Ashui.com

Wednesday
Dec 18th
Home Tương tác Phản biện Vai trò của lý luận nhận diện giá trị di sản

Vai trò của lý luận nhận diện giá trị di sản

Viết email In

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của đất nước, đô thị mở rộng, nông thôn mới được xây dựng, đời sống nhân dân được nâng cao thì chính sự phát triển đó cũng đã cuốn đi nhiều giá trị di sản văn hóa vô giá mà các thế hệ cha ông đã để lại cho chúng ta.

Trong sự lúng túng, chậm chễ, hoạt động chưa hiệu quả của công tác bảo tồn có một phần lỗi từ sự thiếu vắng các cơ sở lý luận, mà trong đó lý luận về nhận diện giá trị di sản tại Việt Nam là một trong những lý luận quan trọng, là cơ sở để có các giải pháp bảo tồn đúng đắn, thực sự chưa được quan tâm nghiên cứu và xây dựng một cách có bài bản.


(nguồn: Ashui.com)

Trước hết phải khẳng định nhận diện giá trị là công việc khó khăn, phức tạp. Nếu nói về niên đại, không hẳn cứ công trình cũ hơn thì giá trị hơn công trình mới. Di sản kiến trúc, đô thị, cảnh quan không phải là đồ cổ. Một cái bát cổ sứt sẹo với người buôn đồ cổ thì quý, với người thường thì nó không bằng cái bát lành lặn có thể dùng ăn cơm hàng ngày.

Nói về thẩm mỹ khiến trúc hay nghệ thuật, cũng chưa hẳn những công trình cũ đã đẹp hơn những công trình mới. Nói về công năng, một ngôi nhà sắp đổ, dù có niên đại vài trăm tuổi, phải đóng cửa, xiêu vẹo rêu phong cũng đâu có giá trị bằng ngôi nhà mái bằng mới xây có đủ tiện nghi.

Trong công trình tưởng niệm, có những miếu cổ đổ nát bên gốc Đa già luôn có người đi qua khấn vái, hương hoa mùng một, ngày rằm, còn nhiều tượng đài nguy nga lại vắng vẻ. Giá trị tinh thần, tâm linh không hẳn đo đếm bằng khối tích và tiền bạc xây dựng.

Rồi ngay trong một chiếc cổng làng có rễ cây xù xì bám xung quanh, cũng cần bàn luận xem cái cổng cũ sắp đổ quý hơn hay cái cây cổ với rễ cây xù xì đó, nguyên nhân làm cái cổng bị đổ quý hơn, dù cái cây hình thành sau cái cổng cả trăm năm.

Phức tạp hơn nữa là sự chồng lớp nhiều dấu ấn kiến trúc, lịch sử qua thời gian. Công trình kiến trúc ở nước ta thường làm bằng gỗ, nhiều lắm sau 50 năm cũng phải thay thế, trùng tu. Có khi móng nhà Lý, cột thời Trần, Lê, mái thời Nguyễn, thật khó biết đâu gọi là di tích gốc trùng tu, sửa chữa.

Hơn thế nữa, với từng nhóm người tham gia công tác bảo tồn, nhận diện giá trị di sản khác nhau thì cũng dễ có quan điểm khác nhau.


(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Với các nhà chuyên môn, mặc dù đã được đào tạo tuân thủ một số nguyên tắc trong bảo tồn như Hiến chương Athens về trùng tu di tích lịch sử (1931), Hiến chương quốc tế về Bảo tồn và Trùng tu di tích, di chỉ (Hiến chương Venice - 1964), Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (1972), Hiến chương của ICOMOS Autralia về bảo vệ các địa điểm di sản có giá trị văn hóa (Hiến chương BURRA - 1979, sửa đổi 1981, 1988, 1999), Hiến chương Florence (1981) về bảo tồn các hoa viên lịch sử, Hiến chương về bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ học (1990), Văn kiện Nara về tính xác thực (1994), Công ước quốc tế về du lịch văn hóa (1999), Hiến chương về di sản xây cất bản xứ (1999)… Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Bộ Văn hóa -Thông tin 2003). Tuy nhiên trong quá trình áp dụng vẫn có những cách hiểu khác nhau gây tranh cãi, bởi những văn kiện bối cảnh của mỗi nước, mỗi trường hợp cần có sự vận dụng cho phù hợp.

Khó hơn nữa đó là cộng đồng xã hội, những người không có chuyên môn, không được học về bảo tồn, nhưng có quyền bàn luận, có quyền đưa ra quan điểm về nhận diện giá trị. Vì giá trị văn hóa cũng chính là giá trị được cộng đồng công nhận qua thời gian. Tiếng nói của số đông, nói nhiều trở thành chân lý, đúng đắn, đặc biệt trong thời đại truyền thông kỹ thuật số phát triển.

Thường có ý kiến không đồng tình, thậm chí bất bình với những nhận diện giá trị khác với mình chính là những người đang sở hữu di sản đó. Có một cái giếng cổ trong một ngôi nhà ở tại một làng chúng tôi nghiên cứu, hàng ngày lác đác lại có người đến xem, quấy rầy gia chủ, người chủ nói đùa rằng, “thôi tôi cho các anh cái giếng, mang nó đi đâu cũng được”, vì giếng này gia đình cũng đâu có cần nữa, họ dùng nước máy từ lâu rồi, xét về sử dụng nó cũng chẳng còn giá trị.

Những lập luận trên đây đưa ra để thấy vai trò quan trọng của lý luận nhận diện giá trị. Cần đưa ra được những nguyên tắc, cách làm sao cho những quan điểm, cách đánh giá đưa ra được nhiều người đồng thuận nhất rồi mới bàn đến cách làm, phương pháp để nhận diện giá trị đó. Nếu nhận diện giá trị không đúng, không thống nhất thì các giải pháp bảo tồn đưa ra lại còn tranh cãi theo cấp số nhân, phức tạp gấp bội.


(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cần xây dựng lý luận nhận diện giá trị tích hợp

Thực tế trong công tác bảo tồn thời gian qua cho thấy, mặc dù chúng ta đã có các phương pháp nhận diện giá trị khoa học, tuy nhiên đánh giá thường là tốt với các công trình bảo tồn di sản “tĩnh”, độc lập, ít liên đới đến đời sống đương đại như lăng tẩm, thành cổ, chùa, tháp… Với các di sản văn hóa “sống” như đình làng, nhà cổ, khu vực đô thị cũ, làng cổ… các di sản cùng tồn tại với cuộc sống đương đại thì việc nhận diện di sản chưa thật sự được nhìn nhận đầy đủ.

Điều quan trọng nhất là cần có quan điểm nhìn nhận giá trị tích hợp. Trong bối cảnh lịch sử, văn hóa của Việt Nam, với đặc trưng di sản đô thị, nông thôn, xin đưa ra 3 nhóm giá trị:

Nhóm 1: Giá trị tự thân của công trình, khu vực di sản: Bao gồm các giá trị như:

- Giá trị kiến trúc, nghệ thuật: Những giá trị nổi bật, tiêu biểu cho một phong cách, loại hình kiến trúc, trang trí hay điêu khắc, tiêu biểu cho một giai đoạn, có tính toàn vẹn còn được giữ gìn…

- Giá trị lịch sử: Giá trị về niên đại, thể hiện sự hiếm có của di sản còn lại qua thời gian, thể hiện sự tiêu biểu của hiện vật với một giai đoạn lịch sử, công trình hay không gian là chứng tích cho những sự kiện lịch sử.

- Giá trị phương thức xây dựng truyền thống, tri thức bản địa: Giá trị văn hóa của phương thức xây dựng, kỹ thuật xây dựng, các kinh nghiệm bản địa đặc sắc, rất đáng để các thế hệ sau học tập.

- Giá trị văn hóa phi vật thể trong công trình: Các giá trị văn hóa về tín ngưỡng, phong tục tập quán truyền thống, nghệ thuật biểu diễn… tồn tại đi kèm với công trình kiến trúc, không gian.

Nhóm 2: Giá trị kế thừa, chuyển tiếp trong bối cảnh đương đại. Giá trị này nếu nhìn về thời gian coi là gốc của di sản thì nó chưa hình thành, mà nó được hình thành dần cho đến ngày hôm nay.

- Giá trị cảnh quan: Các tổ hợp cây xanh, mặt nước, địa hình, bầu trời. Các yếu tố này thường xuyên thay đổi, tuy có được dựa trên một số yếu tố chính như cây cổ thụ, bờ sông, bến nước… nhưng vẻ đẹp của nó là sự kết tinh qua thời gian, đặc trưng của sự phát triển sinh học của cây, của sự thay đổi tự nhiên khí hậu, thời tiết tác động đến địa hình, không có các giá trị gốc tuyệt đối.

- Giá trị dấu ấn nơi chốn, tạo bản sắc, tính biểu tượng cho khu vực: Giá trị này không hẳn là giá trị lịch sử bởi có thể nó được tái hiện, tái tạo hoặc phục dựng phần vỏ để giữ phần hồn. Một chiếc cổng làng xây mới, không đặt ở vị trí cũ, không có chút nào giống với mẫu cũ vẫn mang giá trị dấu ấn nơi chốn, tạo bản sắc làng Việt vì nó đã chuyển hóa thành giá trị biểu tượng về tính riêng của làng trong đời sống đương đại.

- Giá trị tạo lập môi trường sống, sinh thái, sinh thái nhân văn: Giá trị này cũng có tính động rất cao. Hệ thống mặt nước làng xã giai đoạn trước năm 1954 có vai trò tạo lập cân bằng hệ sinh thái nước, tạo sự đa dạng sinh học. Hiện nay chu trình cấp - thoát nước đã có sự can thiệp thêm của công nghệ, vai trò sinh thái của nó suy giảm nhưng vẫn có vai trò về môi trường giảm nhiệt đô thị… vẫn có thể khôi phục được sự đa dạng sinh học nếu có các giải pháp phù hợp.

- Giá trị văn hóa xã hội đương đại: Khi một công trình cũ nằm trong một khu vực dân cư hiện tại nó đều phải có sự chuyển biến để có một giá trị nhất định trong đời sống đương đại, nếu không trước sau cũng bị phá bỏ. Cổng làng, giếng làng, cầu đá, nhà cổ, cổng nhà, tường rào cũ… trong làng truyền thống là những ví dụ điển hình về sự mong manh trong giá trị văn hóa xã hội đương đại. Vì vậy đánh giá giá trị của chúng cũng phải đặt trong câu hỏi liệu chúng có giá trị gì trong đời sống đương đại, chúng có khả năng tiếp nhận, dung nạp thêm các chức năng mới, phù hợp với cuộc sống đương đại không.

Sự tích hợp giá trị của nhóm 1 và nhóm 2 không phải là phép cộng. Giá trị di sản khi tích hợp các giá trị nó được nhân giá lên gấp bội. Vì vậy rất cần nhìn nhận giá trị một cách đầy đủ, hệ thống.

Nhóm 1 thiên về giá trị tự thân của di sản, khả năng bảo tồn, nhóm 2 thiên về giá trị đương đại, khả năng phát huy giá trị. Nếu tích hợp đầy đủ thì ý nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị đã có cơ sở để cùng tồn tại. Nếu di sản có giá trị nhóm 1 thì chưa có gì chắc chắn để có thể bảo tồn thành công. Nhìn nhận đầy đủ nhóm giá trị giúp cho việc định hướng gìn giữ phát huy giá trị có tính khả thi vì có thể giá trị này không cao, bù lại đã có các giá trị khác. Các giải pháp bảo tồn, tu bổ cũng cần nhìn tới mục tiêu tích hợp này, tránh những mục tiêu đơn lẻ, việc đầu tư kém hiệu quả.

Giữa nhóm 1 và nhóm 2 việc tích hợp cũng có thể tạo ra xung đột, ví dụ lũy tre làng nếu giữ thì tốn đất, khó mở rộng quy mô đất ở, cổng làng nếu giữ thì không có lối ôtô vào làng, nhà cổ đô thị giữ thì khó xây dựng nâng tầng tạo hiệu quả sử dụng đất. Việc giải bài toán xung đột đó chính là để công tác bảo tồn có kết quả.

PGS.TS Phạm Hùng Cường - Trưởng Khoa Kiến trúc Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...