Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Tái sinh đô thị và cách tân nghệ thuật

Tái sinh đô thị và cách tân nghệ thuật

Viết email In

Ngày nay, trên thế giới đã khá quen thuộc với các “khu phố” (“quận”, “tổ hợp/ hợp tác xã”… tùy cách gọi) nghệ thuật - mà mô hình chung là “chiếm dụng/thuê mướn”các khu phố đang bỏ hoang để cải biến thành không gian nghệ thuật. Thông thường các mô hình này có một vài điểm chung, mà làm cho giống thì khá dễ, làm cho đúng thực chất thì rất khó.  

Tiên phong cho kiểu mô hình này có lẽ là East Village (làng Đông) ở Manhattan, New York, vốn là khu giàu có thuộc sở hữu của đại gia đình Wouter van Twiller, người Hà Lan, từ năm 1651. Đầu thế kỷ 20, sau thảm họa ngày 15/6/1904 làm hơn 1.000 ngàn Đức chết, nơi đây dần hoang tàn. Từ cuối thập niên 1960, nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, sinh viên và giới hippies bắt đầu chuyển đến khu vực này do giá thuê rẻ và cả tính chất “tự do vô chính phủ” của nó. 


Gợi hứng từ East Village ở New York, thế giới ngày nay có vô số khu phố nghệ thuật 

Ít tiền và tự phát 

Từ mô hình East Village cho thấy, chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã biến nơi đây thành trung tâm phản kháng, biểu tình để chống lại nhiều định chế văn hóa, nghệ thuật; rồi khai sinh ra nhiều phong trào mới trong âm nhạc (như punk rock), văn học (như nuyorican) và nghệ thuật thị giác. Thậm chí có giai đoạn họ còn tự in tiền riêng để tiêu xài với nhau trong làng. 

Đi theo tinh thần ít tiền và tự phát này đã có vô số các khu nghệ thuật khác tại Mỹ như SoHo ở New York, Arts District ở Los Angeles, rồi nó nhanh chóng lan truyền đi nhiều nước ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc (798), Singapore (Gillman Barracks)... Điều kiện chính của việc hình thành các khu này là giới nghệ sĩ luôn gặp khó khăn về tài chính trong việc tìm không gian hoạt động, nên phải tìm những nơi giá thuê rẻ hoặc miễn phí càng tốt. Hơn nữa, về việc quản lý đô thị và các thiết chế văn hóa, nghệ thuật nói chung cũng khá “lơ là” với các khu “đã bệ rạc” như thế này.

Ban đầu họ chỉ muốn “thuần túy” cách tân nghệ thuật, nhưng dần dà, do thiếu tiền chi tiêu nên phải kinh doanh thêm, cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách xa gần. Ngày nay thì hầu như khu phố nghệ thuật nào cũng có tính liên minh giữa việc duy trì, cách tân nghệ thuật và kinh doanh kiếm sống. Nhìn từ bề mặt thì Zone 9 ở Hà Nội cũng được hình thành từ tinh thần này, tất nhiên về bản chất, còn vài điểm khác biệt. 


Trình diễn nghệ thuật tại Zone 9 (Hà Nội) 

Tái sinh và an toàn

Điểm chung của phần lớn các khu này là sau một thời gian hoạt động, nó giúp hồi sinh sự hoang tàn đô thị. Và một nghịch lý xảy ra, đó là từ giá thuê mặt bằng rẻ dần dần đắt lên, nên các nghệ sĩ tiền phong ít tiền phải bỏ đi nơi khác, nhường chỗ lại cho các mô hình kinh doanh nghệ thuật và kinh doanh thuần túy. Ngay cả các khu như East Village, SoHo… cũng đã mất dần tinh thần cách tân nghệ thuật vốn có, dân chúng đã trở lại mua nhà sinh sống, sự hoang tàn chỉ còn là một câu chuyện “ngày xửa ngày xưa”.

Thậm chí, ngay cả khu nghệ thuật 798 ở Bắc Kinh mới định hình trong khoảng 15 năm qua thì nay cũng thành địa chỉ phải đến của khách du lịch, nên bắt đầu biến chất. Những nghệ sĩ thực thụ, ít tiền và tự phát đã bắt đầu tìm những nơi hoang tàn khác để rời đi, họ lên tận Côn Minh (Vân Nam) để tìm đất mới cho nghệ thuật.


Vào cuối tuần ở Zone 9 còn có nhạc sống 

Từ góc độ quản lý, nhiều nước xem các khu này như là “phòng thí nghiệm nghệ thuật”, nên có cơ chế thoáng mở hơn những nơi khác. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở khu 798 tại Bắc Kinh, hay khu Gillman Barracks tại Singapore… Thế nhưng có một quan tâm chung, đó là tính an toàn về mặt kiến trúc, phải luôn bảo đảm để không xảy ra những sự cố như sập nhà, sập tường… gây chết người. 

Với văn hóa, nghệ thuật chính phủ Mỹ “thả rông” nhiều thứ, nhưng việc đảm bảo an toàn về nhân mạng thì họ luôn tìm cách kiểm soát. Những khu nhà quá hoang tàn, có nguy cơ gây tai nạn luôn được cảnh báo và nghiêm cấm sử dụng, tùy mức độ. 

Chính vì vậy, về mô hình thì Zone 9 tại Hà Nội khá giống với nhiều khu nghệ thuật khác trên thế giới, nhưng về tinh thần cách tân nghệ thuật và tính an toàn trong sử dụng không gian kiến trúc thì còn khác biệt, cần phải “nghiêm túc học hỏi và rút kinh nghiệm” nhiều hơn. 

Văn Bảy 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo