Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Phản biện Thu phí ô tô vào trung tâm: Nên làm nhưng vẫn phải phát triển giao thông công cộng

Thu phí ô tô vào trung tâm: Nên làm nhưng vẫn phải phát triển giao thông công cộng

Viết email In

Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa đề xuất chính quyền thành phố đầu tư 250 tỉ đồng để xây 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm. Mục tiêu nhằm giảm ùn tắc giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế lượng ô tô cá nhân, giúp phát triển giao thông công cộng và hạ tầng giao thông.

Về mặt pháp lý, TPHCM có sự thuận lợi khi được áp dụng Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có nội dung đối với một số loại phí chưa có trong Luật Phí và lệ phí.


Hy vọng khi thu phí ô tô, mặt đường sẽ thông thoáng hơn và có thể bố trí làn riêng, làn ưu tiên cho xe buýt. (Ảnh: Lê Anh)

So với đề án lần trước (đề xuất tư nhân đầu tư xây 36 cổng thu phí, vốn đầu tư lên đến hơn 1.500 tỉ đồng) đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và lo ngại không hiệu quả, đề án lần này cơ bản được làm rõ, hợp lý hơn. Như sau khi triển khai xây dựng xong các cổng thu phí, sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành và khai thác. Nguồn thu sẽ nộp ngân sách thành phố nhằm tránh dư luận phản đối tiêu cực. Mức phí đề xuất thu là 40.000 đồng/lượt đối với ô tô con và 50.000 đồng/lượt đối với ô tô khách; taxi là 30.000 đồng/lượt; không thu phí xe buýt. Dự kiến thời gian tổ chức thực hiện thu phí từ 2019-2021.

Theo tính toán trong đề án, năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ô tô vào khu trung tâm giờ cao điểm có thể sẽ giảm tới 49%, khả năng nhường đường cho xe buýt tăng từ 9% lên 15%.

Hiện TPHCM có 7,6 triệu xe máy và hơn 700.000 ô tô. Mỗi tháng có 30.000 phương tiện đăng ký mới, tức bình quân mỗi ngày có 1.000 phương tiện đăng ký mới. Theo số liệu thống kê, lượng ô tô trên địa bàn thành phố đã tăng hơn 15% trong sáu tháng đầu năm 2019. Mật độ giao thông trong nội đô đã quá tải.

Sở dĩ phương tiện cá nhân tiếp tục tăng cao là do giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu. So với mục tiêu giao thông công cộng thành phố sẽ phải đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2020 thì hiện xe buýt vẫn chưa đáp ứng tới 10% nhu cầu.

Nguyên nhân được cho là do xe buýt di chuyển chậm, không đúng giờ, bỏ trạm khi kẹt xe. Hễ càng chậm phát triển giao thông công cộng thì càng khó hạn chế phương tiện cá nhân. Khu trung tâm hiện rất khó mở rộng đường, trước mắt chỉ có thể hướng đến các giải pháp phi công trình. Trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, khi chưa đủ điều kiện cấm xe máy, phương án khả thi hơn là hạn chế ô tô.

Thế nhưng hiệu quả của việc thu phí ô tô vào trung tâm cao hay thấp, thiết nghĩ còn tùy vào thời điểm triển khai có thích hợp hay không. Hơn nữa, mục tiêu hàng đầu vẫn phải là phát triển giao thông công cộng. Nên chăng việc tổ chức thu phí hạn chế ô tô được tính toán thực hiện vào khoảng giữa hoặc cuối năm 2021, đó là thời điểm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đưa vào vận hành. Khoảng thời gian từ nay đến đó cần tập trung công tác chuẩn bị cho tốt hơn để hạn chế tối đa những bất cập.

Hy vọng khi thu phí ô tô, mặt đường sẽ thông thoáng hơn và có thể bố trí làn riêng, làn ưu tiên cho xe buýt. Làn riêng cho xe buýt trên tuyến đường rộng vẫn có thể sử dụng cho các loại xe cứu hỏa, cứu thương, xe của lực lượng công an, quân đội, ngoại giao hoặc làm nhiệm vụ khẩn, kể cả xe tang, và tùy điều kiện, có thể cho phép cả xe khách từ 12 chỗ trở lên. Làn ưu tiên cho xe buýt trên những đường hẹp hơn cũng có thể cho phép xe máy hay ô tô lưu thông nhưng buộc phải nhường đường mỗi khi có xe buýt. Như vậy, xe buýt sẽ di chuyển nhanh hơn, tận dụng tối đa mặt đường.

TPHCM muốn giảm kẹt xe, muốn xe buýt trở thành phương tiện giao thông công cộng thu hút nhiều người sử dụng thì không cách gì khác là phải tạo điều kiện thuận lợi cho xe buýt di chuyển nhanh và an toàn.

Trần Văn Tường

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo