Hiện đang có rất nhiều ý kiến ủng hộ cho việc gìn giữ lại nhà thờ Bùi Chu - một công trình kiến trúc tôn giáo có niên đại 134 năm, được đánh giá có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo: lối kiến trúc pha trộn Đông Dương bản địa và Baroque (Tây Ban Nha)(1) "thuộc những công trình tuyệt đẹp kết hợp kiến trúc Pháp từ thời Beaux Arts với những nét chạm khắc rõ nét của Việt Nam, bao gồm các cột gỗ trang trí bằng vữa, gợi nhớ đến những ngôi chùa truyền thống"(2). Tuy vậy, phần lớn những chia sẻ thông tin về nhà thờ này tập trung chủ yếu đến việc làm sáng rõ thêm những giá trị vật thể của nhà thờ trong đó, thậm chí có chuyên gia còn cho rằng có những điểm ở nhà thờ này là có một không hai. Nhưng ít có ý kiến nói lên nhu cầu của cộng đồng và xem xét khả năng đáp ứng của các di sản nói chung trong bối cảnh đô thị ngày càng phát triển và chuyển hóa nhanh như hiện nay.
Nhà thờ chính toà Bùi Chu tọa lạc ở xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. (Nguồn: KTS Cao Thành Nghiệp)
Việc các nhà khoa học đánh giá nhà thờ Bùi Chu có giá trị đặc biệt là không thể chối cãi. Tuy vậy, có thể nhân câu chuyện này để nghĩ xa hơn một chút về tương lai bảo tồn những công trình di sản trong bối cảnh đương đại. Ví thử Nhà thờ Bùi Chu đã xuống cấp đến độ không còn đảm bảo an toàn thì sao(3); giả sử giáo xứ ở đây đã phát triển và thực sự có nhu cầu được sinh hoạt tinh thần trong một không gian rộng lớn và tốt hơn thì sao?; giả sử rằng, những người dân ở đây (có thể giờ đây là những thế hệ mới), họ không có nhiều ký ức gắn với di sản, và thấy rằng có một mong muốn phản ánh nhu cầu tinh thần của mình theo một khía cạnh khác thì sao? Và biết đâu với những sáng tạo mới, nhà thờ Bùi Chu mới có thể đạt đến một di sản trong tương lai giống như nhiều trường hợp di sản mới khác, đặc biệt trong bối cảnh biết đâu cộng đồng giáo hội ở đây lan tỏa một văn hóa cộng đồng tốt đẹp nào đó?; Và tất cả những giả sử trên đặt trong một bối cảnh được nhiều chuyên gia nhận định rằng "các nhà thờ ở Việt Nam thường không nằm trong danh sách di sản cần được bảo vệ" - "nhà thờ thuộc sở hữu tư của bên công giáo". Hay nói một cách khác, những giả thiết trên đặt trong bối cảnh nhà thờ chủ yếu được quản lý bởi cộng đồng công giáo địa phương và giáo hội công giáo nhà thờ.
Nếu tất cả những giả thiết trên có thể xảy ra và cần phải xem xét, thì phương pháp bảo tồn chỉ tập trung chỉ ra những giá trị của di sản, đặc biệt là giá trị vật thể (có thể gọi là những giá trị thiên về "phần xác" của công trình), thì rất khó trở thành một luận giải thuyết phục để kêu gọi sự ủng hộ và đồng thuận của cộng đồng nói chung trong việc gìn giữ lại các di sản. Và rồi khi làn sóng gìn giữ di sản từ cộng đồng (bên ngoài) qua đi, di sản được gìn giữ và trả về cho cộng đồng địa phương, thì không ai khác, chính là cộng đồng công giáo ở đây mới là những người tiếp tục chịu đựng những áp lực và sự "đau khổ" mà một di sản đã không còn phục vụ cho nhu cầu "sống" của họ. Khi đó, di sản tồn tại dù là đẹp, là nghệ thuật, là giá trị, nhưng sẽ chẳng ai dám vào, ký ức sống động là cái lưu giữ trong lòng người nhất dần dần phai mờ, người ta chỉ đứng ngắm, như một "cổ vật" trong một nỗi nghẹn ngào phải kìm nén khi những nhu cầu bản thân, chia sẻ cộng đồng và hoạt động tinh thần không được đáp ứng. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc những người dân ở đây phải đánh đổi "cuộc sống tinh thần của họ" để giữ lại một thứ "đồ cổ giá trị mà -người-ngoài-bảo- thế". Ngược lại, đối với người dân, có những thứ mà dù "người ngoài bảo-nó-chẳng-có-giá-trị-gì" (như là một công trình mới được xây dựng có thể thiếu đi chiều sâu văn hóa - nhưng nếu nó vẫn đang phục vụ cho nhu cầu tinh thần của họ, thì họ sẽ lại tiếp tục vun đắp cho những ký ức mới và những ký ức mới lại là thứ gợi cho họ cảm giác yêu quý như người ta đã từng có với nhà thờ Bùi Chu cũ trải qua hơn 140 năm. (Điều này có khác gì trường hợp bố mẹ ta chẳng phải vẫn giữ những thứ "vô giá trị" theo cách gọi của chúng ta ngày nay đó thôi, và với họ, như thế cũng đủ để "an ủi" tinh thần của họ để họ tiếp tục "vui, hạnh phúc với phần đời còn lại".)
Điều đó chứng minh rằng, sự đánh giá giá trị của di sản giữa cộng đồng (địa phương) và của nhà chuyên môn còn có sự khác biệt rất lớn. Nhà chuyên môn hay nhà quản lý căn cứ vào những giá trị có thể thẩm định được, xác minh được như giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, niên đại... Nhưng người dân chỉ thường dựa vào những gì họ cảm nhận, những gì khó diễn tả nhưng lại rất chân thật của cuộc sống: là những ký ức vui vẻ hay buồn gắn với công trình, là những hình ảnh thân thương của người thân đã cùng họ đến đó để sinh hoạt văn hóa. Những hành động "sống động" này là cái gợi nhớ trước tiên đối với người dân, sau đó mới là sự "lắng đọng của không khí, của không gian - được góp nhặt và đóng góp bởi kiến trúc, trang trí, và những bố cục mang tính nghệ thuật đến từ "vỏ" công trình. Ngoài ra, người dân chưa đủ nhận thức và cũng chưa được trang bị nhiều những nhận thức về di sản, cũng như quan trọng hơn, giá trị của việc bảo tồn di sản trong cuộc sống của chính họ. Nếu không được đào tạo, họ sẽ chỉ nhìn thấy giá trị quẩn quanh ở những "hoạt động bề nổi" thường gặp ở di sản - như là không gian giao lưu, không gian để chia sẻ, tâm tình, ít người đi đến được với những giá trị "tĩnh" và sâu lắng hơn ở di sản- như là một không gian kiến trúc được bố cục nghệ thuật về ánh sáng, trang trí, màu sắc, về những tâm linh được gắn vào cùng... giúp cho họ quay lại với "bên trong" con người họ, để hiểu rõ hơn về chính bản thân mình, nội tâm mình và từ đó phát triển tâm thức bản thân mình. Với không gian của di sản và với giá trị vật chất của nó, di sản tinh thần tâm linh thường giúp cho cái giá trị "tĩnh" cao cả đó. (Bước vào di sản tâm linh, con người luôn chuyển hóa tâm trạng nhanh chóng, từ "động" sang trạng thái "tĩnh tại", sâu lắng khi được hòa nhập cùng với không gian đậm màu sắc triết lý, thiền tưởng và tĩnh lặng). Nhưng phần lớn mọi người lại không chia sẻ được giá trị này. Nhất là trong cuộc sống ồn ào, nhanh vội và chạy theo những giá trị tức thời của đô thị hiện nay.
Hình 1: Giá trị của đối tượng bảo tồn, theo Michalski [2]
Hình 1 chia sẻ về một cách nhìn về giá trị của di sản theo nghiên cứu của Michalski [2], theo đó, giá trị của di sản được khẳng định nhờ 3 nguồn: i) Giá trị khoa học (scientific value): thông qua đánh giá về giá trị lịch sử nghệ thuật, văn hóa, niên đại, kiến trúc v.v... ii) Giá trị cho xã hội (impersonal narative value) và iii) Giá trị cá nhân (personal narative value). Trong đó, "Giá trị xã hội là những giá trị được chia sẻ bởi hầu hết các cá nhân trong một nhóm; họ tranh đấu với ý thức hệ xã hội (trong đó bản sắc là khía cạnh quan trọng nhất). Những công trình có giá trị xã hội là một loại đối tượng văn hóa cao: tượng, tranh, tượng đài, công trình lịch sử, mật mã, v.v., nhưng không nhất thiết phải như vậy. Đầu máy cũ, ví dụ, hoặc trại tập trung, cũng có thể trở thành biểu tượng xã hội. Các vật thể tôn giáo (ví dụ: tác phẩm điêu khắc, đồ trang sức và hài cốt của con người) cũng nằm trong danh mục này. Giá trị cá nhân là những giá trị được giữ bởi một cá nhân hoặc được chia sẻ bởi một vài lá thư cá nhân hoặc một người cao tuổi trong phạm vi hẹp như gia đình. Ví dụ, tranh Mona Lisa có rất nhiều giá trị xã hội, ít giá trị cá nhân và ít giá trị khoa học (vì nó không thể cung cấp nhiều thông tin khoa học hoặc lịch sử phù hợp)". Một đối tượng (di sản văn hóa nói chung) càng xa gốc tọa độ thì càng có nhiều khả năng được coi là một đối tượng bảo tồn. Lưu ý rằng cùng một đối tượng có thể có các giá trị khác nhau cho những người khác nhau tại các thời điểm khác nhau.
Cần phải bảo tồn khác đi?
Tất cả những vấn đề trên đưa cho ta một suy nghĩ: Cần phải bảo-tồn-khác-đi. Có lẽ việc chỉ quan tâm thuyết phục người dân bằng những giá trị vật chất chưa phải là tất cả (Mặc dù giá trị vật chất thật sự rất xứng đáng, đặc biệt là khi giá trị này hỗ trợ đóng góp nhiều cho sự phát triển tâm thức của con người, giúp cho con người tập trung "nhìn vào bên trong" hay "quay lại với chính mình" để hiểu thấu mình, để tự giải tỏa mình trước tiên trong cuộc sống ồn ào và bộn bề đô thị). Hãy thuyết phục người dân bằng những giá trị của bảo tồn đem lại cho cuộc sống của họ và thỏa mãn nhu cầu của họ trong xã hội đương đại. Đó chắc chắn không phải là một giá trị "suông", như là: "để lưu giữ lại văn hóa", "để làm dầy thêm truyền thống", "để tạo ra những giá trị nhân văn trong cộng đồng" - những giá trị đó vừa trừu tượng, vừa khó hiểu, vừa không còn phù hợp với nhận thức của những con người đô thị hiện nay. Tất cả những điều cao đẹp này, cần được "diễn dịch" bằng ngôn ngữ hiện đại, gần gũi và bằng giải pháp thực sự thiết thực như: đưa ra một ví dụ về bảo tồn ở các cộng đồng khác có thể giúp người dân tăng sinh kế, có thể giúp người dân ngày càng phát triển tâm thức của mình hơn nữa, cảm nhận hạnh phúc và an lạc hơn nữa, hay gia tăng gắn kết cộng đồng... Đưa ra thêm nhiều những trường hợp thành công và để người dân tự nghĩ xem liệu họ có thể làm gì với di sản của mình để có được hướng lợi nhất (Ví dụ, Nhà thờ lớn ở Hà Nội, có thể mở ra một cơ hội phát triển kinh tế cho tất cả những người dân sống xung quanh nó, và những lợi ích này đã được đầu tư lại một phần cho phát triển cộng đồng nơi đây, liệu Bùi Chu có thể có cơ hội được làm như vậy, hoặc chuyển đổi như vậy?). Khi suy nghĩ ở góc độ này, cộng đồng địa phương có thể nghĩ đến nhiều hướng bảo tồn khác nhau thay vì chỉ tập trung và cố ép theo một hướng duy nhất là chỉ tập trung vào “đối tượng vật chất” của nhà thờ. Họ có thể tập trung vào quy hoạch cảnh quan, quy hoạch không gian xung quanh và kết nối sao cho không gian này trở thành một nơi đầy sức sống và thu hút dành riêng cho cộng đồng công giáo hay cộng đồng chung, thậm chí bảo tồn nhà thờ không phải là tập trung vào đối tượng nhà thờ, mà là chỉnh trang và thay đổi không gian xung quanh nó như dẹp đi một số ngôi nhà lụp xụp xung quanh và bồi thường cho họ theo một cách chỉnh trang lại khu vực dân cư để cả một không gian xung quanh vừa đẹp, vừa hiệu quả sử dụng đất. Khi đó dù nhà thờ không phải được mở rộng, nhưng không gian xung quanh được mở rộng ra vẫn có thể phục vụ cho một buổi thuyết giảng ngoài trời đủ quy mô (?) Tại sao những giáo dân ở khu vực Nhà thờ Lớn có thể đồng ý sinh hoạt trong một nhà thờ "nhỏ hẹp so với nhu cầu của họ" (?) và liệu giải pháp về quy mô có thể được thực hiện thay thế ra sao (?)...
Bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng trong trường hợp Bùi Chu
Bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng chính là nhắm đến đối tượng cộng đồng, nhắm đến mong muốn và nguyện vọng của họ, đặt tất cả những mong muốn này ở trọng tâm của hoạt động bảo tồn, khác với xu hướng bảo tồn truyền thống, chỉ nhắm đến đối tượng vật thể (công trình được bảo tồn) mà bỏ qua tất cả những nhu cầu phát triển. Do đó, xu hướng bảo tồn này không phải là chỉ ra rằng họ nên giữ gìn cái "giá trị được bên ngoài công nhận", mà trước hết phải làm cho cộng đồng địa phương - những người chịu tương tác trực tiếp với công trình và là những người có trách nhiệm nhất với di sản hiểu, giúp cho họ, hỗ trợ cho họ tìm ra chính cái "giá trị" mà chính họ - chứ không phải là bất cứ một ai khác - nhận ra và cảm nhận được từ chính di sản của họ, qua đó họ tự quyết định cho vận mệnh của di sản và của chính bản thân cuộc sống của cộng đồng mình. Tất cả sự chung tay đóng góp của cộng đồng chung hiện nay khi họ bày tỏ sự xót xa cho một di sản thật sự đáng trân quý, giúp cho người dân địa phương thấy được giá trị của di sản ở tiếp cận ban đầu, nhưng sẽ đáng quý hơn, khi những chia sẻ này giúp đỡ những người dân địa phương tìm ra giải pháp cho cuộc sống và nhu cầu của họ. Vì, cuối cùng quyết định bảo tồn ra sao không chỉ dựa vào "giá trị vật chất" của di sản, mà còn dựa vào rất nhiều những yếu tố xã hội, cộng đồng để hướng đến giải pháp “win-win” cho tất cả.
Mặc dù di sản có nhiều cấp độ khác nhau dựa trên những giá trị khác nhau của nó và ở quy mô ảnh hưởng. Tuy nhiên, xu hướng bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng vẫn là xu hướng hướng đến sự nhân văn và con người là trọng tâm của tất cả mọi hoạt động của đô thị. Vấn đề là ở mỗi di sản, tùy giá trị của nó mà có thể xác định phạm vi của cộng đồng khác nhau. Có những di sản chỉ có ảnh hưởng ở một nhóm cộng đồng, nhưng có những di sản lại có sự ảnh hưởng lớn đến các nhóm cộng đồng khác, thậm chí lan tỏa cộng đồng vượt ra ngoài ranh giới địa lý xung quanh di sản. Trong trường hợp Nhà thờ chính tòa Bùi Chu, di sản này vẫn đang nằm ngoài "phạm vi quản lý và xếp hạng của nhà nước", có thể thấy nó thuộc cộng đồng giáo hội Bùi Chu nói riêng và giáo hội Thiên chúa giáo nói chung trước tiên. Tuy vậy, nhiều di sản trên thực tế là của một cộng đồng nhỏ cũng có thể trở thành di sản chung của cả một cộng đồng lớn, thậm chí là di sản đô thị chung khi nó được bảo vệ và phát triển đúng hướng. Trong tương lai, nhà nước cần có một sự rà soát lại hệ thống các công trình di tích lịch sử để phân cấp xếp hạng di sản, tạo điều kiện gìn giữ các di sản "khung" - những di sản thể hiện rõ nét nhất các giá trị của đô thị, đóng góp vào không gian và văn hóa thậm chí là kinh tế của đô thị, đồng thời tạo điều kiện cho những di sản cộng đồng được gìn giữ đúng hướng bởi cộng đồng địa phương với sự hỗ trợ chuyên môn từ chính quyền để tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa, tạo tính đa dạng và sáng tạo cho không gian đô thị.
Kết luận
Bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng sẽ phát huy hiệu quả nhất khi có sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng của nó, nhưng không thể thiếu được sự trang bị kiến thức chuyên môn và những kinh nghiệm từ các chuyên gia, sự hỗ trợ lớn từ nhà quản lý, để giúp cho cộng đồng tự tin và tự quyết định. Chỉ khi nhà chuyên môn, nhà quản lý đứng ngoài cuộc thì việc bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng mới có thể có nguy cơ sai hướng và làm giảm giá trị hướng đến sự nhân văn của nó. Liệu có thể thay thế câu hỏi rằng "Làm gì để bảo tồn nhà thờ Bùi Chu" bằng câu hỏi "Những nhu cầu của người dân có thể được giải quyết theo cách nào?". Khi trọng tâm không còn là "bảo tồn nhà thờ Bùi Chu" mà là "nhu cầu của cộng đồng" thì chúng ta sẽ có câu trả lời theo nhiều hướng khác nhau hơn là chỉ tập trung vào một hướng.
TS. Đào Thị Như
Trích dẫn:
- Nhận định từ nhóm "Save Heritage Vietnam"
- Trích nhận định của ông Martin Rama (cố vấn cao cấp của ngân hàng thế giới WB) và là giám đốc dự án trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. ("Lá thư kêu gọi giải cứu nhà thờ Bùi Chu của ông Martin Rama"- Báo điện tử Một Thế Giới, ngày 1/5/2019)
- Giám mục giáo phận Bùi Chu, Cha Thomas Vũ Đình Hiệu cho rằng "trải qua thời gian trên 130 năm, nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng: tường bị nứt nẻ nhiều chỗ, vôi vữa và gạch mái nhà thờ cũng bị rơt xuống, ảnh hưởng tới việc thờ phượng và gây nguy hiểm cho bà con" (Báo Tiền Phong, ngày 5/5/2019)
Tài liệu tham khảo:
[1] Avrami, E., Mason, R. and De La Torre, M., eds., 2000, Values and Heritage Conservation. Research Report, The Getty Conservation Institute, Los Angeles www.getty.edu/ conservation/resources/valuesrpt.pdf,
[2] Michalski, S., 1994, Sharing Responsibility for Conservation Decision, in Krumbein, WE., Brimblecombe, P., Cosgrove, D.E. and Staniforth, S., eds., Durability and Change. The Science, Responsibility, and Cost of Sustaining Cultural Heritage, John Wiley and Sons, Chichester.
[3] Salvador Muñoz Viñas, 2002, Contemporary theory of conservation, Reviews in Conservation, n°3, 2002, pp. 25-33
- Những cây cầu quy hoạch “thiếu tầm nhìn”?
- Vẫn kẹt do hạ tầng giao thông
- Ngẫm từ cái cổng làng
- Đà Nẵng muốn làm làng du lịch cộng đồng gắn với nghề chài lưới
- Nhà thờ Bùi Chu và câu chuyện khó khăn trong bảo tồn di tích kiến trúc chưa được xếp hạng
- Bảo tồn, mang lại diện mạo mới cho kiến trúc Phố cổ Hà Nội
- Từ vỉa hè Seoul nhìn về Hà Nội: Chả lẽ cán bộ mình tệ thế?
- Xả rác: không đánh khẽ nữa!
- Đằng sau những địa danh nổi tiếng Sài Gòn 100 năm trước
- Đà Lạt đang tan rã?