, Hội đồng thẩm định thống nhất đánh giá hồ sơ đủ điều kiện theo yêu cầu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

Thị trấn Nghèn mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV

Ngày 27/4, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận thị trấn Nghèn mở rộng, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là đô thị loại IV.

Phạm vi khu vực đánh giá bao gồm toàn bộ ranh giới tự nhiên của thị trấn Nghèn, với diện tích 18,33 km2, dân số 18.965 người.

Thị trấn Nghèn có tính chất là trung tâm hành chính, thương mại dịch vụ, công nghiệp, đào tạo, văn hoá thể dục thể thao và xã hội của huyện Can Lộc, hướng đến đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Đồng thời là đô thị cung cấp dịch vụ và các khu ở cho sự hình thành KCN Hạ Vàng, hỗ trợ một phần cho 2 cực phát triển là thị xã Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh của tỉnh Hà Tĩnh.

Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án đề nghị công nhận khu vực thị trấn Nghèn mở rộng, huyện Can Lộc đạt tiêu chí đô thị loại IV, với số điểm trung bình đạt 84,83/100 điểm.

Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 6 di tích


Di tích bến Vàm Lũng - Điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: internet)

Ngày 26/11/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1473/QĐ-TTg  xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 16) đối với 6 di tích.

Cụ thể, 6 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt này gồm:

  1. Di tích kiến trúc nghệ thuật Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
  2. Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đình Bảng (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
  3. Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Đa Hòa - Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
  4. Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
  5. Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (TP Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Cà Mau).
  6. Di tích lịch sử Trận địa pháo 105mm của Đại đội 805, bổ sung vào Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ xếp hạng tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các di tích nêu trên, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

Tuấn Đông

(Tạp chí Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...