Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Phản biện Giải bài toán quy hoạch đô thị và kết nối giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Giải bài toán quy hoạch đô thị và kết nối giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Viết email In

Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không chỉ là những vấn đề bên trong mà cần xem xét những vấn đề xung quanh sân bay, đặc biệt là quy hoạch đô thị vùng xung quanh sân bay và quy hoạch kết nối giao thông vùng xung quanh sân bay.

Quy hoạch giao thông và vùng đô thị xung quanh Tân Sơn Nhất

Vùng đô thị sân bay là một xu hướng phát triển tiên tiến trong thế kỷ 21 nhưng đòi hỏi nhiều điều kiện, nhất là khả năng phát triển mối quan hệ liên kết đặc biệt giữa sân bay và đô thị, mà không phải sân bay nào trên thế giới cũng có được. Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất và vùng phụ cận đang có tiềm năng rất lớn trở thành Vùng Đô thị sân bay tầm cỡ quốc tế.

Với chiến lược quy hoạch sân bay phải gắn liền với quy hoạch đô thị, tất cả các dự án phát triển hàng không và đô thị trong khu vực đều phải có sự đánh giá và giải pháp tổng hợp trong mối liên kết với nhau, để đạt hiệu quả tốt nhất.


Hình ảnh kẹt xe kinh hoàng ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
(Ảnh tư liệu: Tiền Phong)

TP.HCM là đô thị lớn nhất và là đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam, có hệ thống cơ sở hạ tầng đa dạng và hiện đại. Tuy nhiên kết nối giao thông tích hợp giữa đường bộ, đường sắt, đường metro và đường hàng không tại CHKQT Tân Sơn Nhất hầu như không có.

Xung quanh CHKQT Tân Sơn Nhất có khá nhiều trục đường chính của thành phố như Trường Sơn, Nguyễn Kiệm, Quang Trung, Trường Chinh, Cộng Hòa... và hệ thống mạng lưới đường khu vực như Bạch Đằng, Hồng Hà, Tân Sơn, Phạm Văn Bạch, Thăng Long, Hoàng Hoa Thám... Tuy nhiên, CHKQT Tân Sơn Nhất chỉ có một “cổng” chính để hành khách ra vào trên đường Trường Sơn, trong lúc đường Trường Sơn sau khi xây dựng đại lộ Phạm Văn Đồng và mở rộng cặp đường Hồng Hà – Bạch Đằng đã trở thành trục chính đô thị hướng tâm cả chức năng vành đai trong, nối các quận, huyện phía Bắc phía Đông và khách các tỉnh miền Đông, miền Trung Cao nguyên... vào trung tâm Thành phố, cũng như ngược lại.

Nguyên nhân tắc nghẽn giao thông tại Tân Sơn Nhất

Phương án của TP.HCM mở nhà ga hành khách, mở rộng sân bay về phía Bắc trên đất sân golf là hợp lý nhất để sân bay Tân Sơn Nhất có thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2030.

Quy hoạch giao thông cảng hàng không, cả bên trong và nối kết với giao thông đô thị hiện hữu chưa được tốt lắm. Bên trong, thiếu chỗ đậu xe và không tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng, hệ thống xe buýt sân bay mới có từ tháng 3.2016 nhưng hiệu quả chưa cao. Kết nối với giao thông đô thị (đường Trường Sơn) không tốt, vừa tạo thêm áp lực cho đường Trường Sơn, vừa bị ảnh hưởng của dòng xe đô thị đi thẳng không vào sân bay.

Quy hoạch giao thông xung quanh khu vực sân bay cần xem lại do lưu lượng hành khách đi lại tại sân bay tăng lên quá nhanh, lại khó dự báo chính xác được dòng xe trong đô thị chuyển qua đường Trường Sơn khi đường này đã trở thành một phần trục chính đô thị (vừa chức năng hướng tâm vừa chức năng vành đai trong) và cao ốc văn phòng khu thương mại mọc đầy xung quanh.

Xa hơn, nghẹt cứng từ mạng lưới đường bên ngoài sân bay, từ nút Lăng Cha Cả, nút Quân khu 7, nút Phạm văn Đồng, đến các tuyến đường của các khu dân cư xung quanh sân bay của Tân Bình, Gò Vấp như các đường Cộng Hòa, Thăng Long, Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Phổ Quang, Hoàng Minh Giám...

Đường Trường Sơn và khu vực Lăng Cha Cả lúc nào cũng kẹt cứng, cản trở khách ra vào sân bay dù TP đã liên tục đưa ra các giải pháp “cấp cứu”. Vì khách đến sân bay không chỉ là người dân nội thành mà còn từ các vùng ngoại thành và các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ, nếu chỉ kết nối giao thông phía Nam thì những người này vào sân bay sẽ tốn thời gian đi qua khu vực trung tâm, “chèn” vào mạng lưới giao thông đô thị, dẫn đến ách tắc nghiêm trọng.

Xây dựng đường vành đai, mở thêm cổng vào ra sân bay ở mặt Bắc 


Sân golf sát đường băng cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất.
(Ảnh: Zing.vn)

Việc xây dựng đường vành đai sân bay hai chiều là yếu tố quan trọng hàng đầu của việc hình thành một vùng đô thị quanh sân bay hoạt động tốt với quy hoạch bền vững hài hòa giữa phát triển sân bay và phát triển đô thị, vừa giúp giao thông kết nối với sân bay được thông thoáng, vừa giúp giao thông đô thị đi vòng qua sân bay thuận tiện khi không cần đi vào sân bay.

Trước mắt, một trong các tuyến vành đai khả thi cần nghiên cứu thêm là “Cộng Hòa – Trường Chinh – Phan Huy Ích – Nguyễn Văn Quá – Quang Trung – Nguyễn Kiệm – Hoàng Minh Giám – Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa” với giải pháp tách rời giao thông ra/vào sân bay theo nhiều hướng và giao thông ra vào khu đô thị trong vành đai, với giao thông đô thị vòng quanh đường vành đai này để đi các hướng khác mà không cần vào sân bay.

Phương án của TP.HCM mở nhà ga hành khách, mở rộng sân bay về phía Bắc trên đất sân golf là hợp lý nhất để sân bay Tân Sơn Nhất có thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2030. Khi mở thêm cổng vào ra sân bay và kết nối giao thông ở mặt Bắc, hành khách từ các khu vực xung quanh bao gồm các vùng ngoại thành và các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ, đi theo quốc lộ 1 qua đường Quang Trung, đường Tân Sơn trực tiếp tới sân bay, tiết giảm thời gian, chi phí, giảm ách tắc cho giao thông đô thị.

[ Còn tiếp...]

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo