Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Câu hỏi về sự an cư

Câu hỏi về sự an cư

Viết email In

Những ngày qua, tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng là hình ảnh người dân miền Trung chạy bão, chạy lũ. Người dân đã phải trải qua những cuộc vật lộn đầy khốc liệt, nhiều mồ hôi nước mắt chỉ để tồn tại, trụ lại với ngôi nhà, mảnh vườn, xóm làng, quê hương của mình. 

Con số người thiệt mạng liên tục gia tăng, tổng mức thiệt hại được các địa phương lần lượt cập nhật. Nhưng sự lặp đi lặp lại của một thực tế khiến cho con số vẫn chỉ là con số, rất vô cảm và lạnh lùng nếu những nhà hoạch định chính sách không tự đặt mình vào tình cảnh của người dân vùng lũ để hiểu những giá trị của sự an cư mà người dân đã bị lấy mất bởi thiên tai, bởi những chính sách phát triển không bền vững.  


Công trình thủy điện Đắk Mi 4 ở Quảng Nam xả lũ lưu lượng 3.500 m3/giây trong ngày 15/11/2013. Ảnh: TD 

Lợi, hại trong việc khai thác hơn 90% tiềm năng thủy điện đến bây giờ đã rõ. Với việc giá điện ngày càng tăng, lợi nhuận từ việc bán điện được các chủ đầu tư bỏ túi, trong khi đó, người dân trả tiền để sử dụng điện, và cũng không ai khác, là những người lãnh đủ thiệt hại do sự can thiệp môi trường mà thủy điện gây ra. Khi xảy ra chuyện xả lũ không đúng quy trình (hoặc đúng quy trình mà không đúng yêu cầu thực tế), người dân thiệt hại về nhân mạng, của cải, đáo tụng đình theo luật dân sự đi chăng nữa, thì việc cũng đã rồi, người thân đã mất mạng, nhà cửa đã tan hoang. Chưa nói là với sự quy hoạch thủy điện tầng tầng lớp lớp thế này, thì có trăm ngàn cách để những nhà đầu tư tung hỏa mù, chuyền bóng trách nhiệm. 

Tóm lại, đối tượng gánh chịu thiệt hại lớn nhất vẫn là người dân. 

Tính phi lý của vấn đề đang bày ra rõ ràng trước mắt nhưng giải pháp xử lý, khắc phục cho tương lai đến nay vẫn chưa thấy. 

Điệp khúc lượng mưa lớn, xả lũ hàng loạt để cứu đập, lụt lội tràn lan vẫn tiếp diễn năm này qua năm khác đang thách thức trực tiếp sự an cư của người dân các vùng hạ du. Trong tình trạng đời sống kinh tế của người sản xuất nông nghiệp đang điêu đứng vì đủ thứ nghịch lý cùng với sự bất thường của thời tiết, họ sẽ lại càng khó ngóc đầu dậy bởi những mối nguy do thủy điện gây ra.

Sau những trận thiên tai, việc phát động cứu trợ lương thực, hỗ trợ tiền bạc là cần thiết. Nhưng có lẽ đó cũng chỉ là giải pháp nhất thời. Xin đừng đẩy người dân rơi vào tình cảnh là những vật tế thần cho các chính sách phát triển thiếu bền vững, rồi sau đó, biến họ thành trung tâm nhận từ thiện năm này qua năm khác.

An cư là tiêu chuẩn đầu tiên, tối thiểu trong phát triển các chế độ an sinh xã hội, đó cũng là điều kiện sống còn để người ta có thể gắn bó và đóng góp vào sự phát triển một vùng đất. Nhưng với người dân đang sống trong vùng lũ lụt thì cái tiêu chuẩn đầu tiên, tối thiểu đó ngày càng quá xa vời.

Thực tế những gì đang diễn ra ở vùng lũ miền Trung cho thấy, những cuộc phát động chính sách xây dựng, đảm bảo đời sống an sinh cho người dân vẫn còn mang tính hình thức, sáo rỗng và không thực chất. Điều kiện sống ổn định của người dân đã bị đem ra đánh đổi cho những mục tiêu tận thu tài nguyên chiếm đoạt nguồn lợi trước mắt hay tìm kiếm những chỉ số tăng trưởng đẹp. Sẽ là thảm họa nếu một ngày, vùng hạ du của các dự án thủy điện là những vùng trắng, không còn cư dân sinh sống, không còn dấu vết con người./. 

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo