Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Những cây cầu quy hoạch “thiếu tầm nhìn”?

Những cây cầu quy hoạch “thiếu tầm nhìn”?

Viết email In

Gần đây, câu chuyện về 3 cây cầu đang là tâm điểm chú ý của dư luận theo những cách khác nhau, nhưng điểm chung của chúng là sự quy hoạch thiếu tầm nhìn.

Đó là, Cầu BOT Tân Nghĩa - Đồng Tháp sập đổ xuống sông do một chiếc xe quá tải. Cầu Lợi Nông - TP.Huế, trị giá 32 tỉ đồng, dù xây xong từ lâu nhưng không có đường dẫn hai đầu khiến cả cây cầu như lọt thỏm giữa sông, không phương tiện nào qua lại được. Và cầu Kênh Tẻ - TP Hồ Chí Minh, dài chỉ 763m, nhưng nó ùn tắc đến mức để đi qua đó người dân mất cả tiếng đồng hồ.


Xe cộ kẹt cứng khu vực cầu Kênh Tẻ.
(Ảnh: Phạm Hữu/Thanh Niên)

Thực tế này cho thấy, khi nhắc đến quy hoạch, người dân thường liên tưởng ngay đến những dự án kéo dài lê thê, quyền lợi người sử dụng bị “treo” cùng dự án… Đó cũng là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những xung đột vì “quy hoạch treo” trong thời gian qua. Tuy vấn đề này không mới, nhưng với tình trạng mâu thuẫn về lưu lượng giao thông thì đã trở thành vấn đề cấp bách và cần phải có những quan điểm để giải quyết một cách cụ thể.

Có thể nói, việc đấu nối giữa khu đô thị và bên ngoài, giữa khu dân cư với nhau thông qua những cây cầu dân sinh có tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội là điều không phải bàn cãi. Tiếc là, đang có những sự quá tải theo hình thức khác nhau của cầu BOT Tân Nghĩa và Kênh Tẻ, hay sự đìu hiu, không hiệu của cầu Lợi Nông.

Điểm chung của 3 cây cầu là sự khập khiễng giữa quy hoạch giao thông và quy hoạch dân cư.  Ở đây, trách nhiệm thuộc về chính quyền đô thị - người làm công tác quy hoạch hay trách nhiệm của chủ đầu tư? Vấn đề này ắt hẳn chúng ta ai cũng hiểu. Có điều đáng buồn là người ta đã không thực tế, không đoán định được tình hình phát triển của địa phương khi quy hoạch, thực thi dự án.

Nói cách khác, người ta đã không thực tế khi làm dự án. Trong khi, mọi dự án đều phải điều tra khảo sát nhu cầu giao thông thực tế, phải quản lý nhu cầu giao thông bằng các mô hình giải pháp thực tế, số liệu mục tiêu dự báo phải thực tế, tính toán quy mô đầu tư và khả năng huy động vốn phải thực tế, công nghệ mới và cả con người ra chính sách cũng phải thực tế..v..v.

Liên quan đến vấn đề này, có người nêu quan điểm: “Quy hoạch làm cầu, đường xong đưa vào sử dụng ngon lành, hiệu quả thì quá dễ, vì chỉ cần người dân bình thường quan sát thực địa một thời gian là làm được. Nhưng quy hoạch làm cầu, đường xong được thời gian ngắn buộc phải nâng cấp hoặc phải phá đi làm mới lại mới khó, mới cần đến học vấn, trình độ, kinh nghiệm dày dặn của các nhà quản lý hiện nay. Vì chỉ có như thế mới có nhiều "dự án" này nọ, mới có cái mà tham nhũng. Vì vậy đừng nghĩ và nói họ không có tầm nhìn, không có trình độ".

Vì thế, có một thực tế là lâu nay, không ít các dự án, trong đó có không ít dự án cầu dân sinh người ta trao cho dân “cái bánh vẽ” vì nhiều lý do. Đáng chú ý là không có sự tham khảo ý kiến của người dân và giới chuyên gia. Không tôn trọng việc đánh giá dự án, phản biện khoa học nhằm giảm thiểu những xung đột không đáng có. Trong khi đó, trong dân cũng có rất nhiều người giỏi, họ có khả năng chỉ ra cho các nhà quy hoạch những điều hay, cái dở của dự án.

Ai cũng biết ngành giao thông vận tải quan trọng như thế nào trong nền kinh tế, ngành này đóng góp và thúc đẩy phát triển tất cả các lĩnh vực khác. Công nghiệp hóa tất yếu xảy ra hiện tượng đô thị hóa, khi đô thị phát triển sẽ kéo theo nhu cầu giao thông phát triển theo.

Có thể, cầu Tân Nghĩa sẽ được lắp dầm mới, Kênh Tẻ sẽ được cơi nới, Lợi Nông sẽ có vốn, nhưng nó sẽ chẳng giải quyết được điều gì khi vẫn chỉ là chắp vá, tình thế, khi không nhìn thấy từ đó nguyên nhân chính là sự thiếu đồng bộ, thiếu dự báo, thiếu quy hoạch và thiếu cả những người chịu trách nhiệm chính cho những gì xảy ra hôm nay.

Xin nhắc lại vấn đề ở đây là tầm nhìn trong quy hoạch phát triển giao thông và quy hoạch dân cư của các địa phương kể trên nói riêng và cả nước nói chung. Cần phải cân nhắc và giữ tầm nhìn dài hạn khi xây dựng bất kỳ công trình giao thông nào. Song song, nói đến vấn đề quy hoạch ngành thì cần tìm ra được người chịu trách nhiệm cho việc đó.

Sai thì phải nhận là sai, và dám nhận sai, không nên như kẻ “đẽo cày giữa đường”. Nếu không, ý nghĩa của cụm từ “dân sinh” của các dự án đó sẽ không còn, sự thiệt thòi trước mắt người dân hứng chịu, kế tiếp là ảnh hưởng đến sự phát triển của chính địa phương đó.

Sông Hàn

(Diễn đàn Doanh nghiệp)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo