Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Góc nhìn “Nhà nước” hay “nhà dân”?

“Nhà nước” hay “nhà dân”?

Viết email In

Năm 2015, rộ lên câu chuyện các tỉnh thành xây dựng các “trung tâm hành chính” hoành tráng. Đa số xài tiền ngân sách hàng trăm tỉ đồng, kể cả tỉnh thành còn đang xin trung ương trợ cấp. Không chỉ địa phương, từ lâu nhiều cơ quan cấp quốc gia cũng đã lặng lẽ xây mới nhiều trụ sở. Người ta hăng hái mở rộng và nâng cấp nhiều công thự tại thủ đô và các thành phố khác. Lại thêm một lần nữa, xã hội quặn đau khi thấy “bầu sữa ngân sách” được vắt vô tội vạ. Song, câu chuyện nhức nhối kéo dài này không chỉ dừng ở vấn đề kinh phí. Người đời còn tự hỏi trung tâm hành chính và các loại trụ sở nhà nước dùng để làm gì? Có thực là phục vụ cho dân?  


Du khách vào thăm tòa nhà Quốc hội Úc.
(Ảnh: Phúc Tiến) 

“Công đường” không khép cửa 

Tháng Ba năm nay, tôi có dịp đến Canberra - thủ đô Úc. Thật bất ngờ, một giáo sư ở Đại học Quốc gia Úc nhắc tôi phải đi “tour” tòa nhà Quốc hội. Đây là tour miễn phí, người nước ngoài cũng được vào xem. Nói rồi, một cách rất tự hào, bà trực tiếp đưa tôi đến đây. Tòa nhà Quốc hội Úc ở trên một đỉnh đồi xa khu trung tâm. 

Đây là tòa nhà kiến trúc theo lối hiện đại, không rườm rà, toàn một màu trắng, thể hiện tính minh bạch. Mặt khác, tòa nhà có nhiều khoảng không lấy sáng, bên trong có nhiều cây xanh, rất đúng phong cách thân thiện với dân và môi trường.

Chúng tôi đi vào đại sảnh của tòa nhà bằng cửa chính. Khi vào bên trong, tôi thấy khách vào thăm đều được sử dụng các cầu thang lớn dẫn lên tầng trên. Cửa chính và thang lớn đều dành cho mọi người, không dành riêng cho VIP hay quốc khách. Bà giáo sư đưa tôi đi xem các phòng họp lớn nhỏ, các hành lang có nhiều tủ kính trưng bày các hiện vật lập quốc và lập pháp. Không chỉ dạo quanh, chúng tôi còn được vào một phòng họp để xem buổi thuyết trình của viên chức chính phủ cho một tiểu ban của Quốc hội.

Hóa ra, trừ một vài cuộc họp bàn luận những việc quốc sự tối mật, mọi người dân đều được vào nghe các ông bà nghị sĩ tranh cãi. Trong các phòng họp đều có dãy ghế riêng cho khách đến dự thính. Dĩ nhiên, khách phải giữ im lặng, không được ghi âm và chụp hình nhưng có thể ghi chép và ký họa.

Vào xem nhà Quốc hội Úc, tôi nhớ đến các lần đi thăm nhà Quốc hội Đức, Thụy Điển và Hungary trước đây. Các tòa nhà này đều có kiến trúc cũ mới khác nhau nhưng đều có điểm chung là mở cửa cho dân vào. Các tòa thị chính ở nhiều nước tiên tiến cũng không đóng cửa với dân và du khách. Hè vừa rồi, đến San Francisco, tôi thử ghé vào tòa lâu đài nơi đặt City Hall - tòa thị chính. Tại đây cửa chính luôn mở rộng, khách vào không hề bị hỏi giấy tờ hay mục đích ra vào. Khách chỉ cần qua cửa kiểm tra an ninh, sau đó cứ nhìn vào bảng hướng dẫn danh mục các phòng ban để đến nơi mình cần. Ở quầy thông tin, hình lục lăng, giống loại quầy thường thấy ở các thương xá, có hẳn một góc giới thiệu City Hall tour kèm theo bức thư có ảnh của Thị trưởng chào mừng. Là du khách đi một mình, tôi vẫn được thoải mái chụp hình đại sảnh và các phòng khánh tiết, phòng họp đang để ngỏ cửa. Các nhân viên tại đây khi gặp khách đều niềm nở, nói năng nhỏ nhẹ và luôn tươi cười như với người thân vậy. Ồ, từ bao giờ nhân viên hành chính biết “chiều chuộng” dân như vậy? Phải chăng, họ không coi dân là “khách” mà hiểu rằng chính người dân mới thực sự là chủ nhân của các công thự? 


Tòa nhà Quốc hội Hungary được xây dựng từ năm 1873 có rất nhiều tượng về người dân. Trong hình là tượng giáo viên và thợ chụp ảnh.
(Ảnh: Phúc Tiến) 

Nhà nước không phải là nhà quan

Tôi từng có cảm giác lạ lùng đó khi đến thăm tòa thị chính thủ đô Vienna của Áo năm 2012. Đây cũng là một tòa lâu đài lớn, rất cổ kính. Ngay ở sảnh vào của tòa thị chính, có hẳn một quầy thông tin du lịch. Khách đến tham quan được mời nhận tài liệu du lịch của thủ đô và cả nước, kể cả brochure giới thiệu lịch sử tòa nhà. Tất cả dĩ nhiên đều miễn phí! Sau đó, khách được mời đi vào một khu vực riêng, trưng bày nhiều hình ảnh về lịch sử thủ đô, nhất là các dự án nhà cửa, khu thương mại đang xây dựng. Dường như, đó cũng là cách để tòa thị chính quảng bá về những việc mình đang làm. Chúng tôi còn được tự do đi qua các khu vực công cộng như phòng họp, phòng khánh tiết. Ở các khu vực “bàn giấy”, người qua lại phải sử dụng thẻ từ để qua cửa. Thế rồi, thật thú vị, chúng tôi được bước ra sân bên trong tòa thị chính mà cứ ngỡ như lạc vào một công viên với rất nhiều tượng đá đủ kiểu.

Rất lịch lãm và chính trị, tòa thị chính Vienna mời các nghệ sĩ trong nước và quốc tế đem tượng đến bày trong sân của mình. Với vườn tượng độc đáo này, tòa thị chính càng trở thành một bảo tàng lý thú - rất xứng danh với Vienna - thành phố của các bảo tàng!

Càng thú vị hơn nữa, hàng năm quảng trường mặt sau của tòa thị chính đều được dùng làm nơi trượt tuyết của trẻ em và hội chợ Giáng sinh. Nhìn người dân Vienna trẻ già lớn bé kéo nhau đến đây nô đùa tôi chợt hiểu ra vì sao nhiều tòa thị chính nước ngoài được đặt ở các khu trung tâm và tại các quảng trường lớn. Tòa thị chính cũng giống như một cơ sở thương mại, nơi nào đông dân thì nó phải có mặt. Đồng thời, chính nó cũng là nơi thu hút dân đến. Người dân đến tòa thị chính không chỉ để sử dụng các dịch vụ công mà còn đến để làm lễ đăng ký kết hôn, dự lễ phát thưởng học sinh giỏi, gặp gỡ và giao lưu với các chính khách và những người nổi tiếng. Không gian bên trong và bên ngoài tòa thị chính không chỉ là nơi “bày hàng” dịch vụ công. Đó còn là nơi tổ chức triển lãm, lễ hội, mít tinh, gặp gỡ dân càng nhiều càng tốt. Như thế, các tòa thị chính hay nói chung các trụ sở công quyền, hoàn toàn không phải là “ốc đảo” hay “phòng ngà” cho các quan chức mà đích thị phải là nơi sinh hoạt công cộng của xã hội.

Với các tòa thị chính là kiến trúc di sản, người ta không cho xây mới hay sửa chữa làm sai lệch. Lại càng không thay đổi hay tìm cách mở rộng không gian cho các bàn giấy. Chính các bàn giấy hành chính sẽ phải di dời đi nơi khác để các công thự này thực sự là nơi để người dân đến thưởng ngoạn. Người được ưu tiên có văn phòng tại đây là Thị trưởng để tiếp khách và thực hiện các nghi lễ cần thiết. Các nghị viên thành phố cũng chỉ cần đến tòa thị chính để hội họp chứ không phải đặt bàn giấy tại đây để chiếm thêm các phòng ốc và phương tiện phục vụ. Với xu thế chính quyền điện tử và khả năng giải quyết công việc hiệu quả qua mạng, chắc chắn các thành phố không cần phải tập trung đủ loại sở ban ngành và công chức vào một chỗ thì công việc hành chính mới suôn sẻ.

Quả thật, trong tiếng Pháp “Hôtel de Ville”, hay tiếng Anh “City Hall”, chỉ có nghĩa là Dinh thự chung của thành phố, Cung điện chung của đô thị, chứ không hàm nghĩa nơi đây chỉ là trụ sở của chính quyền. Trụ sở chính quyền tại các dinh thự nếu có chỉ nên mang tính tượng trưng và thu nhỏ không gian hành chính. Các dinh thự công xứng đáng là nơi để người dân đến sinh hoạt và thưởng ngoạn, coi đây là ngôi nhà chung xinh đẹp của mình. Ngay cả các hoàng cung, dinh tổng thống do lịch sử để lại, nhiều nước vẫn giữ làm nơi làm việc cho các nguyên thủ quốc gia. Song hàng năm, nhà nước đều có quy định mở cửa các dinh thự này cho dân vào xem ít nhất một lần vào Ngày Quốc khánh. 

Ở nhiều nước đang có xu hướng đặt trụ sở chính quyền cấp cơ sở (phường xã, quận huyện) và ngay cả cấp tỉnh thành cùng một địa điểm hoặc gần gũi với các trung tâm thương mại, văn hóa, thể thao của cộng đồng địa phương. Viên chức hành chính không chỉ ngồi làm việc tại văn phòng. Nhiều bộ phận thông tin giải đáp về nhà đất, y tế, bảo hiểm, giáo dục đều có thể đặt bên trong các thương xá, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Singapore hiện có khoảng 40 trung tâm cộng đồng cấp khu phố. Tại đây, ngoài vui chơi, hội họp, người dân có thể giao dịch với các viên chức phục vụ cơ sở (Grassroot) và các tình nguyện viên hỗ trợ hành chính về nhiều vấn đề an sinh. Ngay cả cơ quan xúc tiến đầu tư của chính phủ (Economic Development Board) cũng đặt trong cao ốc văn phòng thương mại Raffles City, chứ không nằm trong công thự “kín cổng cao tường”. Nếu ai đó đang mong muốn sửa chữa và xây dựng mới các trung tâm hành chính và công thự, xin đừng tiếp tục lẫn lộn “nhà nước” với “nhà quan”! Xin đừng quên đối tượng phục vụ của các trụ sở công quyền chính là người dân chứ không phải bộ máy công vụ! Sang năm 2016, rất mong các trụ sở công quyền bớt ngăn cách với dân, “trải thảm đỏ” đón dân vào trụ sở để giao dịch và hưởng thụ tiện nghi và phúc lợi chung của xã hội! 

Phúc Tiến 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...