Hiện nay, từ đô thị đến nông thôn đã xảy ra tình trạng nhiều công trình kiến trúc có giá trị di sản văn hóa - thuộc sở hữu tư nhân hoặc sở hữu của một tổ chức - bị xuống cấp hư hỏng nặng nề, do nhu cầu cuộc sống mà chủ sở hữu đã sửa chữa, cơi nới làm mất đi nhiều giá trị lịch sử - kiến trúc, hoặc phổ biến hơn là phá đi để xây công trình mới... Bên cạnh đó việc chưa quan tâm đúng mức đến các công trình có giá trị di sản của tư nhân (nhà cổ, biệt thự) và cộng đồng như “làng cổ Đường Lâm”, các công trình công giáo như nhà thờ, tu viện... cũng làm cho vốn di sản của quốc gia mai một rất nhiều!
Được xây dựng từ thời Pháp hơn 100 năm trước, ngôi nhà số 237 (số cũ 227) trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh (TP.HCM) là một trong số những căn biệt thự hiếm hoi còn sót lại của Sài Gòn xưa. Ảnh: TL
Còn nhớ vài năm trước đây lúc ngôi biệt thự cổ ở đường Nơ Trang Long quận Bình Thạnh (TP.HCM) bị phá dỡ, báo chí và các nhà nghiên cứu lên tiếng thì chính quyền vào cuộc nên chủ nhà phải tạm dừng. Nhưng rồi sau đó không có giải pháp cụ thể để đưa công trình vào diện bảo tồn, trùng tu... nên chỉ vài tháng sau công trình đã bị tháo dỡ hoàn toàn, nhằm đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu xây công trình mới của chủ sở hữu mới.
Hay nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh) - đã tồn tại một thời gian dài như một phế tích tuyệt đẹp bởi kiến trúc và dấu ấn thời gian - đã bị phá đi để xây dựng nhà thờ mới. Gần đây sự việc nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) có tuổi đời hơn 130 năm được quyết định “hạ giải, đại trùng tu” một lần nữa lại đặt ra vấn đề: ứng xử thế nào với các công trình có giá trị di sản văn hóa nhưng chưa được xếp hạng và thuộc sở hữu của một tổ chức hoặc sở hữu tư nhân.
Luật Di sản văn hóa Việt Nam (2001) quy định tại điều 1: “di sản văn hóa là “sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Có nghĩa di sản văn hóa không chỉ là những gì đã được công nhận hay xếp hạng di tích.
Như vậy, những công trình qua thời gian đã tích tụ trong đó giá trị nhiều mặt (lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật...) trở thành di sản là một sự thật khách quan. Nếu cộng đồng nhận thức, bảo vệ và duy trì những giá trị ấy thì công trình trở thành “tài sản văn hóa” của cộng đồng và đóng góp vào kho tàng di sản quốc gia và nhân loại. Nhưng nếu không nhận thức được, hoặc hiểu biết mà cố tình phá hủy một công trình có giá trị nhưng “chưa được xếp hạng” thì thực chất việc đó là hủy hoại di sản văn hóa.
Để hạn chế tình trạng này cũng là nhằm mục đích bảo vệ kịp thời những di sản văn hóa chưa được xếp hạng, Luật Di sản văn hóa sửa đổi và bổ sung năm 2009 đã quy định ở khoản 14 điều 4: “Kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa”. Do đó những công trình đã được kiểm kê tức là bước đầu được công nhận giá trị và cần được ứng xử đúng với tính chất là di sản văn hóa, từ đó sẽ xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Tuy nhiên trong thực tế, khi giải quyết các vấn đề phát sinh (như chuyển đổi sở hữu, xin phép sửa chữa hay xây mới...) thì công trình có giá trị di sản mà chưa được “xếp hạng” lại liên quan và chịu sự điều chỉnh của luật lệ, quy định khác (Luật Đất đai, Luật Xây dựng...) và không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Chủ sở hữu những công trình này hầu như không muốn được “xếp hạng” vì tâm lý lo ngại, thiếu niềm tin: Nhà nước sẽ “quản lý” thậm chí “sở hữu” công trình, đất đai của mình, không thể chuyển đổi sở hữu; thủ tục sửa chữa xây dựng khó khăn, phải chịu sự “can thiệp” của chính quyền; sử dụng công trình di sản phải theo Luật, không thể tùy tiện...
Đây chính là chỗ phản ánh mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản văn hóa và cuộc sống của người dân, là chỗ “ách tắc” mà cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt khi giải quyết thực tiễn. Luật Di sản văn hóa (2001) quy định ở điều 9 khoản 2: “Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Chủ sở hữu di sản văn hóa có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Như vậy, quyền sở hữu hợp pháp về công trình di sản của chủ sở hữu được luật pháp thừa nhận và bảo vệ.
Biệt thự 237 trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh đã bị tháo dỡ hoàn toàn. Ảnh: TL
Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21.9.2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, quy định tại Điều 13 về Lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích. Theo đó, hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích bao gồm: đơn đề nghị xếp hạng của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích; và một số tài liệu khác.
Việc này có ý nghĩa: chính quyền thừa nhận và tôn trọng quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đối với công trình; bản thân tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích nhận thức được ý nghĩa và giá trị di sản của công trình; đồng thuận và hợp tác với cơ quan chức năng làm hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích; thể hiện trách nhiệm bảo tồn và trao truyền cho thế hệ sau di sản mà mình đang sở hữu, quản lý.
Tất cả những điều khoản trên của Luật Di sản văn hóa dựa trên nền tảng xã hội đã có nhận thức và ý thức trách nhiệm về di sản văn hóa. Đồng thời có sự liên kết và đồng bộ giữa các cơ quan thực thi các bộ luật liên quan đến di sản văn hóa. Tuy nhiên, thực tế thì ngay các công trình thuộc sở hữu nhà nước hay do cơ quan nhà nước quản lý và sử dụng, khi làm hồ sơ xếp hạng di tích cũng còn khó khăn, vì vậy việc thuyết phục cá nhân hay tổ chức sở hữu, quản lý công trình có giá trị di sản đồng thuận để xếp hạng di tích không hề dễ dàng nếu chỉ căn cứ theo luật định.
Ngoài những trở ngại về tâm lý (do hoàn cảnh lịch sử để lại và thực tế đã xảy ra) và nhận thức (do chưa được tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong cộng đồng), một vấn đề luôn được đặt ra là nếu đồng ý xếp hạng di tích, tức là đóng góp thêm cho nhà nước “di sản văn hóa” thì ngược lại, cá nhân hay tổ chức sở hữu di sản sẽ thụ hưởng gì về vật chất và tinh thần từ “tài sản của mình”, nhất là những bất động sản có giá trị kinh tế cao? Việc sử dụng di tích sau khi xếp hạng có đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân hay của cộng đồng hay không? Và nếu công trình hư hỏng, xuống cấp thì kinh phí đâu để sửa chữa, trùng tu và bảo tồn lâu dài?...
Khi chưa được giải đáp rõ ràng những vấn đề này thì việc xếp hạng di tích, bảo tồn di sản sẽ còn xảy ra nhiều trường hợp như những ví dụ trên. Không chỉ kêu gọi tinh thần, ý thức “bảo tồn di sản” chung chung mà cần có chính sách, luật định cho việc bảo tồn di sản thực sự trở thành “ích nước lợi nhà”, như kinh nghiệm và bài học ở nhiều quốc gia đã có.
TS. Nguyễn Thị Hậu
(Người Đô Thị)
- Thu phí ô tô vào trung tâm: Nên làm nhưng vẫn phải phát triển giao thông công cộng
- Ùn tắc giao thông lỗi không riêng dân, sao lại đòi thu phí?
- Tu bổ di tích: Quan trọng nhất là yếu tố con người
- Vai trò của lý luận nhận diện giá trị di sản
- Đồng bằng sông Cửu Long cần cơ chế đặc biệt để sống còn
- Những ai băm nát quy hoạch Thủ đô?
- Từ một Hà Nội chặt, dời hàng ngàn cây xanh đến những định nghĩa mù mờ về đô thị
- GS Đặng Hùng Võ: Tham nhũng trong thu hồi đất theo dự án rất lớn
- Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam
- Giải bài toán quy hoạch đô thị và kết nối giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất