Thông tin đưa ra tại Tuần lễ Đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam ngày 04/11 cho biết, đến nay Việt Nam đã có 788 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,2%. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình ở khu vực đô thị từ 10 - 15% (cao gấp gần 2 lần so cả nước). Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của đô thị ước đạt 70 - 75% trong cơ cấu GDP cả nước; trong đó, tỷ trọng đóng góp của 5 đô thị là thành phố trực thuộc Trung ương đã chiếm trên 50% tổng GDP cả nước.
Đó là những con số đáng mừng, là bề nổi đạt được trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam. Bởi lẽ, đằng sau những con số ấy, còn đó bao nỗi lo để chúng ta đi đến mục tiêu phát triển các đô thị tăng trưởng xanh. Trước hết đó là mối lo xử lý rác thải. Khi các đô thị “phình ra” cũng kéo theo một lượng rác thải khổng lồ. Nhưng đến nay cũng mới chỉ có khoảng trên 60% lượng chất thải rắn được chôn lấp tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Không những thế, nhiều loại rác thải độc hại chỉ được chôn lấp vào chỗ trũng, hồ, ao trong đô thị.
Trong một thống kê khác của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, hiện nay nước thải sinh hoạt tại các đô thị hầu hết không xử lý và đổ trực tiếp xuống sông hồ, gây ra những hiện tượng ô nhiễm nghiêm trọng. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại các đô thị được xử lý chỉ đạt rất nhỏ so với tổng lượng thải. Nghĩa là dù việc đô thị hoá đang diễn ra rất nhanh, nhưng phương cách sinh hoạt (chất lượng sống) vẫn một nửa là nông thôn cũ, còn tệ hơn nông thôn cũ vì tầng nước mặt hiện nay (khai thác từ giếng khoan, giếng đào, ao hồ) đã bị ô nhiễm nặng do rác thải, phân bón, thuốc trừ sâu...
Có rất nhiều tiêu chí để hướng tới đô thị tăng trưởng xanh, nhưng trước hết, cần giảm tải dòng di dân đến các đô thị lớn. Và, theo nhiều chuyên gia, để giảm sức hút cho các đô thị lớn, bên cạnh việc phát triển các khu công nghiệp, các địa phương cần có chính sách đầy đủ và hữu hiệu để xây dựng tốt các khu đô thị mới hiện đại, tiện nghi và đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho các tầng lớp dân cư thì chắc chắn các luồng dịch cư của người lao động sẽ hướng về các khu đô thị mới, văn minh đó.
Các chuyên gia về quy hoạch đô thị cũng cho rằng, tạo lập những đô thị công nghiệp tốt cho người lao động, sẽ “bẻ ghi” được dòng dịch cư tự phát vào các đô thị cực lớn. Nhưng đáng tiếc, thực tế hiện nay, các khu công nghiệp cứ phát triển, còn các đô thị mới thì chưa có tổ chức hoàn chỉnh, chính sách và biện pháp tốt để thu hút đầu tư đồng bộ song song với phát triển công nghiệp.
Sống trong những đô thị xanh - đó là mong muốn của tất thảy mọi người. Thế nhưng, sự phồn vinh của đô thị Việt Nam - nếu nhiều người còn nghĩ vậy - thì chỉ là những hình ảnh rực rỡ trên các đường phố lớn, phần rộng hơn nhiều thuộc về nông thôn và sự nghèo nàn vẫn ngự trị ngay trong các trung tâm đô thị, đằng sau những tuyến phố lớn.
Ngọc Lý
(Báo Xây dựng)
- Vì sao các kim tự tháp vẫn mãi chứa đựng bí ẩn?
- Thị trường Công trình Xanh tại Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội
- Kiến trúc đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh - Những cái nhìn từ xa
- Đừng quá lạm dụng đèn hoa trên phố
- Đà Nẵng quản lý đô thị bằng Facebook: Lắng nghe sự sống của đô thị
- Khi Louis XIV về làng
- Làng nghề chết do thiếu design
- Chống ngập tại TPHCM: Thiếu vốn, dư mưa!
- Chuyện biệt thự cổ 107 phố Trần Hưng Đạo: Khối người giật mình
- Sức ép quá tải từ quá trình đô thị hóa tại Việt Nam