Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Phản biện Giải pháp dùng LU chống ngập là khoa học, hiệu quả, nhân văn và sinh thái

Giải pháp dùng LU chống ngập là khoa học, hiệu quả, nhân văn và sinh thái

Viết email In

Được sự đồng ý của tác giả Nguyễn Đức Thắng, Ashui.com đăng lại nội dung ông vừa gửi lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về giải pháp dùng LU chống ngập là khoa học, hiệu quả, nhân văn và sinh thái để các chuyên gia và bạn đọc cùng phân tích thêm.

Ngày 13/7/2019, trên các mạng xã hội và báo chí truyền thông cả nước đã “ném đá” PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân (Trưởng Khoa Đô thị học, trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) vì đã đề xuất biện pháp dùng lu để hứng nước mưa chống ngập cho Tp.HCM.

Chị đã cho biết: “Tôi rất buồn trước việc bị phản ứng, chế giễu. Đây không phải là sáng kiến do tôi tự nghĩ ra mà đã được các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) nêu trong chương trình lắng nghe trao đổi vừa qua. JICA cho rằng nếu TPHCM vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 thì vừa góp phần chống ngập, vừa tiết kiệm nước sạch. Không chỉ Nhật mà nhiều nước khác cũng dùng. Đây là giải pháp mềm trong thích ứng với biến đổi khí hậu”.

I. Những lý do dư luận phản đối là không thuyết phục


Giải pháp thu hứng nước mưa ở nhiều quốc gia

Dư luận xã hội thường ném đá theo hiệu ứng Domino, khi một người chê, tất cả những người khác cùng đổ chê theo, không cần biết rằng cá nhân mình có đầy đủ thông tin, chứng cứ khoa học để phản bác.

Đọc nhiều bài báo, tôi thấy chỉ có vài lý do, căn cứ phản bác như dưới đây:

  • Cái lu, cái hũ, cái chum, cái vại quá bé để chống ngập úng.
  • Dùng lu, chum, vại chứa nước làm gia tăng bộ gậy, loăng quăng, sinh muỗi.
  • Chống ngập bằng xây dựng những hồ điều tiết lớn ở công viên, khu đô thị là hợp lý hơn.
  • Nhà xây dựng trên 50 - 70m2 đất, lấy đâu chỗ để lu, để bồn chứa. Trường hợp nhà ở trong chung cư, cao tầng thì bó tay.

Bốn lý do trên là không thuyết phục, không phải là những căn cứ khoa học. Ngôn từ “dùng LU chống ngập” được nói theo cách bình dân, mộc mạc. Các cháu thiếu nhi có thể hiểu là cái chum, vại, hũ là quá bé. Nhưng đối với các nhà khoa học, người lớn phải hiểu là để CHỐNG NGẬP rõ ràng phải là những bồn, bể chứa đủ lớn ở các hộ gia đình, khu dân cư. Đó là cách chống ngập phân tán, phi tập trung, rất phù hợp đối với thực trạng hiện  nay của Tp. HCM.  Hầu hết các hộ gia đình đều có bồn, bể chứa nước máy, có nắp đậy kín, do vậy không thể có bọ gậy, loăng quăng để sinh muỗi.

Việc chống ngập bằng xây dựng những hồ điều tiết lớn ở công viên, khu đô thị ở Tp. HCM hiện nay là không khả thi. Vì thực tế 30 năm phát triển nóng vừa qua, rất nhiều ao, hồ, sông, kênh, rạch, vùng đất trũng là những nơi chứa nước, tiêu thoát lũ đã bị san lấp, thu hẹp để xây dựng nhà, làm đường và các khu đô thị. Thậm chí công viên cũng còn bị thu nhỏ. Trong tương lai những vùng đất trũng hiện đang còn để tiêu thoát nước, chống ngập cũng sẽ bị san lấp để xây các khu đô thị mới, cụ thể là vùng Đông Nam Tp. HCM như huyện Cần Giờ.  Vì tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch chung xây dựng Tp. HCM đến năm 2025, tại Điều 1, điểm 4. Mô hình phát triển và các chỉ tiêu chính: “ - Phát triển thành phố với hai hướng chính là: Hướng Đông và hướng Nam ra biển”. Ngoài ra giải pháp xây dựng các hồ điều tiết lớn nằm tại vùng nào, chỉ có tác dụng thu hứng nước mưa và nước thải của vùng đó, vì tất cả hệ thống cống thoát nước trên toàn đất  nước Việt Nam đang là cống thoát gộp chung nước mưa với nước thải. Đối với thoát nước cho các quận, huyện khác là không có tác động. Như vậy, giải pháp xây dựng các hồ điều tiết lớn là không khả thi. Về lý do nhà xây dựng trên 50 - 70m2 đất, trường hợp nhà ở trong chung cư, cao tầng thì bó tay cũng là không thuyết phục, sẽ được trình bầy cụ thể ở phía dưới.

Theo tôi giải pháp dùng lu chống ngập là khoa học, hiệu quả, nhân văn và sinh thái, như những phân tích dưới đây.

 

II. Khoa học và Hiệu quả

Trong thoát nước có mấy qui luật, chân lý, thực tế đơn giản sau chúng ta luôn cần ghi nhớ:

Lưu lượng nước thoát của toàn bộ tuyến cống được quyết định bởi đoạn cống yếu nhất”. Qui luật này trái ngược với suy nghĩ thông thường của chúng ta là đoạn cống to nhất mới quyết định, là chủ đạo thoát nước của toàn tuyến. Ví dụ có một tuyến cống ngầm thoát nước, ngoằn ngèo, gấp khúc, dài 1000m, với đường kính của ống là 1m. Ví dụ chỉ cần một đoạn 2m nào đó trong toàn tuyến bị sập, gẫy do cũ nát, hay do độ cao các đáy cống bị so le, khấp khểnh, hay do bị tắc nghẽn rác thải đến 70% đường kính của ống, thì lưu lượng nước thoát của toàn tuyến này sẽ giảm xuống, chỉ còn 30%, mặc cho toàn bộ 998m cống còn lại là trơn tru, thông thoáng. Từ chỗ tắc trở về phía đầu cống lên mặt đường sẽ ngập ứ nước.

Trong giai đoạn 10 năm (2005 – 2015), theo tính toán của tôi, độ sụt lún nền móng toàn Tp. HCM là 24cm. Bình quân 2,4cm/năm. Độ sụt lún này là không đồng đều, khác nhau cho các quận, huyện, vẫn đang và sẽ tiếp tục.

Chất lượng hệ thống cống ngầm liên tục đi xuống theo năm tháng. Cát, sỏi, bùn đất (chưa kể đến rác thải) liên tục bồi lắng trong các cống ngầm. Người dân không coi cống rãnh là một hợp phần của cuộc sống. Độ cao đáy các cống ngầm là so le, khấp khểnh, tự do không ai quản lý. Thông, móc cống, cải tạo, sửa chữa sâu bên trong cống ngầm là gian nan, vất vả. Từ đó dẫn đến năng lực thoát nước của hệ thống cống mới xây nhanh chóng xuống cấp. Kết quả tổng thể dẫn đến ngập úng cục bộ trong đô thị sẽ luân phiên thay nhau, nay chỗ này, mai chỗ khác. Vì vậy, đối với Tp. HCM việc chỉ trông cậy chủ yếu vào xây mới và cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố là khó có lối thoát. Do vậy, đề xuất “dùng lu chống ngập”, rất phân tán, phi tập trung chính là lời giải, lối thoát cho ngập úng cục bộ thành phố Hồ Chí Minh.

Bài toán chống ngập là bài toán phổ thông, không khoa học cao siêu, không phức tạp hóa vấn đề. Đó thực sự là tính toán cân bằng lượng nước vào và nước ra. Dưới đây một ví dụ để minh họa. Việc lấy tròn số cho dễ tính, dễ hiểu, hoàn toàn không ảnh hưởng đến bản chất vấn đề, khi áp dụng cụ thể vào cho quận, huyện hay toàn thành phố Hồ Chí Minh:

1. Số liệu thực tế:

Tại bảng thống kê tổng lượng mưa hàng năm của Tp.HCM (ảnh trên), cho thấy tổng lượng mưa cao nhất vào năm 2007 là 2.340mm, trong đó cao nhất là tháng 9  gần 500mm.

  • Với cơn mưa vừa, lượng mưa đo được khoảng 40mm/giờ. Khả năng cơn mưa vừa có thể kéo dài liên tục trong 2 giờ tạo nên lượng  mưa là 80mm.
  • Với cơn mưa rất to, lượng mưa đo được khoảng 70mm/giờ. Hiếm khi có cơn mưa rất to kéo dài liên tục trong 2 giờ liền.
  • Bình quân 1 người dân đô thị Tp. HCM sử dụng nước máy hết 150 lít/ngày. Mỗi gia đình có 4 người sẽ dùng hết 600 lít nước/ngày (0,6m3/ngày).

2. Số liệu giả định:

  • Diện tích tiểu lưu vực thoát nước (drainage basin, watershed, catchment area) là 10.000m2 (1ha). Khái niệm lưu vực thoát nước được định nghĩa là diện tích khu vực “chậu/lòng chảo” khi tất cả nước mưa rơi trong phạm vi ấy được chảy thu gom vào một đường thoát chung. Nước mưa rơi ngoài “chậu/lòng chảo” ấy sẽ chảy sang lưu vực khác. Vành miệng của “chậu/lòng chảo” là ranh giới phân chia nước.
  • Tiểu lưu vực này có 100 hộ gia đình sinh sống, với tổng số dân là 400 người. Bình quân mỗi gia đình có 60m2 đất (5m mặt tiền x 12m sâu), xây nhà (từ 1 đến 5 tầng) trên 50m2 đất có mái che và  10m2 sân con trước cửa không có mái che. Tổng diện tích nhà có mái che là 5.000m2 (50m2 x 100). Đất sân con không có mái che là 1.000m2. Còn lại là đất công cộng (đường, ngõ, cây xanh, công viên mini…) là 4.000m2.
  • Như vậy, toàn lưu vực này có 5.000m2 (50%) có mái che, nóc nhà có thu hứng nước mưa nhưng không lưu trữ mà dẫn đổ vào cống chung. 5.000m2 (50%) còn lại là đất không có mái che, nước mưa chảy tràn trên mặt ngõ, đường, phố theo các miệng thu vào hố ga, cống thoát nước chung.
  • Năng lực thoát nước (hiện trạng) của hệ thống cống rãnh của lưu vực này là 400m3/giờ (tức 6,7m3/phút). Tức là với cơn mưa vừa phải 40mm/giờ là tiêu thoát tốt, không gây ngập úng. Với cơn mưa lớn hơn là không tiêu thoát kịp, sẽ gây ngập úng ở mức độ nào đó. 

3. Tính toán tiêu thoát nước:

Ta có thể bỏ qua lượng nước thải sinh hoạt. Vì tổng số 60m3 (150 lít x 400 người) trong một ngày được “phân bổ” từ 5g00 sáng đến 9g00 tối, tác động này là không đáng kể, mặc dù là có giờ cao điểm (sáng và chiều tối).

Với cơn mưa vừa 40mm/giờ: Tổng lượng nước mưa của lưu vực trong một giờ là 10.000m2 x 0,04m = 400m3. Cơn mưa này hoàn toàn không gây úng ngập, thoát hết sau mưa . Tuy nhiên, nếu 50% lượng nước được hứng (200m3) và lưu trữ trong bể phục vụ cho sinh hoạt, còn lại lượng nước mưa thoát vào cống rãnh chỉ có 200m3. Lượng nước mưa hứng được này là hữu ích cho người dân sử dụng trong 3,3 ngày (= 200m3 : 60m3).

Với cơn mưa rất to là 70mm/giờ: Tổng lượng nước mưa rơi vào lưu vực sẽ là 10.000m2 x 0,07m = 700m3. Cơn mưa này sẽ gây ngập úng. Sau cơn mưa, 400m3 nước thoát được, còn lại 300m3 nước dềnh lên mặt đường, mặt ngõ, bình quân là 6cm (300m3 : 5.000m2 = 0,06m), sẽ thoát hết sau khoảng 45 phút nữa. Tuy nhiên, nếu tổng lượng nước của các mái che, nóc nhà hứng được là 350m3 lưu trữ sử dụng cho sinh hoạt, sẽ hoàn toàn không còn nước để gây ngập úng.

Tính toán tổng thể tích các bể lưu trữ (với hệ số an toàn cao, có dư) chống ngập cho cơn mưa 70mm/giờ liên tục 2 giờ liền, 140mm: Khả năng này khoảng 30 - 50 năm mới có 1 lần ở Tp. HCM. Tổng lượng  nước mưa  rơi xuống toàn lưu vực là 1.400m3 sẽ  được “phân bổ” như sau: Trong 1 giờ đầu tiên tiêu thoát được 400m3. Từ giờ thứ 2 nước bắt đầu ứ đọng dần dần. Cho đến hết giờ thứ hai, tổng lượng nước tiêu thoát 800m3, còn lại 600m3 nước (1.400m3 – 800m3 = 600m3) gây úng ngập sân, vườn, đường, ngõ, cây xanh, là 12cm (600m3 : 5.000m2 = 0,12m). Nếu muốn sau 2 giờ mưa, mặt đường, phố, mặt ngõ phải nhẵn sạch, không còn nước, phải có tổng các bể lưu trữ 600m3.

 

III. Nhân văn và Sinh thái

Ngày xưa ông cha ta vẫn hứng nước mưa bằng máng tre, máng trúc. Nước mưa chỉ để nấu ăn, đun nước pha trà sen thơm ngào ngạt. Con cháu mà dùng nước mưa để tắm giặt sẽ bị các  cụ la rầy. Rửa rau, vo gạo, tắm, giặt phải dùng nước hồ, nước ao. Nước hồ, nước ao đem vào nấu chín, đun sôi thì không một con vi trùng, vi rút, vi khuẩn nào có thể sống nổi mà gây hại. Nước luôn sôi ở 100oC, trong khi hầu hết vi khuẩn đều chết sạch ở 75oC. Những vùng sâu, vùng xa không có nước máy thì nước sông, suối, ao hồ luôn là nước quí. Khi nắng hạn, trời không mưa, hồ cạn, sông suối cạn thì nước vét từ đáy những vũng nước nhỏ cũng trở nên quí.

Nếu con người không làm ô nhiễm không khí, trước tiên những lá phổi của con người sẽ luôn được hưởng thụ không khí trong lành tươi mát nhất, và những giọt nước mưa sẽ là tinh khiết và thanh tao nhất. Vì nước mưa được sinh ra từ những hơi nước bốc lên ở ngoài đại dương và biển cả mênh mông. Nước máy muốn đạt độ tinh khiết như hơi nước đại dương, biển cả phải cho vào thiết bị chưng cất 2 lần. Công nghệ chưng cất, có nghĩa là nước khi được đun sôi sẽ nhanh chóng bốc hơi. Hơi nước nóng này phải chảy trong các thiết bị làm lạnh, sẽ ngưng tụ lại thành nước cất. Nước cất hai lần được đóng vào các ống, lọ thủy tinh làm nước để tiêm, hay chạy thận nhân tạo. Hoặc phải dùng công nghệ lọc thẩm thấu ngược (RO, Reverse Osmosis) có lưới lọc như một cái “rây” phân tử để có được nước siêu tinh khiết (H2O) như hơi nước ngoài đại dương, biển cả.

Chất lượng nước trong các bồn, bể chứa nước máy hiện nay có khi còn kém nước mưa. Nước ngầm sạch hơn nước mặt (sông, ngòi, ao, hồ) nhưng 30 năm qua chúng ta rút ruột lòng đất, đến nay đã hết rồi. Hầu hết các đô thị ở Việt Nam đang phải xử lý  nước mặt để có nước máy cung cấp cho người tiêu dùng. Bể chứa nước máy, nếu 2 năm mới thau rửa, khi đó dưới đáy bể thực sự là một lớp bùn. Nếu khuấy lớp này lên ta thu được 100% là nước bùn đen.

Vậy tại sao chúng ta lại không trân trọng nước mưa? Cho dù ngày nay nước mưa có bị ô nhiễm do ô nhiễm không khí gây ra, nhưng chất lượng nước mưa chắc chắn là tốt hơn  so với chất lượng nước mặt, ví dụ nước hồ Dầu Tiếng hay sông Sài Gòn mà Tổng công ty cấp nước Sài Gòn đang bỏ ra nhiều ngàn tỷ đồng để khai thác. Nước mưa hiện nay vẫn đáp ứng được đầy đủ các QCVN cho nước sinh hoạt gia đình, để đun nấu cho ăn uống. Còn hơn thế nữa, nếu hứng nước mưa bằng dụng cụ sạch, sau bắt đầu cơn mưa khoảng 3 - 5 phút, thì nước đó có thể uống ngay được, không cần đun sôi. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ cách thu hứng để sử dụng? Nước mưa là nước tinh khiết của Trời, tại sao chúng ta lại vô tâm, vô tư để nước ấy lăn đường, lăn chợ, lăn vào những cống ngập bùn đất và rác thải nên không thoát nổi phải ứ dềnh lên gây ngập úng.

Nước có trước sự sống. Nước có trước, con người có sau. Có nước rồi mới hình thành vi trùng, vi khuẩn. Vi trùng, vi khuẩn sau tiến hóa thành con người văn minh như  ngày nay. Chỉ bằng những thiết bị rất đơn giản, các nhà khoa học đã dễ dàng xác định khoảng từ 70 đến 85% khối lượng con người chúng ta (hay động vật sống) được cấu tạo từ nước. Có nghĩa là khô chất khoảng 15 - 30%.

Cách đây khoảng 100 năm, chủ nghĩa tư bản (CNTB) trên Thế giới còn là CNTB hoang dã, khai thác tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái một cách vô tội vạ. Tuy nhiên, trong khoảng 100 năm gần đây họ đã nhận ra rằng CNTB SẼ SỤP ĐỔ NẾU PHÁT TRIỂN THEO KIỂU HỦY HOẠI MÔI TRƯỜNG SINH THÁI, KHÔNG ĐỂ GIÁ CẢ PHẢN ÁNH SỰ THẬT SINH THÁI (Oystein Dahle, cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn dầu khí EXXON, Na-Uy). CNTB không giẫy chết, sụp đổ vì bản chất bóc lột những người nghèo, bóc lột giai cấp vô sản, như khoa học chủ nghĩa cộng sản đã tiên đoán. 50 năm gần đây, các nước CNTB ở Châu Âu đã chuyển thành CNTB sinh thái. Ngược lại 30 năm qua ở Việt Nam đã và đang hình thành CNTB hoang dã. Tầng lớp những người giầu có, với những dấu chân sinh thái (ecological footprint) khổng lồ đang gia tăng mạnh mẽ. Giới trẻ của chúng ta đang khát khao thực hiện lối sống có dấu chân sinh thái to lớn. Hạnh phúc được hiểu là lối sống tiêu dùng vật chất càng nhiều càng tốt. Trong khi bản chất của các hệ sinh thái lại luôn là mong manh (fragile), yếu ớt, dễ bị hủy hoại.

Có một thực tế mà chúng ta luôn cần ghi nhớ, là 1km2 sinh thái đất nước Trung Quốc chỉ phải nuôi khoảng 145 người, Campuchia là 85, Lào là 28, nhưng Việt Nam là 290 người. Còn nữa, chưa hết là 1km2 sinh thái còn phải gánh chịu bao nhiêu tạ gạo, tạ tôm cá, tạ cà phê, hạt tiêu cho xuất khẩu để nhập về những phần mềm ứng dụng (softwares, applications) nặng gần như 0 gam, hay các con chip điện tử vài gam. Tất cả doanh thu xuất khẩu nhiều triệu tấn nông lâm thủy hải sản của Việt Nam không bằng doanh thu xuất khẩu giáo dục của các trường đại học Mỹ.  Còn nữa, chưa hết là 1km2 sinh thái còn phải gánh chịu cả FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) xi măng, sắt thép, hóa chất, giấy, nhiệt điện than… biến Việt Nam thực sự trở thành một công xưởng của Thế giới. Do vậy, môi trường sinh thái đất nước ta đã bị hủy hoại  nhanh chóng chưa từng có. Kết quả là ung thư nghiệt ngã và tuyệt vọng đang đến với mọi gia đình. Mang theo tất cả những gì mà chúng ta “trấn lột” của các hệ tài nguyên sinh thái về Thế giới bên kia.

Diện tích Tp. HCM là 2.095km2. Theo thông tin trên mạng nói chung quỹ đất dành cho phát triển giao thông khoảng 8 – 12%. Giả sử đất cho các khoảng trống, công viên, cây xanh, sông  ngòi, kênh rạch, ao hồ khoảng 35 – 38%. Còn lại 50%, tức 1.050km2 là diện tích cho các mái che, mái nhà có máng thu hứng nước mưa, nhưng lại không sử dụng, dẫn chảy vào cống, rãnh. Giả sử cơn mưa lớn trên diện rộng, khắp Tp. HCM trong 1 giờ liên tục, đo được là 70mm (0,07m). Như vậy, diện tích các mái che sẽ thu hứng được 73,5 triệu m3 (= 1.050km2 x 0,07m) nước mưa sạch, vừa để sử dụng rất hữu ích trong cuộc sống, vừa cắt giảm được cần ấy nước đổ vào cống gây ngập úng. Trong khi hàng ngày Tổng công ty nước sạch Sài Gòn cung cấp tối đa khoảng 2,5 triệu m3 nước máy cho toàn thành phố. Vậy không thể nào hiểu nổi một lượng nước sạch to lớn như vậy đã thu hứng rồi lại đổ vào cống rãnh? Vì sao lại lãng phí tài nguyên như vậy?

Để các cây đa khoa học Thủy lợi trị thiên đã đề xuất Tp. HCM bỏ ra gần 230.000 tỷ đồng để xây đê bao, xây cống đập, xây đê biển đẩy nước cống, nước rãnh đến vùng đậm đặc dân cư nhưng nghèo hơn và ngập úng Tp. HCM vẫn hoàn ngập úng. Để Nhà nước phải bỏ ra gần 40.000 tỷ đồng dưới sự lãnh đạo của Bộ Xây dựng xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải lớn nhất của Việt Nam,  nhưng vẫn không thể làm sống lại được 5 con sông của Hà Nội và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở Tp. HCM, cho dù chỉ lấy có 1 ngày, sau suốt đời vận hành của dự án. Thất bại chủ yếu là do cách tiếp cận XLNT tập trung, qui mô to lớn. Duy nhất cách tiếp cận thành công ở đây phải là phân tán, phi tập trung.

Cắt giảm được 50% lượng nước mưa đổ vào các cống, kênh rạch, rõ ràng là hiệu quả chống ngập  rồi. Hơn hẳn đầu tư gần 230.000 tỷ đồng để xây 25km đê biển với 1 cống (với rất nhiều cánh đóng/mở vì độ rộng của cống đến 2km) ngăn nước biển và 172km đê bao với 12 cống ngăn triều (bịt kín miệng các kênh, rạch, tại những điểm giao cắt với sông Sài Gòn, sông Soài Rạp và sông Vàm Cỏ) và những âu tầu nữa để chống ngập cho Tp. HCM. Đê biển sẽ bịt miệng sông Sài Gòn và Soài Rạp. Những dòng  nước với tôm cua, cá ốc đã ngàn năm giao lưu, tự do thông thương giữa kênh, rạch, sông và biển cả nay bỗng dưng bị chặn lại. Dòng nước và tôm, cua, cá, ốc chỉ được đi theo một chiều (chiều ra) vào những giờ nhất định khi các cửa cống mở.

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, tác giả của đề xuất, mới chỉ nghĩ đến góc độ là chống ngập theo cách phân tán, phi tập trung. Tôi trân trọng và đánh giá cao đề xuất này. Đó là giải pháp tôi chưa nghĩ ra, khi tôi đề xuất với UBND Tp. HCM chỉ có 5 giải pháp “mềm”, phi công trình để chống ngập úng tại bài viết “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về  nguyên nhân ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh” gửi ông Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh (ngày 30/8/2018). Trong đó tôi đã chỉ ra 5 nguyên nhân cơ bản gây nên ngập úng Tp. HCM và tương ứng đề xuất 5 giải pháp “mềm”, phi công trình cần triển khai thực hiện.

Tại bài viết ấy tôi đã có 4 phát hiện mới, rất quan trọng trong khoa học quản lý thoát nước, mà các nhà khoa học Thủy lợi của ta chưa nghĩ tới, đó là:

  1. Qui luật “Lưu lượng nước thoát của toàn bộ tuyến cống được quyết định bởi đoạn cống yếu nhất”; 
  2. Một qui luật của tự nhiên, riêng cho Tp. HCM và các tỉnh giáp biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, mà ông Trời đã ban tặng cho vùng này. Đó là “Vào mùa mưa, mực nước cao nhất của sông (đã bao gồm cả đỉnh triều) luôn thấp hơn mực nước cao nhất trong mùa khô, khoảng 8cm”. Đây cũng là một nghịch lý khoa học với suy diễn thông thường của chúng ta;
  3. Theo tính toán của tôi trong giai đoạn 10 năm (2005 – 2015), độ sụt lún nền móng toàn Tp. HCM bình quân 2,4cm/năm. Tổng 10 năm là 24cm.
  4. Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 là bảo vệ khu vực giàu, đẩy úng ngập đến khu vực nghèo, làm họ sẽ bị ngập úng nặng hơn. 

UBND thành phố tại công văn số 11779/VP-ĐT ngày 25/10/2018 đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu. Ngày 19/11/2018, Sở có văn bản số 3201/SNN-CCTL báo cáo Ủy ban Nhân dân Tp. HCM như sau “Những giải pháp mềm phi công trình nêu trên thật sự rất phù hợp và cần thiết, đặc biệt với một thành phố đang hướng tới thành phố thông minh, thân thiện môi trường như thành phố Hồ Chí Minh. Do đó  cần phải khẩn trương nghiên cứu để đề ra giải pháp chống ngập phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của thành phố trong thời gian tới”.

Căn cứ vào báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi lãnh đạo UBND Tp. HCM về những kiến nghị, đề xuất của tôi, ngày 12/3/2019 ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã ký công văn số 839 giao Sở Xây dựng  chủ trì cùng với Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố triển khai, cụ thể hóa 5 giải pháp mềm, phi công trình mà tôi đề xuất cho thành phố.

Giải pháp dùng lu chống ngập úng, hay những bể chứa nước mưa phân tán, phi tập trung rất nhân văn, sinh thái, thực sự đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của Phát triển bền vững. Tôi xin nhắc lại, với một đất nước đến 1,5 tỷ dân, đông nhất Thế giới như Trung Quốc, nhưng 1km2 sinh thái lãnh thổ của họ chỉ phải nuôi có 145 người thôi, trong khi chúng ta là 290 người, gấp đôi họ. Trung Quốc hiện đang có dư thừa tài chính để đi mua đất đai hay các cơ sở vật chất kỹ thuật ở một số  nước khác. Thiếu hụt về khả năng đáp ứng của các hệ sinh thái giữa các  quốc gia ngày nay không thể giải quyết bằng chiến tranh xâm lược được. Trong tương lai chỉ có chiến tranh thương mại để giải quyết vấn đề này. Ví dụ, xuất khẩu 1 chiếc smartphone nặng 350 gam chứa đầy những chất xám và trí tuệ trong đó có giá khoảng 500 USD tương đương với hơn 1 tấn gạo xuất khẩu của chúng ta.

Các lãnh đạo chính trị và các nhà khoa học của chúng ta đang nói rất nhiều về nền kinh tế trí thức, xây dựng thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, cách mạng công nghiệp 4.0; vậy tại sao lại không thực hiện việc nước mưa đã thu được sao không lưu trữ, phục vụ cho nấu nướng, ăn uống, tắm giặt và tưới cây, tưới vườn? đồng thời có tác dụng chống ngập lụt nữa, mà lại lãng phí đổ đi là nguyên nhân chính gây ngập úng?

Nếu coi nước mưa là tài nguyên quí như ông cha ta, chúng ta sẽ có thừa sáng tạo để làm nhiều bể, bồn, nổi và chìm để lưu trữ như nước máy. Chất lượng nước sẽ hết ý khi có dụng cụ tự động đơn giản để 2 hoặc 3 phút đầu cho nước mưa chảy vào cống, bỏ đi. Sau đó là nước sạch thu hứng vào bể, bồn chứa có nắp đậy kín. Thật đáng tiếc khi để một lượng nước sạch to lớn như vậy, thu hứng rồi lại đổ vào cống rãnh làm khổ chính chúng ta.

Chỉ cần chúng ta có một chút tình yêu đối với môi trường và các hệ sinh thái, là chúng ta thừa sức làm được. Người Châu Âu ngày nay rất tự hào, hãnh diện khi lối sống, tiêu dùng của họ tạo ra dấu chân sinh thái bé nhỏ. Tuy nhiên họ lại rất khiêm tốn khi nói rằng, không phải do họ nghĩ ra, mà họ học được tư duy và triết lý sống của người phương Đông ngày xưa, trong đó có ông cha chúng ta, các cụ Việt Nam ngày xưa. Họ cũng nói rằng, những tư duy và triết lý sống lỗi thời ngày xưa của họ thì giới trẻ Việt Nam ngày nay lại đang coi là mốt, tân tiến, hiện đại.

 

IV. Tổ chức thực hiện như thế nào trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, nền kinh tế trí thức và thành phố thông minh?

Tổng 600m3 nước Trời thu hứng chia cho 100 hộ gia đình. Vậy mỗi nhà cần có bể chứa 6m3. Bố trí như sau: 1 bể chứa 1m3 ở trên cao, sân thượng, còn lại 5m3 ở dưới tầng trệt. Vì bể chứa nước này là để phục vụ cho mục đích chống ngập và bảo vệ tài nguyên nước, nên thành phố cần hỗ trợ người dân. Cụ thể như sau: Cho phép xây 1 bể ngầm 3 hoặc 4m3 ở dưới vỉa hè đi bộ, ngay trước mặt tiền của nhà, và hỗ trợ 70% kinh phí xây dựng, có kích thước bên trong cụ thể là 1m x 3m x 1,2m (hoặc 1,5m) sâu. Hộ gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn, thành phố hỗ trợ 100% kinh phí. Đáy bể nên có độ dốc, chênh lệch hai đầu khoảng 10cm, để tạo điều kiện xuống bể thau rửa, vét nước cặn đáy. 1 hoặc 2m3 nước còn lại người dân sẽ phải tự đầu tư, xây dựng trong nhà mình. Các chuyên gia về cơ khí có thể nghĩ thiết kế phễu thu nước mưa, sao cho 3 phút mưa đầu tiên nước bẩn từ bụi trên các nóc nhà bị gạt bỏ đi cho chảy xuống cống. Sau 3 phút mưa, nước mưa sạch cho chảy vào bể.

Khi người dân yêu thành phố của mình, khi người dân muốn cuộc sống của mình được tiện nghi hơn, không có úng ngập, khi người dân nghĩ đến ông cha ta quí trọng nước mưa, khi người dân nghĩ sẽ giảm được tiền sử dụng nước máy, với một kinh phí nhất định đầu tư cho ban đầu nhưng sẽ sử dụng được lâu dài, khi đó người dân sẽ ủng hộ chủ trương này do UBND thành phố ban hành.

Chúng ta cần luôn nhớ rằng xu thế phát triển của Thế giới trong nhiều lĩnh vực là rất dân chủ, phân tán, phi tập trung. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng thì làm gì cũng thành công.

Giải pháp “Dùng lu chống ngập” luôn có hai mặt gắn bó hữu cơ với nhau, không thể tách rời. Đó là CHỐNG NGẬP và NHÂN VĂN SINH THÁI.

 

V. Kiến nghị

Từ những phân tích trên tôi xin kiến nghị với UBND Tp.HCM là giao PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân (Trưởng Khoa Đô thị học, trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) một đề tài nghiên cứu nhằm triển khai một dự án thử nghiệm đầu tiên cho một tiểu lưu vực thường xuyên bị ngập úng nặng nhất của Tp. HCM. Tên đề tài là “Chống ngập úng cục bộ cho khu vực X bằng các bể chứa nước mưa cho sinh hoạt, phân tán, phi tập trung”. Thời gian nghiên cứu khoảng 1 năm rưỡi. Kết quả của đề tài nghiên cứu sẽ làm căn cứ để xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi cho một dự án đầu tư có cùng tên với đề tài nghiên cứu.

Nguyễn Đức Thắng 

[ Tham khảo thêm: Thuỷ lợi và úng ngập Thành phố Hồ Chí Minh ]


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
0 # lê minh trang 05/10/2019 23:05
bác có tính đến việc triều cường của các sông dâng lên không
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo