Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Chống ngập tại TPHCM: Thiếu vốn, dư mưa!

Chống ngập tại TPHCM: Thiếu vốn, dư mưa!

Viết email In

Để hoàn tất dự án chống ngập, tổng vốn đầu tư cần khoảng hơn 100.000 tỉ đồng nhưng nguồn vốn hiện chỉ có hơn 33.000 tỉ đồng. 

Tan sở lúc 5 giờ chiều nhưng về đến nhà lúc 10 giờ đêm vì đường phố ngập nước vào những lúc trời mưa lớn, triều cường..., nhiều người đã hỏi “Bao giờ đường ở TP.HCM hết ngập?”. Câu trả lời đã có: “sẽ hết ngập khi TP.HCM đầu tư các dự án chống ngập với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng”, “các dự án phát triển đồng bộ, nước sẽ rút”... Tuy nhiên, để triển khai các dự án chống ngập, được quy hoạch xây dựng đồng bộ trong giai đoạn 2016-2020, các sở ban ngành Thành phố đang phải kêu gọi vốn hết sức khó khăn.  

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý Hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, khẳng định: “Sẽ hết ngập nếu Thành phố thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016-2020, đồng thời lượng mưa không vượt tần suất dự báo”. Tuy nhiên biến đổi khí hậu đang khiến lượng mưa cao gấp đôi so với bình thường và vượt xa mức thiết kế của hệ thống cấp thoát nước Thành phố. 

Theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố đến năm 2020 đã được phê duyệt, TP.HCM tập trung đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải như nạo vét cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải, 3 hồ điều tiết, hệ thống đê bao... Tần suất thiết kế hệ thống thoát nước cống cấp 1 chịu được lượng mưa lớn nhất hơn 85 mm trong vòng 3 giờ; cống nhỏ hơn chịu được lượng mưa gần 76 mm tương ứng với đỉnh triều là +0,32. 

Khảo sát đo đạc cao độ diện tích Thành phố cho thấy, có đến 63% diện tích cao độ nhỏ hơn 7 m, tập trung ở các quận 5, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Nhà Bè. Địa hình thấp cũng đang gây khó khăn cho hệ thống cấp thoát nước.

Để hoàn tất dự án chống ngập, tổng vốn đầu tư vào khoảng hơn 100.000 tỉ đồng nhưng nguồn vốn hiện chỉ có hơn 33.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết, đơn vị đang cần nguồn vốn lên tới gần 67.000 tỉ đồng để xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải, 3 hồ điều tiết nước, cải tạo 200 km cống thoát nước, 8 cống kiểm soát triều, 12 km đê bao... Tuy nhiên, thời gian qua chưa thu hút được nhà đầu tư.

Mặc dù, Trung tâm đã phối hợp với các sở ngành TP.HCM để tìm kiếm nguồn vốn nhưng kết quả rất hạn chế. Nguyên nhân do thoát nước là lĩnh vực công ích, không có nguồn thu, chưa kể hợp tác công - tư (PPP) là hình thức mới, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cho lĩnh vực này.

Việc triển khai PPP theo hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng cũng khó thực hiện vì Thành phố không còn nhiều nguồn đất sạch. Một số nhà đầu tư đề xuất cơ chế tài chính khác như thuê cơ sở hạ tầng thoát nước với tiền thuê trả từ ngân sách, phí thoát nước... Tuy nhiên, hầu hết các đề xuất không phù hợp và khả thi với điều kiện của Thành phố. Để triển khai PPP, Thành phố cũng gặp khó khăn về nguồn vốn đối ứng. 

Hiện nay, Thành phố đang tiến hành đàm phán với Ngân hàng Thế giới về vay vốn đầu tư cho các dự án chống ngập. Đây cũng là giải pháp cuối cùng khi thu hút đầu tư theo phương thức PPP không thành công.

Bà Nguyễn Vân Hương, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết để giải quyết vấn đề “lợi nhuận” cho nhà đầu tư, Bộ này sẽ thành lập “quỹ bù đắp khoảng trống trong các dự án có sự đầu tư của tư nhân” và dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2017.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang đàm phán với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để hình thành quỹ này, với phần vốn của ADB dự kiến khoảng 300 triệu USD, ngoài ra cũng có sự tham gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cùng các nhà tài trợ khác. Quy mô của quỹ này khoảng 500 triệu USD, thậm chí có thể tăng lên 1 tỉ USD. 

Bộ này cũng đang tìm phương án để có thể duy trì quỹ một cách lâu dài, vì đây chính là phần đóng góp (không thể thu hồi) của Nhà nước vào dự án. Việc hỗ trợ sẽ tùy thuộc vào từng dự án. Với những dự án có thể thu hồi vốn từ người sử dụng thì phần tham gia của Nhà nước sẽ giới hạn thấp hơn. Với các dự án chống ngập vốn không thể thu hồi kinh phí từ người sử dụng, sự tham gia của Nhà nước là rất cần thiết. 

Đình Bắc 
(Nhịp cầu Đầu tư)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo