Ashui.com

Wednesday
Dec 18th
Home Tương tác Phản biện Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam

Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam

Viết email In

Mỗi thời đại, mỗi dân tộc cần diễn tả đức tin bằng ngôn ngữ biểu tượng của thời đại mình đang sống. Đó là nền tảng cho một tiến trình “hội nhập văn hóa”. Hiến chế về Phụng Vụ thánh số 124 khẳng định: “Giáo hội đã không hề coi một kiểu nghệ thuật nào như là của riêng, nhưng công nhận các kiểu của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc… những kiểu nghệ thuật này, trải qua các thế kỷ, đã tạo nên một kho tàng nghệ thuật cần phải hết sức duy trì cẩn thận.”

Nhiệm vụ kế thừa, bảo quản kho tàng di sản đức tin ấy được Giáo hội giao cho các đấng bản quyền địa phương. Theo Quy chế Tổng quát sách lễ Roma số 291, việc xây dựng, sữa chữa, và bố trí các nhà thờ cho đúng ý nghĩa, tất cả những người có liên quan cần phải bàn hỏi Ban Phụng vụ và nghệ thuật thánh của Giáo phận. Những chuyên viên kiến trúc, nghệ thuật và phụng vụ cùng các chuyên viên giáo phận là những người cộng tác không thể thiếu trong việc phân định các công trình được xem là tài sản của Giáo hội(1) . Họ sẽ làm cố vấn cho Đức Giám mục về vấn đề xây cất, nghệ thuật và giúp Đức cha quyết định cấp phép hay không cấp phép trùng tu, xây mới nhà thờ hoặc khi giải quyết một vấn đề nhạy cảm quan trọng liên quan đến vấn đề xây dựng, trùng tu.


Ảnh minh họa: Nhà thờ chính toà Bùi Chu - một nhà thờ Công giáo Roma, tọa lạc ở xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. (nguồn: wikimapia.org)

Để bảo tồn, trùng tu hay xây mới một nhà thờ không phải chỉ dựa vào tiềm lực tài chính của giáo xứ vì muốn nhà thờ cho to, cho đẹp để lấy tiếng hay sở thích hay không thích của linh mục, của giáo dân nhưng phải từ nhu cầu chính đáng, cấp thiết của giáo xứ, của giáo phận. Nhu cầu chính đáng ở đây trước hết là sự xuống cấp nghiêm trọng của nhà thờ, hư hỏng nặng nếu kéo dài thêm sẽ nguy hiểm cho giáo dân, cho tài sản của giáo giáo phận. Thứ hai là vấn đề mục vụ giáo dân, giáo dân ngày càng phát triển, nhà thờ cũ không đủ sức chứa cho việc cử hành thánh lễ và những sinh hoạt cộng đồng của giáo xứ. Khi đã hội đủ hai điều kiện trên, cha sở và giáo xứ phải suy xét nên xây mới hay tu sửa sao cho phù hợp và đệ trình lên Giáo phận.

Giám mục Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Thánh Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết, đối với những công trình kiến trúc nhà thờ có chiều dài lịch sử lâu đời, có những giá trị văn hóa gắn với dân tộc cần phải được giữ gìn và bảo tồn, khi trùng tu phải giữ đúng nguyên trạng, tránh làm thay đổi cấu trúc ban đầu, những họa tiết trang trí... Theo đó, những tiêu chí cần được xem xét trong việc bảo tồn một công trình kiến trúc văn hóa nhà thờ Công giáo(2):

Tính lịch sử:

“Nhà thờ không phải là một công trình nghệ thuật vị nghệ thuật, được xây dựng chỉ để mọi người chiêm ngưỡng, mà trước tiên là ngôi nhà của cộng đồng ở một địa phương có một lịch sử nhất định, và sự gắn bó giữa cộng đồng giáo xứ với ngôi nhà của chính mình, là cái hồn của loại kiến trúc được gọi là nhà thờ, ngôi nhà đã từng chứng kiến, ghi nhận – và còn hơn cả chứng kiến và ghi nhận, – những buồn, vui, hy vọng, trông chờ kèm theo mỗi khoảnh khắc của cuộc sống, của cộng đồng và của từng tín hữu khi chào đời, lớn lên, trưởng thành và cả sau khi đã nhắm mắt xuôi tay… Nhà thờ là phần không nhỏ của ký ức nơi mỗi tín hữu Công giáo.”

Như vậy, giá trị lịch sử cần được xem xét đầu tiên trong vấn đề bảo tồn di tích kiến trúc nhà thờ Công giáo. Hiến chế Phụng vụ của Công đồng Vaticano II khẳng định các kiểu nghệ thuật riêng của từng quốc gia, dân tộc trải qua các thế kỷ là một kho tàng nghệ thuật cần thiết hết sức duy trì cẩn thận “Giáo Hội muốn gìn giữ những tác phẩm nghệ thuật và những kho tàng quý từ thời trước để lại”. Thiết nghĩ đây cũng là tiêu chí hàng đầu trong việc bảo tồn mọi di sản văn hóa. Giáo hội Công giáo khuyến khích giáo dân, những người con của giáo xứ không nên dưng dửng với truyền thống của giáo xứ, của giáo hội. Họ cần có sự hiểu biết sâu xa, thẩm lượng chính xác giá trị của những truyền thống giáo giáo xứ, nhà thờ trải dài trong lịch sử nhằm gìn giữ và phục hồi kiến trúc dựa trên giá trị truyền thống ấy(3).

Tính thẩm mỹ:

Mỗi công trình kiến trúc nhà thờ là kết tinh của nhiều lĩnh vực: kiến trúc, hội họa, điêu khắc… thể hiện óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của tiền nhân. Giá trị kiến trúc trước tiên nằm ngay ở việc lựa chọn địa điểm và quy hoạch kiến trúc. Mỗi nhà thờ là một tuyệt tác kiến trúc phương Tây độc đáo, được xây dựng tỉ mỉ công phu, quy hoạch trước sau khoa học, một sự kết hợp hài hòa giữa nhà thờ và cảnh quan… góp phần tạo nên diện mạo cho một vùng hay một thành phố. Việc đánh giá tính thẩm mỹ của một nhà thờ bao gồm cả những trang hoàng bên trong nhà thờ: những bức bích họa, điêu khắc và kính màu… tất cả đều liên quan đến nghệ thuật thánh. Kiến trúc nhà thờ là một loại hình của nghệ thuật thánh, nghĩa là nghệ thuật có hàm chứa chiều kích thánh thiêng nhằm phục vụ việc thờ phượng.

Các Giám mục, linh mục là những người quản lý thánh đường vì vậy trong thời gian đào tạo ở chủng viện, họ phải được học hỏi về lịch sử và chuyển biến của nghệ thuật thánh cũng như những nguyên tắc chính đáng là cơ sở cho một tác phẩm nghệ thuật để họ có thể biết quý trọng và bảo trì những công trình đáng được đề cao của Giáo Hội. Tháng 9/2011, một hội thảo chuyên đề “Nghệ thuật Thánh” do Ủy ban Nghệ Thuật Thánh tổ chức tại Trung tâm mục vụ Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận về những vấn đề liên quan đến nghệ thuật thánh trong Giáo hội và trong văn hóa Việt. Đây là cách thức Giáo hội lắng nghe tiếng nói của giáo dân, những người nghệ sĩ, những nhà chuyên môn về các loại hình nghệ thuật trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật Thánh.

Tính xã hội:

Xã hội ở đây không thu nhỏ trong môi trường giáo xứ nhưng đó là một xã hội rộng lớn hơn là một giáo phận, thành phố, đất nước. Đối với những nhà thờ đã có truyền thống lịch sử lâu đời, công trình kiến trúc đẹp đẽ thu hút du khách bốn phương thì việc trùng tu, sửa đổi luôn phải lắng nghe ý kiến của xã hội, của những công ty, tổ chức có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong kiến trúc, văn hóa và đặc biệt cần hợp tác, chung tay với chính quyền địa phương.

Vì vậy, việc trùng tu các nhà thờ phải thành lập Ban trùng tu cấp giáo phận để trực tiếp theo sát công việc trùng tu. Vai trò của Ban trùng tu là dẫn dắt và làm cho công cuộc xây dựng thánh đường được diễn ra xuôi chảy, “ngăn chặn những việc phá hủy các kho tàng nghệ thuật thánh khi tu sửa nhà thờ” chứ không “bao cấp hay áp đặt” ý tưởng của mình về mọi phương diện nhất là khía cạnh kỹ thuật trùng tu.

Ban trùng tu sẽ cung cấp nhưng tư liệu bằng hình ảnh và băng hình của công trình trung tu cách cẩn thận phổ biến của giáo dân. Việc phổ biến những tư liệu này không chỉ cho mọi người hiểu được tính cấp thiết và giá trị di sản công trình mà còn là phương cách huy động kinh phí trùng tu. Kinh phí trùng tu một công trình kiến trúc nhà thờ đa phần kêu gọi từ sự đóng góp của các tổ chức và đặc biệt là từ giáo dân, không chỉ giáo dân trong giáo xứ, mà cả trong giáo phận, Giáo hội Việt Nam. Giáo dân là người chiếm số đông trong Giáo hội, họ là người cộng tác chặt chẽ với Giám mục, linh mục trong mọi công việc cần sự tiếp tay góp sức của họ.

Những công trình kiến trúc Công giáo tại Việt Nam đã lưu giữ nét độc đáo, tinh tế của kiến trúc Roman, kiến trúc Gothic, kiến trúc Baroque… trong sự hòa hợp với văn hóa Á Đông góp phần kiến tạo nên biểu tượng của những xứ đạo, của các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội. Kiến trúc công giáo chứa đựng những giá trị văn hóa: kiến trúc, hội họa, điêu khắc, xây dựng và ký ức qua chiều dài dòng lịch sử của cộng đồng giáo dân nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung. Vì vậy, việc bảo tồn và trùng tu những công trình kiến trúc nhà thờ cổ là gìn giữ những giá trị vật chất và tinh thần cho giáo hội cũng như cho một địa phương. Vấn đề bảo tồn các công trình kiến trúc công giáo không chỉ của riêng Giáo hội mà còn là vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của quốc gia.

Nguyễn Thị Hậu

(Bài viết được tác giả trích từ công trình nghiên cứu hoàn thành năm 2017 “Khảo cổ học và bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn – TPHCM”)

Tài liệu dẫn:
1.Ủy ban Giám mục về Nghệ thuật Thánh (2006), Dựng xây từ những viên đá sống động, Nxb Tôn giáo, tr. 206
2. Trần Thái Hiệp (1991), Kiến trúc thánh đường ngày nay, Công giáo và dân tộc, số 829, tr. 15
Ủy ban Giám mục về Nghệ thuật Thánh (2006), sđd, tr. 40
3. Phạm Đình Ái (2014), Nhà Ta là nhà cầu nguyện, Nxb Phương Đông, tr. 41

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...