Đó là một đầu mối giao thông quan trọng ở Hà Nội. Tại đây ngày 8/1/2016 đã làm lễ thông xe hầm đường bộ vượt ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến và Nguyễn Xiển.
Đi qua đây ngắm không gian mới mẻ này ai cũng mừng. Bốn công trình giao thông hiện đại, hoành tráng cùng được xây dựng trên một mặt bằng ngã tư, cho cảm giác đường sá thành phố ngày một hiện đại, khang trang. Cái hầm chui mới này ngay lập tức giải quyết được nạn ùn tắc giao thông vào loại… khủng tại đây bao năm qua.
Hầm chui tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến và Nguyễn Xiển đã chính thức được thông xe
Nhưng đó chỉ là cảm giác mới mẻ, bất chợt. Còn nhớ khi khánh thành cầu đường bộ trên cao từ ngã ba Thăng Long đến cầu Thanh Trì, khi phần lớn ô tô leo lên cầu, ai cũng mừng vì từ nay ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến hết kẹt xe tắc đường. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, cái ngã tư này lại là điểm nóng giao thông.
Mới hay, không phải có hạ tầng tốt, điều hành giao thông hợp lý thì hết ùn tắc! Thử đi tìm nguyên nhân, ai cũng bảo là do ý thức giao thông kém. Nhưng hỏi đó là những ai, tôi chắc nhiều người sẽ… chỉ tay sang người khác.
Có thể thấy một mâu thuẫn tồn tại là thành phố phát triển hạ tầng giao thông nhanh và hiện đại, nhưng cái ý thức chấp hành luật lệ, văn hóa giao thông ngày một xuống cấp nên có làm là làm cho… thì tương lai.
Dù sao cũng mừng cho thành phố đã làm được nhiều công trình hạ tầng giao thông mới trong nỗ lực xây dựng thành phố văn minh hiện đại. Nhưng có lẽ do bức xúc về sự quá tải giao thông mà có những công trình, dự án hơi vội vàng, gây tốn kém ngân sách quốc gia mà hai tuyến đường sắt trên cao mỗi tuyến trên dưới mười cây số là những ví dụ về sự nóng vội ấy.
Tôi lo ngại cho hiệu quả của hai tuyến đường này, bởi thói quen người dân di chuyển trong thành phố thích dùng xe máy hay ô tô bus hơn. Dự án đã và đang thi công rồi, mọi sự đã an bài rồi không phản biện kịp nữa nhưng cái cảm giác như trên thì đã manh nha.
Hà Nội còn rất nhiều vấn đề về đô thị phải tập trung giải quyết, đó là vấn đề ô nhiễm sông hồ, nhiều nơi để cho dân lấn chiếm, rác thải tràn ngập. Nhiều dự án cải tạo sông hồ ì ạch khiến môi trường ngày một bức xúc hơn. Đó là môi trường không khí khói bụi có nơi nghẹt thở. Rồi cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đe dọa trực tiếp sức khỏe người dân…
Tôi tin là mọi chuyện sẽ được giải quyết khi lòng dân đã thuận, khi lãnh đạo thành phố quyết tâm. Chỉ có điều là cần thời gian để ngẫm ngợi, để thử thách. Quá trình đô thị hóa là tất yếu, điều quan trọng là đừng nóng vội phát triển quá nhanh trong khi chưa kịp chuẩn bị tâm thế đón nhận cái mới. Xây mấy chục cái cầu vượt, hay hầm đường bộ, nhưng mấy cái có người qua lại, trừ cái cầu vượt ở trước Bệnh viện Bạch Mai? Sự lãng phí đã quá rõ trước mắt.
Dẫu sao thì cũng cần ghi nhận sự nỗ lực của thành phố. Hy vọng tất cả mọi sự rồi dần tốt đẹp lên.
Tân Linh
(TT&VH)
- Sài Gòn chuyện đời của phố: Hoài vọng Tân Định - Đa Kao
- Chuyện “nàng Lọ Lem” trên sông Hàn
- Đình làng với đời sống hiện đại
- Thành lập đặc khu kinh tế của TP HCM: Đặc khu hay ốc đảo?
- Góc nhìn Hà Nội - Khoảnh khắc và tầm cao
- Tại sao vẫn phải là Hồ Gươm?
- Chóng mặt với ngôn từ quảng cáo bất động sản
- “Nhà nước” hay “nhà dân”?
- Đô thị thân thiện: Những khía cạnh cần quan tâm
- Đà Nẵng: Phát triển giao thông xanh khi còn chưa muộn