Sau bốn lần đấu giá quảng cáo xe buýt tại TPHCM thất bại, nhiều doanh nghiệp đề xuất nên giao lại việc quảng cáo xe buýt cho tư nhân làm thì hiệu quả hơn.
Miếng bánh đã trở thành cục xương
Vấn đề quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM đã được nhắc đến rất nhiều trong 10 năm qua. Sau nhiều năm không cho quảng cáo trên xe buýt, đến năm 2016, TPHCM mới bắt đầu cho thí điểm dịch vụ này. Năm 2017, đề án quảng cáo trên xe buýt chính thức được chính quyền thành phố phê duyệt và thực hiện.
Thế nhưng, chỉ có một số tuyến đấu giá thành công, từ đó đến nay đã qua bốn lần đấu giá đều thất bại khi không có doanh nghiệp nào tham gia. Dù đã bốn lần thất bại nhưng Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vẫn tiếp tục đấu giá lần năm, sẽ diễn ra trong tháng 6 này.
Chỉ một số ít xe buýt tại TPHCM hiện nay có dán quảng cáo. (Ảnh: Anh Quân)
Rút kinh nghiệm từ bốn lần đấu giá thất bại trước đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã chia nhỏ các gói quảng cáo để phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Nếu lần này đấu giá thành công sẽ thu về 63 tỉ đồng cho hợp đồng sáu tháng, 126 tỉ đồng cho hợp đồng một năm, 252 tỉ đồng cho hợp đồng hai năm và 378 tỉ đồng cho hợp đồng ba năm.
Tuy vậy, những thay đổi của cơ quan quản lý nhà nước dường như chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia. Ông Đặng Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Phước Sơn, cho biết nguyên nhân thất bại của bốn lần đấu giá quảng cáo xe buýt tại TPHCM là Nhà nước ôm đồm quá nhiều và dựa trên tư duy của người quản lý mà không nắm được thị trường và nhu cầu của người thuê quảng cáo. Cách đây 10 năm nhu cầu quảng cáo ngoài trời nhiều, nhưng hiện nay quảng cáo ngoài trời đã giảm đến 30% vì khách hàng chuyển qua quảng cáo trực tuyến, nên quảng cáo xe buýt không còn hấp dẫn.
Không những vậy, nhiều xe buýt tại TPHCM đã cũ và xuống cấp, trong khi giá quảng cáo đưa ra rất cao so với các tỉnh thành khác và so với giá quảng cáo trực tuyến. Theo ông Sơn, ở các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Long An, phí quảng cáo trên xe buýt chỉ hơn chục triệu đồng, cao nhất là 30 triệu/xe/năm, còn TPHCM từ 90-100 triệu xe/năm là quá cao.
Một doanh nghiệp khác từng tham gia đấu giá quảng cáo xe buýt tại TPHCM cho rằng quảng cáo xe buýt giờ đã có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, như taxi và xe công nghệ. Vấn đề ở chỗ giá quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM quá cao, trong khi quảng cáo trên taxi và xe công nghệ như Grab giá rẻ hơn nhiều mà việc thực hiện lại dễ dàng, không phải qua đấu giá phức tạp, nên không doanh nghiệp nào tham gia.
Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cũng thừa nhận nguyên nhân đấu giá quảng cáo trên xe buýt thất bại là do thị trường quảng cáo đã có sự thay đổi khi quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội... ngày càng phổ biến. Các hình thức quảng cáo truyền thống trên xe buýt, nhà chờ không còn thu hút như trước.
Hơn nữa, thời gian quảng cáo được chia tại các gói quảng cáo kéo dài tới ba năm là quá dài. Một lý do nữa là khi trúng đấu giá, doanh nghiệp phải nộp số tiền đặt cọc trị giá 5-20% gói quảng cáo, trong khi họ chưa tìm được khách hàng thì thời gian khai thác thực tế sẽ thấp hơn.
Nên giao cho tư nhân làm
Để thu được tiền quảng cáo trên xe buýt nhằm giảm trợ giá, ông Đặng Phước Sơn cho rằng trước hết cơ quan quản lý cần thuê một đơn vị tư vấn độc lập đánh giá lại thị trường, sau đó tổ chức các hội thảo mời các công ty quảng cáo cùng nhau ngồi lại phân tích để đánh giá và có cái nhìn tổng thể về nhu cầu quảng cáo xe buýt tại TPHCM.
“Tôi cho rằng không cần phải đấu giá làm gì mà nên giao cho các hợp tác xã xe buýt tự mời gọi quảng cáo rồi trả một phần chi phí để chủ xe bảo trì, bảo dưỡng, tạo bộ mặt đẹp cho xe buýt, khi đó mời gọi quảng cáo mới hiệu quả. Nếu để tình trạng như hiện nay, khi quảng cáo họ không được hưởng lợi gì nên không mặn mà”, ông Sơn đề xuất.
Ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó giám đốc Hợp tác xã Vận tải số 15, cho biết hợp tác xã của ông mời gọi quảng cáo trên các tuyến xe buýt không trợ giá mà mất hai năm mới quảng cáo được vài xe. Điều đó cho thấy, việc mời quảng cáo xe buýt hiện nay không phải dễ.
Ông cho rằng, Sở GTVT nên giao luôn cho các doanh nghiệp tự tìm hiểu thị trường và làm đầu mối quảng cáo. Cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra các quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, nội dung quảng cáo để các doanh nghiệp có định hướng thực hiện.
Trước ý kiến của các doanh nghiệp, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, nói rằng trước khi đưa ra mức giá sàn của các gói quảng cáo, đơn vị này đã tiến hành khảo sát và được sở tài chính thẩm định rồi mới trình chính quyền thành phố phê duyệt. Về mức giá được cho là quá cao, ông cho biết sẽ xây dựng phương án để đề xuất giảm giá. Đồng thời, sẽ xem xét lại thời gian khai thác quảng cáo cho phù hợp với thực tế.
Về phương án giao cho tư nhân, ông Trung cho biết đang nghiên cứu, có thể giao cho một đơn vị bán lẻ, không nhất thiết phải đấu giá theo giá sàn có sẵn mà thực hiện thương lượng hoặc giao cho doanh nghiệp vận tải xe buýt chủ động cho thuê quảng cáo.
Quảng cáo trên xe buýt thực chất là một hoạt động kinh doanh. Đã là kinh doanh thì cơ quan nhà nước không thể hiểu thị trường và nhanh nhạy được như doanh nghiệp.
Lê Anh
(TBKTSG)
- Thân phận pháp lý của condotel dưới góc nhìn kinh tế chia sẻ
- Ký ức Thăng Long - Hà Nội: Vệ sinh môi trường - bài toán ngàn năm
- Cần coi cây xanh như “VIP”!
- Khi người dân quyết định đầu tư công
- Vỡ quy hoạch công viên: Ai chịu trách nhiệm?
- Những cây cầu quy hoạch “thiếu tầm nhìn”?
- Vẫn kẹt do hạ tầng giao thông
- Ngẫm từ cái cổng làng
- Đà Nẵng muốn làm làng du lịch cộng đồng gắn với nghề chài lưới
- Nhà thờ Bùi Chu và câu chuyện khó khăn trong bảo tồn di tích kiến trúc chưa được xếp hạng