Lịch sử hình thành làng xã Việt Nam luôn gắn liền với cái cổng làng. Cổng làng cùng với lũy tre làng, giếng làng, cây đa, bến nước, sân đình... là những biểu tượng văn hóa của người Việt xưa. Cổng làng là nơi lưu dấu truyền thống của một làng quê.
Cổng có thể là tam quan, là nơi phân cách không gian ở và không gian sản xuất. Cổng cũng có thể chỉ là một biểu trưng nào đó. Cùng với quá trình đô thị hóa, cổng làng mất dần vị thế, thậm chí bị phá đi cho “đường thông, hè thoáng”.
Cho nên hình ảnh "Chiều hôm đón mát cổng làng/gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi" (Cổng làng - Bàng Bá Lân) cũng dần mất theo năm tháng.
Nói vậy thôi, chớ bây giờ từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây ở xứ mình, đi đâu mà hổng thấy cái cổng làng. Làng ở đây có thể hiểu là cấp xã phường mà cũng có thể là cấp thôn ấp. Bước vào đô thị thì có cổng đô thị, bước vào xã phường thì có cổng xã phường, bước vào khóm ấp thì có cổng khóm ấp.
Thì đó, đi đâu mà hổng thấy hai cái trụ “khi vuông, khi tròn” dựng thẳng đứng và gác lên trên là một thanh ngang, thêm cái biểu trưng gì đó của địa phương. Cái thì màu xanh cái thì màu đỏ, có cái màu hồng.
Có cổng được xây bạc tỉ mà vô hồn bị dư luận phản đối. Có cái chỉ vài mươi triệu mà rất tinh tế. Có cái lớn có cái nhỏ, có cái rộng có cái hẹp, có cái thấp có cái cao, nhưng bao giờ cũng có những dòng chữ như câu đối. Nào là, “kính chào quý khách” và chúc “thượng lộ bình an”.
Nào là, “chung tay xây dựng đời sống văn hóa”; nào là, “quyết tâm xây dựng nông thôn mới”. Rồi tuyên truyền an toàn giao thông, nhắc nhở về các tệ nạn xã hội... Thấy hình như na ná nhau, xã này cũng vậy mà ấp kia cũng thế, có gì đó đơn điệu, thiếu ý tưởng sáng tạo phải không?
Trong bộn bề cuộc sống mưu sinh, trong dòng người hối hả qua lại, hổng biết có ai dừng lại để ngắm cái “cổng làng” của mình và đọc được những thông điệp từ những khẩu hiệu ghi trên đó không nữa! Không ít những thông điệp đó còn phản cảm. Tuyên truyền giữ gìn môi trường “xanh - sạch - đẹp” thì ngay dưới chân là cỏ rác nhếch nhác. Tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa thì bước vào làng là đã chứng kiến bao tệ nạn xã hội.
“Chiếc áo đâu làm nên thầy tu”. Làng xã, phố phường văn minh đâu phải do cái cổng, mà do chính ý thức của từng người dân. Cộng đồng có hài hòa nhau không, có tôn trọng nhau không, có sẵn sàng san sẻ nhau không, ra đường mọi người gặp nhau có vui vẻ với nhau không mới tạo thành cái hồn của phố, của làng. Những thông điệp tuyên truyền phải vào từng ngôi nhà, đi vào tận trái tim để mỗi người tự giác thực hiện thì thông điệp đó mới thật sự có ý nghĩa.
Cổng làng là biểu tượng, là niềm tự hào của cư dân trong làng trong phố, để nhắc nhở khách qua đường đã bước vào một địa danh nào đó. Đã là biểu tượng thì đâu nhất thiết là phải có hai thanh đứng, một thanh ngang. Có thể chỉ là một tấm pa nô được cách điệu hình ảnh gắn với nét riêng của địa phương đó.
Trên tấm pa nô cách điệu đó có địa danh, một lời chào mời, một lời cảm ơn, một câu xì-lô-gân nhẹ nhàng gắn với một loại đặc sản hay một ngành nghề truyền thống được bình chọn bởi chính người dân trong làng. Cái gì của người dân, do người dân tạo ra sẽ được người dân tự hào gìn giữ và phát huy giá trị. Cái gì ăn sâu vào tâm thức con người, sẽ trở thành ký ức mỗi người, dù đi đâu, về đâu. Cái gì áp đặt một cách khiên cưỡng, sẽ xa lạ với chính người dân trong làng trong phố, làm khó chịu khách vãng lai.
Nói nào ngay, lâu lâu cũng bắt gặp một vài cổng đẹp trong vô vàn cái cổng như “bức tử” thị giác con người. Chung quy cũng là do thấy người ta dựng lên thì mình cũng sao chép, dựng lên cho “bằng chị, bằng em” thôi.
Ngành văn hóa và những người lãnh đạo địa phương nếu chịu khó ngồi lại, chắc chắn sẽ tìm ra nhiều ý tưởng hay cho điểm nhấn vào làng, vào phố của mình. Sức sáng tạo của con người đâu có giới hạn, chỉ do con người tự giới hạn mình thôi. Muốn có sáng tạo, con người cần có cảm xúc, cần phải hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc mình làm. Chính hồn người trong làng trong phố thật sự trải lòng để mở cánh cổng để đón chào mọi người.
Có quá nhiều cảm xúc từ cái cổng làng ngày xưa, cổng làng ngày nay và cổng làng mai này.
Lê Minh Hoan
(TBKTSG)
- Khi người dân quyết định đầu tư công
- Vỡ quy hoạch công viên: Ai chịu trách nhiệm?
- Quảng cáo xe buýt ở TPHCM: Nhà nước thất bại thì để tư nhân làm
- Những cây cầu quy hoạch “thiếu tầm nhìn”?
- Vẫn kẹt do hạ tầng giao thông
- Đà Nẵng muốn làm làng du lịch cộng đồng gắn với nghề chài lưới
- Nhà thờ Bùi Chu và câu chuyện khó khăn trong bảo tồn di tích kiến trúc chưa được xếp hạng
- Từ câu chuyện Nhà thờ chính tòa Bùi Chu, thử đặt câu hỏi khác cho bảo tồn di sản?
- Bảo tồn, mang lại diện mạo mới cho kiến trúc Phố cổ Hà Nội
- Từ vỉa hè Seoul nhìn về Hà Nội: Chả lẽ cán bộ mình tệ thế?