Vẫn biết việc sửa Luật Đầu tư công là nhằm khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện làm ách tắc nhiều dự án, tiền có sẵn nhưng không giải ngân được. Vẫn biết Quốc hội thảo luận là nhằm tìm ra điểm cân bằng giữa tình trạng luật quá cứng nhắc nên tạo ra những thủ tục rối rắm, phức tạp và tình trạng luật lỏng lẻo, để các địa phương chạy đua giành miếng bánh ngân sách, gây thất thoát, lãng phí ngân sách.
Tuy nhiên không thể không mong muốn Luật Đầu tư công dành những điều khoản cụ thể để người dân có thể nói lên nguyện vọng của mình về việc đồng tiền ngân sách nên đầu tư vào đâu để phục vụ dân sinh, đầu tư vào dự án nào là phù hợp với nhu cầu bức thiết của cuộc sống.
(Ảnh minh họa: Nhân Tâm)
Thêm một kênh này sẽ cân đối lại với những áp lực vận động hành lang cho các dự án sử dụng ngân sách mà các doanh nghiệp lớn đủ nguồn lực để tiến hành, tạo tác động trực tiếp hay gián tiếp. Không hiếm trường hợp dự án đầu tư công được lên kế hoạch và triển khai nhằm phục vụ lợi ích của doanh nghiệp chứ không phải vì cộng đồng dân cư, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng.
Một doanh nghiệp phát triển một dự án dân cư, chắc chắn sẽ có nhu cầu vận động để Nhà nước bỏ tiền làm hay sửa sang đường vào khu dân cư này. Một doanh nghiệp khác xây dựng khu du lịch lớn ắt hẳn rất mong muốn Nhà nước xây sân bay tại địa phương để dễ hút khách du lịch... Tất cả những nguyện vọng này, kể cả việc vận động hành lang là bình thường, không có gì sai cả.
Vấn đề nằm ở chỗ người dân cũng có những nguyện vọng tương tự, như người dân thôn quê cũng muốn nâng cấp hệ thống đường sá trong làng, người dân ở vùng thiếu nước muốn có giếng cấp nước quy mô lớn... nhưng lại thiếu nguồn lực để vận động hay tác động lên chính sách. Chỉ có luật mới có thể lấp đầy khoảng cách này.
Hiện nay cách để người dân nói lên nguyện vọng của mình liên quan đến các dự án đầu tư công là thông qua hội đồng nhân dân, cụ thể là hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý; hội đồng nhân dân các cấp khác quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Làm sao để bảo đảm hội đồng nhân dân quyết định theo nguyện vọng của người dân chứ không phải do “quan hệ sân sau”, thiết nghĩ chỉ có con đường công khai, minh bạch, từ khâu lên kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đến khâu xem xét từng dự án cụ thể.
Luật Đầu tư công cũng có điều khoản công khai minh bạch trong đầu tư công nhưng vẫn chưa trao trách nhiệm cụ thể cho từng địa chỉ cần công khai, phương thức công khai và kênh tiếp nhận phản hồi của người dân.
Thu hút người dân trực tiếp tham gia vào quy trình quyết định đầu tư công sẽ nâng cao ý thức công dân; bức xúc vì ngập nước, kẹt đường thúc đẩy họ vận động để xây cầu, mở đường nhưng đồng thời cũng buộc họ chấm dứt vứt rác vào cống thoát nước hay vô ý thức khi đi đường, vượt đèn đỏ. Họ cũng sẽ sẵn lòng đóng thuế khi thấy tiền từ ngân sách rót đúng vào chỗ họ và cộng đồng quanh họ đang cần, sẽ lên án mạnh mẽ hơn các tệ nạn nhũng lạm ngân sách nhà nước mà họ có phần đóng góp.
(TBKTSG)
- Bài toán khai thác, quản lý di tích thuộc sở hữu tư nhân
- Lợi ích ở Thủ Thiêm
- Thân phận pháp lý của condotel dưới góc nhìn kinh tế chia sẻ
- Ký ức Thăng Long - Hà Nội: Vệ sinh môi trường - bài toán ngàn năm
- Cần coi cây xanh như “VIP”!
- Vỡ quy hoạch công viên: Ai chịu trách nhiệm?
- Quảng cáo xe buýt ở TPHCM: Nhà nước thất bại thì để tư nhân làm
- Những cây cầu quy hoạch “thiếu tầm nhìn”?
- Vẫn kẹt do hạ tầng giao thông
- Ngẫm từ cái cổng làng