1. Đường phố xưa nay là để sử dụng vào mục đích giao thông, chủ yếu là cho các phương tiện giao thông đi lại. Còn hè phố sinh ra để trồng cây xanh bóng mát và làm lối đi cho khách bộ hành.
Không gian phố Hà Nội lãng mạn và êm đềm xưa nay đã vào thơ ca nhạc họa và đã trở thành nét văn hóa riêng của Hà Nội. Phải khẳng định như vậy về chức năng của vỉa hè lòng đường. Nhưng ở Hà Nội, hình như chức năng ấy đang được thay đổi, bằng việc cắt lòng đường lấy chỗ đậu xe ô tô, còn vỉa hè thì làm nơi trông giữ xe máy. Và người đi bộ, dĩ nhiên phải đi giữa đường.
Vỉa hè thành nơi trông giữ xe máy
Một thực tế rõ ràng là giao thông vì thế lộn xộn, phố phường nhếch nhác, chật chội, người đi bộ phải xuống lòng đường rất nguy hiểm... Chưa nói là nhiều hàng quán lấy vỉa hè làm nơi kinh doanh, nhiều nơi hàng cà phê, hàng phở bày hẳn ra hè phố, lấn ra cả lòng đường trông rất chướng.
Thành phố bao lần ra quân dọn dẹp nhằm lập lại trật tự phố phường, chỉ đạo thu hồi giấy phép cho thuê vỉa hè, lòng đường… nhưng đâu lại vào đấy. Và hình như bất lực trước tình hình.
Việc thu phí sử dụng vỉa hè lòng đường chính là cách hợp thức hóa cho vi phạm trật tự phố phường. Biết rằng ở nơi đất chật người đông như Hà Nội, tấc đất tấc vàng nên bí chỗ để xe, đành chọn giải pháp không văn hóa lắm là cắt đường và hè phố làm nơi trông xe, làm dịch vụ...
2. Cứ nhìn gương mặt các vị khách quốc tế khó chịu, lắc đầu khi tránh hàng dãy xe máy trên vỉa hè và phải ngoằn ngoèo đánh võng giữa đường đông thì thấy thật là buồn. Phố phường Hà Nội là khuôn mặt đất nước, là thể diện quốc gia, phải ứng xử sao cho văn minh nhằm để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Tôi đồng tình với luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu quốc hội khi ông đề nghị: “Không thể cho phép thu phí vỉa hè, lòng đường một cách thường xuyên và coi đây là một nguồn thu đáng kể như quan điểm của ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chỉ những trường hợp cá biệt mới cho phép thu phí sử dụng vỉa hè và phải do HĐND tỉnh, thành phố quy hoạch, phê duyệt. Đồng thời chỉ được sử dụng trong những thời điểm cụ thể trong năm”.
Xưa nay vỉa hè là đường diềm đẹp trang trí cho đường phố, góp phần tôn cảnh quan kiến trúc phố phường, bây giờ hình như đã bị thay đổi công năng, nó không dành cho khách đi bộ nữa mà chuyển sang cho thuê mặt bằng buôn bán và trông giữ xe máy.
Việc cắt một phần đường phố làm nơi đậu ô tô càng khó chấp nhận hơn, bởi có những tuyến phố bị lấy mất 1/3 rồi chia lô bằng vạch sơn để làm bãi đỗ xe trông rất phản cảm, hơn nữa việc xe ô tô vào ra, lùi tiến giữa đường gây cản trở giao thông, dễ gây tai nạn.
Sự bí bách không gian công cộng là do chúng ta thiếu đồng bộ trong quy hoạch, xây dựng. Tại sao chỉ có lập dự án cao ốc văn phòng, mà không có hạng mục nào về bến bãi cho xe cộ? Tại sao trong các bản quy hoạch không chú ý đến không gian này cho dài lâu v.v…
Xin đừng “Ăn xổi ở thì”, có thể đã đến lúc phải làm một việc quá khó khăn là quy hoạch các bãi đỗ xe ngay trong nội đô, dù có phải tốn tiền giải phóng mặt bằng, nhưng không thể khác, vì tương lai thành phố văn minh, hiện đại! Hãy chọn những giải pháp nào căn cơ, lâu dài hơn chứ đừng vì bí bách mà bán hè, chia đường như hiện nay rất khó coi. Và hệ lụy văn hóa - xã hội còn đắt hơn khoản thu phí mang lại.
Tân Linh
(Thể thao & Văn hóa)
- Chóng mặt với ngôn từ quảng cáo bất động sản
- “Nhà nước” hay “nhà dân”?
- Đô thị thân thiện: Những khía cạnh cần quan tâm
- Đà Nẵng: Phát triển giao thông xanh khi còn chưa muộn
- Hãy lắng nghe và cảm nhận: Người nước ngoài trăn trở về Hà Nội
- Vì sao các kim tự tháp vẫn mãi chứa đựng bí ẩn?
- Thị trường Công trình Xanh tại Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội
- Kiến trúc đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh - Những cái nhìn từ xa
- Đừng quá lạm dụng đèn hoa trên phố
- Đà Nẵng quản lý đô thị bằng Facebook: Lắng nghe sự sống của đô thị