Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch

Viết email In

Sáng 10/1, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quy hoạch. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc. 

Thay mặt Ủy ban Kinh tế trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật quy hoạch. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.  

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí khẳng định sự cần thiết cần ban hành Luật quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và một số cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, xem xét quy định lại một số vấn đề về phạm vi điều chỉnh của Luật; về kinh phí thực hiện quy hoạch, quy hoạch cấp quốc gia, hệ thống quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch và thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và một số vấn đề về kỹ thuật lập pháp. 


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp 

Quy hoạch tổng thế quốc gia là vấn đề lớn, tất cả mọi quy hoạch khác đều phải bám sát theo

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, khẳng định Luật quy hoạch là luật khung, do đó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng tên của Dự thảo Luật và phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 cần xem lại, cần thống nhất tính toán quy định khung đến đâu để từ đó xây dựng luật nhằm tránh “quy hoạch nọ chồng quy hoạch kia”. Theo Chủ tịch Hà Ngọc Chiến, có thể chỉ quy định phạm vi gồm 5 loại quy hoạch như Điều 12 của Dự thảo Luật. 

Về quy hoạch cấp quốc gia, sau khi nghe lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm của Bộ liên quan đến quy hoạch cấp quốc gia về các ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị rà soát thêm khi còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đất nước nào cũng cần có một quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia, có một quy hoạch lớn, quy hoạch tổng thể để các quy hoạch khác “dựa vào đấy để làm” và có thể đổi tên Luật thành “Luật về quy hoạch tổng thể quốc gia”, như vậy “chắc các ngành ngồi đây không ai phản đối, đồng thuận rất cao”. Ngoài ra, Tổng thư ký Quốc hội cũng đề nghị các ngành nên “ngồi lại với nhau” để “ra một cái mũ chung”. Đồng thời cần xác định việc quy hoạch quốc gia phải mang tính chất “dài hơn” tầm 30, 50 năm thì mới “tương đối ổn”. 

Đánh giá đây là một nội dung rất quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, quy hoạch tổng thế quốc gia là vấn đề lớn, tất cả mọi quy hoạch khác đều phải bám sát theo nó. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng đề nghị cần phải xem xét lại cách viết về danh mục quy hoạch ngành quốc gia, trong đó cần nói rõ loại quy hoạch và quy hoạch về cái gì? Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị phạm vi quy hoạch quốc gia phải quy định rõ, ở cấp dưới nữa khi không nằm trong luật này thì điều chỉnh trong phạm vi khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị xem xét quy hoạch quốc gia về vùng trời.

Về kinh phí thực hiện quy hoạch, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố điều chỉnh quy hoạch phải theo Luật đầu tư công. Còn chi phí về giám sát, kiểm tra, thanh tra, quy hoạch phải chi vào ngân sách, có phân định rõ ràng. Việc khuyến khích tài trợ quy hoạch không ghi điều riêng, nên ghép vào một điều khác.

Về một số kỹ thuật lập pháp, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, hiện một số dự án luật mà các bộ, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và sắp tới sẽ thông qua tại kỳ họp tới đều nói về quy hoạch nhưng mỗi luật nói một kiểu khác nhau, không thống nhất với nhau. Trong đó có Luật du lịch, Luật thủy lợi, Luật đường sắt thì mỗi luật viết một kiểu, có luật viết rất cụ thể, có luật viết chung chung, nhưng không thống nhất với dự thảo Luật này. Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất; đề nghị xem xét, rà soát lại điều khoản chuyển tiếp tại Điều 68 của Dự thảo Luật; xem xét, quy định rõ thời điểm cần sửa đổi, bổ sung 32 luật tại Phụ lục 2 của Dự thảo Luật.

Chú ý vai trò của Hội đồng nhân dân, ý kiến của nhân dân trong vấn đề về quy hoạch

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khi Chính phủ trình Dự thảo Luật cần phải thảo luận, “lần nào đưa ra các bộ, ngành đều không thống nhất, tức là nó chưa ổn”, “nếu làm luật như thế này thì chất lượng không đảm bảo, đã ra tới đây thì tất cả ý kiến Chính phủ khác nhau phải nêu ra, Chính phủ trình nhưng rõ ràng từng thành viên Chính phủ chưa thống nhất với nhau…”.

Đánh giá việc giải thích từ ngữ trong Dự thảo Luật còn “không logic” và “lộn xộn”, theo Chủ tịch Quốc hội, “trước hết giải thích từ ngữ quy hoạch là gì, hoạt động quy hoạch là gì, cơ quan nào tổ chức lập quy hoạch, sau đó mới đi từ quốc gia, vùng, tỉnh. Giải thích hoạt động quy hoạch trước, rồi cơ quan quy hoạch, rồi mới tới quy hoạch. Quy hoạch xong rồi tới quy hoạch biển, hết biển rồi tới ngành quốc gia, hết ngành rồi tới đất, hết đất tới tỉnh…”. Ngoài ra, trong 7 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch nhưng lại thiếu nguyên tắc mang tính nhân dân, thiếu việc nhân dân tham gia ý kiến quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch.

Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà lại để đảm bảo đúng với Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ…., đồng thời phải chú ý tới vai trò của Hội đồng nhân dân. 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy Luật quy hoạch là rất cần thiết, nên tiếp tục hoàn chỉnh thực hiện để sớm trình ra Quốc hội; đề nghị thiết kế đây là một đạo luật hình thức, luật khung, đưa ra nguyên tắc để tổ chức thực hiện, đưa công tác quy hoạch đi vào nề nếp.

Về kinh phí thực hiện quy hoạch, Phó Chủ tịch đề nghị ghi rõ trong luật gồm 2 nguồn: Từ ngân sách nhà nước và từ tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Trong nguồn ngân sách có 2 nguồn là đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Đầu tư phát triển là dùng Luật quy hoạch, đo đạc, cắm mốc giới, còn lại những việc như kiểm tra, kiểm soát là chi thường xuyên.

Thứ hai, thống nhất về quy hoạch cấp quốc gia sẽ do Chính phủ trình và Quốc hội phê chuẩn. Đồng thời, đề nghị rà lại tất cả các thẩm quyền liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; rà soát lại kỹ, nhất là vai trò của các cơ quan dân cử khi xem xét đến vấn đề quy hoạch; chú ý đến nguyên tắc về ý kiến nhân dân. 

Thứ ba, đề nghị rà soát lại về hệ thống quy hoạch và danh mục quy hoạch theo hướng sẽ tiếp thu một số ý kiến kiến nghị của các bộ, ngành về tên gọi, có thể có một điểm quét. Điểm quét này để cho khỏi mâu thuẫn thì khi cần bổ sung danh mục, Chính phủ sẽ trình và Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định danh mục này, không phải trình ra Quốc hội và cũng không để cho Chính phủ quyết danh mục này.

Thứ tư, về hệ thống quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch và thẩm quyền quyết định, phải xác định nguyên tắc là cấp ngành, các địa phương phải tôn trọng quy hoạch tổng thể quốc gia, hay nói cách khác cấp dưới phải phục tùng với kế hoạch của cấp trên, tránh tình trạng muốn xóa đi dạng quy hoạch có tính chất địa phương dẫn tới rất nhiều vấn đề trùng lặp, chồng chéo, lãng phí.

Thứ năm, đề nghị rà lại không chỉ 32 luật và xem xét rõ có những luật phải chỉnh sửa, cụ thể những điều này nhưng có những luật vẫn không ảnh hưởng gì thì vấn đề đó tồn tại và thống nhất với nhau là lấy ngày 31/12/2020. Trong thời gian này có vấn đề gì thì điều chỉnh để ngày 01/01/2021 trở đi luật này được thống nhất trên cả nước.

Thứ sáu, về kỹ thuật lập pháp, đề nghị rà soát kỹ hơn, đảm bảo kỹ thuật lập pháp, nhất là từ ngữ, thời điểm, mối quan hệ giữa các điều luật liên quan đến hệ thống pháp luật. Để đảm bảo chất lượng xây dựng luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh Dự án Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới. 

(Theo Cổng thông tin điện tử Quốc Hội


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2193 khách Trực tuyến

Quảng cáo