Phát triển đô thị tạo nhiều cơ hội cho sự phát triển của nền kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sức hấp dẫn về môi trường sống của chính đô thị đó. Tuy nhiên, phát triển đô thị nhiều khi cũng mang lại những bất cập và nhiều gánh nặng đè trên vai cho các nhà quản lý đô thị.
Thế giới ngày nay đã và đang phải đối mặt với vấn nạn về phát triển mất cân bằng, trong đó có Việt Nam. Chính phủ và các cơ quan chức năng ngày càng quan tâm đến định hướng phát triển cho đô thị để ngày một tốt hơn và có ý nghĩa hơn.
Hội An hướng tới đô thị thân thiện.
Khái niệm và tiêu chí về thành phố, đô thị thân thiện môi trường và sống tốt được thế giới nghiên cứu nhiều trong thập kỷ qua. Các yếu tố cần xem xét để tạo nên đô thị thân thiện và sống tốt ở một số quốc gia trên thế giới bao gồm: Môi trường sống tốt với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu dân cư thích hợp; Tạo được sự phát triển trong cộng đồng với việc làm thích hợp, đảm bảo gìn giữ sức khỏe, điều kiện hưởng thụ giáo dục tốt, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội; Tạo ra các điều kiện để hưởng các dịch vụ văn hóa, xã hội; Có điều kiện tham gia quá trình quản lý đô thị theo quy hoạch được duyệt. Tại Việt Nam, khái niệm này gần đây cũng đã đề cập và nêu ra các tiêu chí khác nhau tại một số hội thảo chuyên đề.
Trong những yếu tố trên, đô thị nói chung còn phải xem xét đến những đặc thù, nhận diện đúng thực trạng để có những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, dù ở bất cứ đô thị nào lớn hay nhỏ tại Việt Nam cũng ít nhất cần quan tâm đến những khía cạnh sau:
Tôn trọng yếu tố di sản, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên
Bất cứ đô thị nào cũng có quá trình phát triển văn hóa và lịch sử riêng của nó, bởi vậy trong tổ chức không gian phải đặc biệt chú trọng yếu tố văn hóa, bảo tồn di sản. Bài học kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới cho thấy rõ đặc trưng của mỗi đô thị là sự hài hòa với tự nhiên chính là tạo môi trường sống thân thiện với từng người dân trong tổ hợp đô thị đó. Đã có biết bao bài học kinh nghiệm trên thế giới đã phải trả giá đắt để khôi phục lại các dòng sông, kênh đào, tạo dựng giao thông kiến trúc dọc sông, kênh đào... Đó là ví dụ của Hàn Quốc, Italia, Pháp...
Với các đô thị Việt Nam càng phải quan tâm hơn đến các công trình kiến trúc có bản sắc phù hợp với điều kiện khí hậu và môi trường sống của người Việt Nam. Mỗi đô thị cần nhận diện thấu đáo quỹ di sản, cảnh quan thiên nhiên và coi đó chính là yếu tố sống còn không chỉ để tạo bản sắc, tạo sự riêng biệt giữa các đô thị mà còn là tạo điều kiện thân thiện cho mọi công dân.
Bảo đảm công ăn việc làm
Mỗi đô thị đều có sự khác biệt về quy mô dân số, đơn vị hành chính trực, dịch vụ, thu nhập, lượng dân nhập cư... bởi vậy khi một đô thị được đánh giá là đô thị thân thiện và sống tốt thì dù là di cư, nhập cư, người giàu, người nghèo, người tàn tật... đều cần được có cơ hội tiếp cận với việc làm thích hợp và hưởng dịch vụ tương ứng.
Chúng ta hãy nhìn nhận bài học kinh nghiệm nước ngoài từ Đan Mạch, Nhật Bản, Pháp đều quy hoạch những khu chợ đêm, chợ bán thời gian cho người nghèo đô thị để họ kiếm ăn sinh sống và tạo cho họ không gian giao tiếp với cư dân trong khu vực. Chính phủ Hàn Quốc còn cho phép những người bán hàng rong tại các ga metro không cố định để tạo cơ hội cho người nhập cư tạo thu nhập... Italia có khu chợ Ba-la-zô cho phép bán hàng rong đủ loại vào mỗi buổi sáng thứ Bảy và Chủ nhật, do đó tạo nên một cơ hội mở cho hàng ngàn người thu nhập thấp. Khi đô thị giải quyết được vấn đề này cũng có nghĩa là tạo được môi trường thân thiện và sống tốt cho mọi tầng lớp xã hội.
Tại Việt Nam, nhiều đô thị hiện cũng đã ít nhiều tạo dựng thành công yếu tố này. Ví dụ như chợ đêm ở Kỳ Hòa, Bà Chiểu, Bến Thành (TP.HCM), chợ đêm Dịch Vọng, Phùng Khoang, Hàng Đào (Hà Nội), chợ đêm Nguyễn Thái Học (Đà Nẵng)… Đó là mô hình mở tạo cơ hội cho nhiều người dân mà ít có cơ hội tiếp cận công ăn việc làm thuần túy. Đó là một trong những yếu tố để đánh giá là đô thị thân thiện với mọi tầng lớp công dân.
Tạo nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững và đồng bộ hạ tầng
Điều nhấn mạnh ở đây là sự phát triển kinh tế một cách liên tục, lâu dài và không gây ra những hậu quả tiêu cực cho các lĩnh vực khác, đặc biệt là yếu tố môi trường và xã hội. Huy động mọi nguồn lực để tạo cơ hội cho phát triển kinh tế theo hướng ổn định, lâu dài nhưng cũng cần cân nhắc đến rủi ro của các nguồn vốn vay tránh gánh nặng cho thế hệ tương lai. Từng đô thị phải xây dựng các chính sách phát triển bền vững, khuyến khích phát triển công nghệ xanh và coi đó là hướng ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Để hướng tới là đô thị thân thiện và sống tốt không thể thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hiện nay, đô thị Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề về hạ tầng, điển hình là Hà Nội và TP.HCM. Theo đánh giá của Bộ TN&MT, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang tại các đô thị của Việt Nam hiện trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Quỹ đất đô thị dành cho hạ tầng xã hội không hợp lý dẫn đến tình trạng thiếu không gian xanh, không gian công cộng trong nhiều đô thị. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy các đô thị cần quan tâm hơn cho phát triển hạ tầng đồng bộ từ quá trình lập quy hoạch, lựa chọn ưu tiên đầu tư, quản lý sử dụng.
Để tiến tới thành phố sống tốt - thân thiện, các đô thị Việt Nam còn nhiều việc phải làm và cũng vô cùng thách thức cho các chính quyền đô thị. Đây không phải là con đường dễ dàng và bằng phẳng nhưng không có nghĩa là không thể đạt được.
Khánh Phương
(Báo Xây dựng)
- Góc nhìn Hà Nội - Khoảnh khắc và tầm cao
- Hà Nội: Nghĩ từ nút giao thông 4 tầng Thanh Xuân
- Tại sao vẫn phải là Hồ Gươm?
- Chóng mặt với ngôn từ quảng cáo bất động sản
- “Nhà nước” hay “nhà dân”?
- Đà Nẵng: Phát triển giao thông xanh khi còn chưa muộn
- Hãy lắng nghe và cảm nhận: Người nước ngoài trăn trở về Hà Nội
- Bán hè, chia phố và hệ lụy văn hóa - xã hội
- Vì sao các kim tự tháp vẫn mãi chứa đựng bí ẩn?
- Thị trường Công trình Xanh tại Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội