Sau 8 năm tạm dừng, chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai.
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam (quochoi.vn), tại phiên bế mạc của Kỳ họp thứ 8 vào ngày 30/11, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811 ngày 25/11 của Chính phủ.
Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật năng lượng nguyên tử.
Nhà máy điện hạt nhân. (Ảnh minh họa)
Trước đó, vào ngày 27/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Tờ trình về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, hiện nay, điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng.
Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 80 GW (đơn vị công suất được sử dụng trong lĩnh vực kỹ thuật điện và sản xuất năng lượng), cần thêm khoảng 70 GW đến năm 2030 và 400-500 GW đến năm 2050.
Việc phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại tác dụng đa dạng hóa nguồn cung cấp điện; đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ kép vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Vào năm 2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đến tháng 11/2016, do nhiều nguyên nhân nên Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương này. |
Hoài Hương
(KTSG Online)
- Quốc hội thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về đô thị, hạ tầng và bất động sản
- Hà Nội: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận
- Huế là thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2025
- Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Đến năm 2045, xây dựng Hà Tĩnh trở thành đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ