Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Cổng làng hay cổng chào?

Cổng làng hay cổng chào?

Viết email In

Cổng làng là công trình kiến trúc cổ của người Việt Nam, ngăn cách nơi ở của dân làng với đồng ruộng, phân biệt làng này với làng khác…

Người Việt đã sống quần cư bên trong cái cổng làng, người chết thì chôn bên ngoài. Từ xưa, cổng làng là một ranh giới mang tính ước lệ, biểu hiện quyền uy của làng xã. Trong thế kỷ 18, 19, nhiều cổng làng ở miền Bắc, miền Trung còn dựng bia đá với hai chữ “hạ mã” để nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả những bậc làm quan, các chức sắc địa phương đều phải xuống ngựa để tôn trọng lệ làng. Khi loạn lạc, giặc giã, có báo biến… cổng làng được đóng lại. Vào ban đêm bao giờ cũng có các đội tuần phu canh gác. Tại mỗi cổng có các Tuần đinh trông coi an ninh trật tự. Người đứng đầu các Tuần đinh gọi là Thủ phiên… Có thể nói cổng làng truyền thống rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, đã tồn tại hàng trăm năm, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, nó còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã Việt Nam, cần được bảo tồn và lưu giữ.  


Cổng làng ở Đô Lương, Nghệ An (Ảnh: Trương Điện Thắng) 

Người đi xa nhớ về làng cũ, không chỉ nhớ cái tên mà còn nhớ cái cổng làng với bao kỷ niệm bên gốc đa, bến nước… Cổng làng, bên cạnh kiến trúc đặc thù, còn là chứng nhân của những đổi thay thời cuộc; chứng nhân của những thế hệ con cháu của làng đã ra đi và trở về với bao nhiêu hoài bão, thành bại của cuộc đời… 

Phía sau mỗi cổng làng là sự kết nối cộng đồng các tộc họ, trong đó bao gồm các phong tục, tập quán, những mối quan hệ họ hàng, thông gia, láng giềng và các sinh hoạt văn hoá riêng biệt. Các nhà nghiên cứu văn hóa làng xã cho rằng cổng làng không chỉ tạo nên hồn quê mà qua mỗi ý tưởng và kiểu dáng kiến trúc còn thể hiện chiều sâu văn hóa mỗi ngôi làng. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, NXB Văn hoá thông tin đã phát hành cuốn sách "Cổng làng Hà Nội xưa và nay" của nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh. Ngoài kiến trúc, các tác giả còn lưu ý đến những câu đối được chạm khắc trên các cổng làng, tuy có cái nay không còn, nhưng đó được coi như những thông điệp nhắn gởi đến mọi thế hệ con dân của làng. Chẳng hạn, câu đối ở cổng làng An Thái nay chỉ còn trong trí nhớ, có hai câu: 

Đống Vũ phồn đa hứa đắc thiên khai thái vận/Môn lư cao đại khả dung tứ mã an xa… (Bậc lương đống nhiều, giúp trời mở mang vận nước/Cổng làng cao lớn, để cho ân sủng đưa về). 

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tác giả ca khúc “Trống hội cổng làng” (thơ: Trường Vũ) cho biết, cổng làng là nơi vừa gần gũi vừa thiêng liêng, không chỉ chứng kiến những thăng trầm của chính ngôi làng đó mà còn chứng kiến những thăng trầm cuộc đời của mỗi con người. Vẻ đẹp của cổng làng gắn với nền văn minh lúa nước, mang tính phác họa và gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác… Đứng trước tình trạng các cổng làng cổ bị đập bỏ, GS Từ Chi nhận định: Đừng đổ cho cơ chế thị trường và tốc độ đô thị hóa nông thôn mà bỏ đi những cổng làng quen thuộc. Qua tác phẩm “Không gian văn hóa làng”, GS Từ Chi từng cho rằng, dù có đô thị hóa đến đâu, làng vẫn là làng, không thể là phố, nghĩa là các ngôi nhà cao tầng hay biệt thự vẫn ở trong phạm vi của làng thì chúng càng có dấu ấn thẩm mỹ cao hơn, nếu nó thông qua một cổng làng đậm sắc thái cổ phong với những đường cong của mái cổng và những hoa văn đúng tầm của làng văn hóa.

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch, và bảo vệ không gian sống ở nông thôn còn nhấn mạnh: “Cổng làng mang đậm ý nghĩa văn hóa, còn cổng chào lại mang tính thực dụng bình dân. Nhiều nơi đã biến cổng làng thành cổng chào bằng cách xây hai cái cột xi măng rồi cho quét một lớp vôi vội vã lên, trên gắn một cái biển bằng thiếc. Lại có nơi, người ta thay cổng làng bằng cách dựng lên đó cổng chào được lát đá hoa mà nhìn từ xa trông sáng loáng. Đó là thứ đá lát nhà, lát khu bếp, khu vệ sinh… Vì thế mà cái cổng cũng trở nên vô hồn, vô duyên...”.

Nên nhớ rằng cổng chào chỉ mang tính nhất thời phục vụ cho một sự kiện nào đó, từ một đám cưới đến hội nghị, mít-ting, lễ hội, tạo ra một không khí đón khách, chứ không phải là cổng làng vốn ổn định, lâu dài. Tôi vừa đi đến các làng quê ở nhiều tỉnh Bắc Trung bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh. Đó là những vùng đất nổi tiếng về cách mạng, nhưng tuyệt nhiên trên các cổng làng của họ không thấy một câu khẩu hiệu nào. Có thể hình thức kiến trúc cổng làng nay đã cách tân, nhưng ở đó vẫn phảng phất nét Việt với tên làng và vài câu đối thể hiện ước vọng chung của dân làng ấy. Ngược lại, ở nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Đà Nẵng, đi tìm cái tên làng trên những cổng đầu làng lại chẳng thấy đâu, ngoài những câu khẩu hiệu... 

Cho nên cái cổng làng vẫn là đề tài cần được suy nghĩ chín chắn khi thực hiện chương trình nông thôn mới, xây dựng các làng văn hóa hiện nay vậy! 

Trương Điện Thắng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...