Bao giờ TPHCM hết ngập nước? Câu hỏi này năm nào cũng vang lên, sau đó các cuộc hội thảo, tọa đàm rôm rả nhằm tìm ra giải pháp dứt điểm ngập nước, nhưng rồi năm nào cũng vậy. Cần khẳng định rằng, hầu hết các TP ven sông lớn, ven biển trên thế giới đều phải chịu cảnh ngập nước ở mức độ này hay mức độ khác. Sài Gòn - TPHCM cũng trong hoàn cảnh như thế.
TPHCM có địa hình cao ở Đông Bắc và Tây Bắc, rồi thấp dần xuống Nam và Đông Nam, nơi cao nhất khoảng 12m và thấp dần xuống nơi thấp nhất là 0,8m. TPHCM cách biển 40km, chịu tác động trực tiếp của thủy triều dâng.
Mức triều cường cao trung bình 1,3m, như vậy có hơn 20% diện tích đất của TPHCM thấp dưới 1m, tức dưới mực nước triều cường trung bình. Nếu năm 1990, đỉnh triều là 1,32m thì năm 2023 đỉnh triều là 1,78m, và dự báo đỉnh triều sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Do vậy TPHCM muốn hết ngập chỉ có một trong hai cách: nâng cốt nền toàn TP lên cao ít nhất là 2m, đây là điều không tưởng; xây một con đê bằng bê tông cao 5-7m, đế rộng hơn 15m bao quanh TPHCM để chắn nước, điều này cũng không tưởng luôn vì vùng đất TPHCM là nền đất yếu, làm đê tốn kém và sẽ bị vỡ như đê bao Thanh Đa-Bình Quới do không có chân.
Người Pháp đến Sài Gòn năm 1858, năm 1862 họ quy hoạch một cách bài bản theo TP trung bình của châu Âu, nhưng chỉ cho 500.000 dân, còn hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại chỉ gói gọn trong 6km2, gồm quận 1, quận 3 phục vụ cho bộ máy cai trị và hành chính. Năm 1870, người Pháp cho xây dựng hệ thống cống thoát nước ngầm được gọi là cống vòm bằng gạch, có tiết diện 0,8-1,2m, dài 113km.
Còn TPHCM hiện nay không phải xây mới, mà là cải tạo, nâng cấp và mở rộng từ một trung tâm đã có. Chính vì thế sau này khi gia tăng dân số thường trực hơn 13 triệu người và diện tích mở rộng ra hơn 2.100km2, hệ thống thoát nước mới được đấu nối vào hệ thống cũ và kéo dài ra đến các kênh rạch, sông.
Do là đấu nối vào hệ thống cũ, nên ngay khi lắp đặt nó đã bị lạc hậu, chỉ thoát được nước mưa có vũ lượng 850-900mm. Từ năm 2005 trở lại đây, TPHCM xuất hiện rất nhiều cơn mưa có vũ lượng mưa trên 100-140mm, các cơn mưa nhiều hơn, lâu hơn, khi mưa to cộng với triều dâng cao nên chuyện ngập là đương nhiên. Năm 1992 đỉnh triều khoảng 1,2m, còn hiện nay gần 1,8m.
Thêm vào nữa là sau 1990, TPHCM tiến hành đô thị hóa với quy mô lớn và tốc độ nhanh, nên dẫn đến hệ quả là mức độ bê tông hóa bề mặt quá cao, nhiều quận nội thành có thể trên đến hơn 90%, làm triệt tiêu khả năng thấm nước mưa và nước triều từ bề mặt xuống lòng đất.
Cùng lúc một loạt các ao hồ, kênh rạch bị san lấp lấy mặt bằng xây dựng, các kênh trục bị lấn chiếm, nên hệ thống thoát tự nhiên và các khoảng rỗng chứa nước bị mất. Nên nhớ, trước năm 1975, Sài Gòn chỉ có 2,3 triệu dân, hệ thống cống thoát nước còn đủ khả năng và kênh rạch còn hoạt động, đặc biệt vùng đất phía Nam không bị xâm phạm và là nơi chứa nước mưa và nước triều.
Công bằng mà nói, công tác chống ngập của TPHCM đạt được được nhiều thành tích, vùng ngập có giảm, nhưng rõ ràng mới chỉ là đối phó thụ động, ngập chỗ nào nâng chỗ đó, nước chảy theo hướng nào chặn hướng đó, nên mới đưa đến thực trạng là nâng đường trục, nước tràn vào hẻm, nâng đường nhánh, nước vào nhà dân, nâng nền nhà dân nước quay lại đường.
Đó là cuộc rượt đuổi không có hồi kết. Việc làm các trục đường giao thông và đường nhánh cao vượt lên, vô hình trung tạo ra các khoang chứa nước bên trong không có đường thoát.
Để đối phó với ngập, tất cả các nước đều sử dụng một trong hai hoặc cả hai giai pháp: thứ nhất là giải pháp tự nhiên, tức triệt để lợi dụng tự nhiên như địa hình, địa mạo, cấu trúc mặt nền tự nhiên để giảm ngập; thứ hai là giải pháp kỹ thuật, hay còn gọi là giải pháp cứng, hay giải pháp cưỡng bức, tức là sử dụng đê, đập, cống, máy bơm, vách ngăn để bắt nước chảy theo ý mình. Tokyo là một trong số ít các TP thành công trong giải pháp này.
Trước 1990, Tokyo cũng bị ngập nặng, năm 1993 chính quyền cho xây dựng một hệ thống hầm chứa nước vĩ đại mất 13 năm thi công, chi phí gần 3 tỷ USD, hệ thống này bao gồm 5 hầm ngầm sâu dưới lòng đất 22m, mỗi bể chứa rộng hơn 2 sân bóng đá, cao như một tòa lâu đài trong lòng đất, có thể biểu diễn cả một dàn nhạc giao hưởng. Hệ thống 5 hầm, cộng với hệ thống cống ngầm đã thu gom toàn bộ nước mưa, nước thải của TP, giải quyết gần như triệt để tình trạng ngập của Tokyo.
TPHCM hoàn toàn có thể làm được như Tokyo trước 1990, nhưng cơ hội đã trôi qua, mặc dù số tiền đổ vào chống ngập manh mún suốt hơn 20 năm. Do vậy cần chấp nhận thực tế là một phần của TPHCM sẽ không bao giờ hết ngập, do chịu tác động của biến đổi khí hậu cực đoan, thất thường, mưa sẽ nhiều hơn, lâu hơn, dài hơn, triều sẽ cao hơn, vì thế người dân TPHCM phải thích nghi với nó.
Còn giải pháp giảm ngập, ngập nông và thoát nhanh, thời gian bị ngập ngắn, và đặc biệt là hậu quả ngập giảm thiểu tối đa… thì có lẽ nên tập trung cho các chống ngập thiên về giải pháp thoát nước tự nhiên.
Hiện nay TPHCM có hệ thống kênh rạch hơn 500km còn có thể sử dụng được, trong đó phải kể đến các con kênh lớn như Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, Tàu Hủ-Bến Nghé, kênh Đôi-kênh Tẻ, Tham Lương-Bến Cát, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, rạch Nước Lên, kênh Hy Vọng, kênh A41. Nếu nạo vét khơi thông những con kênh rạch này, sẽ là các khoang chứa được hàng triệu m3 nước và tạo ra những lối thoát nước nhanh rất hiệu quả. Đây là giải thoát tối ưu hướng tới đa mục tiêu. Nhiêu Lộc-Thị Nghè là một thí dụ điển hình, sau khi cải tạo 9km kênh đã làm giảm ngập cho một vùng 33km2 qua các quận 1, quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình.
Tình trạng ngập nước ở chợ Thủ Đức sau vài trận mưa năm 2024 nổi lên như một hiện tượng nóng, tức sau khi hệ thống thoát nước mới khánh thành đã bị thất thủ. Nếu TP Thủ Đức cho làm hồ chứa nước bên dưới chợ và sau đó dựng lại chợ theo mô phỏng chợ cũ, chắc chắn bài toán ngập nước sẽ giải quyết triệt để và an toàn hơn.
Có ý kiến cho rằng, tiền đâu làm hết các tuyến kênh. Thật ra cải tạo kênh không đơn giản chỉ là thoát nước, mà nó hướng đến đa mục tiêu: đó là chứa và thoát nước, tái định cư người dân lấn chiếm kênh, sắp xếp các hoạt động kinh tế dịch vụ dọc theo kênh, cải tạo vệ sinh môi trường, tạo ra vi khí hậu, thiết kế cảnh quan công viên cây xanh, tổ chức giao thông bộ theo dọc tuyến kênh, sử dụng kênh cho giao thông thủy và phục vụ du lịch. Nếu hiểu được như thế sẽ thấy đầu tư cho các dự án cải tạo các kênh, rạch sẽ mang lợi lớn.
TPHCM cần một định hướng đúng cho giảm ngập, nếu không cứ loay hoay đối phó thụ động, nhiều công trình chưa làm xong đã thúc thủ trước biến đổi khí hậu bất thường.
Hiện tại, Amsterdam của Hà Lan thấp hơn 2m so với mực nước biển, nhưng họ tạo ra rất nhiều khoang rỗng chứa nước khi có triều và mưa. Các khoang rỗng chứa nước này ở trong thân đập, dưới lòng đất, ở trong các công viên… TPHCM có thể tham khảo.
TS Nguyễn Minh Hòa
(SGGP)
- Khu thương mại tự do Đà Nẵng: còn rất nhiều việc phải làm
- Đừng để "luật treo"
- Trùng tu Chùa Cầu (Hội An): Góc nhìn chuyên gia
- Bình Dương: Điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển bền vững
- Điêu khắc công cộng: Tìm đường đến công chúng
- Thành phố thông minh của Việt Nam đã "thông minh" đến đâu?
- Ai xây nhà ở xã hội?
- Nỗi lòng thầu phụ
- Giải phóng nguồn lực đất đai
- Hình hài Khu thương mại tự do Đà Nẵng vừa được Quốc hội thông qua